Nhịp cầu bạn đọc

Pháp luật - Bạn đọc 07/03/2023 09:02
Tạp chí Người cao tuổi nhận được đơn của bà Trương Thị Hoa, 62 tuổi, trú tại thôn Trệch, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, phản ánh về việc mảnh đất của gia đình bà bị người khác xây dựng nhà và sinh sống, thậm chí được cấp sổ đỏ. Trước việc sự việc này, gia đình bà đã làm đơn yêu cầu UBND huyện Bá Thước hủy sổ đỏ đối với nhà cấp sau, vì đã cấp trùng lên đất gia đình bà nhưng nhiều lần các cấp chính quyền không giải quyết.
![]() |
Bà Trương Thị Hoa trình bày vụ việc với phóng viên. |
Bà Hoa trình bày: “Năm 1987, gia đình tôi chuyển ra ở riêng tại đám đất thửa số 81, tờ bản đồ 07 tại thôn Trệch, xã Thiết Ống. Đến năm 1989, gia đình ông Phạm Văn Ba (có quan hệ họ hàng với nhà tôi) mượn một phần diện tích đất tại địa chỉ trên để làm quán bán nước. Năm 2006, gia đình tôi làm sổ đỏ. Từ ngày đó đến nay, gia đình tôi sinh sống ổn định, mãi đến năm 2020, khi Nhà nước có chủ trương nâng cấp Quốc lộ 15A, đoàn công tác tiến hành đo đạc, kiểm kê, đền bù, giải phóng mặt bằng, gia đình tôi mới biết ông Phạm Văn Ba cũng có một sổ đỏ được cấp năm 2008, chồng lên đất của gia đình tôi. Sau nhiều lần gia đình tôi đi hỏi cơ quan chức năng, làm đơn khiếu nại, kiến nghị lên xã, huyện, tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Người cao tuổi về việc trên, ông Phạm Phi Mão, Chủ tịch UBND xã Thiết Ống xác nhận: “Trước đây, mảnh đất trên là đất khai hoang, gia đình bà Hoa đã có sổ đỏ năm 2006, đến năm 2008, ông Ba cũng được cấp sổ đỏ. Thực tế không ai kiện cáo gì cả cho đến năm 2020, khi giải phóng mặt bằng đường 15, mới biết sổ nhà này chồng lên nhà kia. Lúc đó mới kiện nhau, họ báo cáo xã. Chúng tôi kiểm tra thì đúng là 2 nhà đều có sổ đỏ và khẳng định cơ bản là chồng lên nhau, địa chính cũng đã đo đạc. Theo tôi nghĩ, đất này của nhà bà Hoa, vì nhà này có sổ đỏ trước, ông Ba có sổ sau thì chắc phải thu hồi sỏ đỏ sau thôi”.
Ông Mão cho biết thêm: “Hiện tranh chấp chưa được giải quyết, nhà ông Ba lại đang khoan giếng nên hai nhà lại tiếp tục xảy ra mâu thuẫn. Chúng tôi cũng đã hoà giải nhưng không được nên hướng dẫn họ ra toà. Xã cũng muốn giải quyết sớm cho địa phương yên ổn, tránh tình trạng đơn thư kéo dài”.
![]() |
Mảnh đất được cho là có 2 sổ đỏ cấp chồng lên nhau. |
Một cán bộ từng công tác tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước, cũng là người sinh sống tại xã Thiết Ống (xin được giấu tên) nhận định: “Tôi nghĩ khi làm có cấp xã, huyện kí. Một thửa mà 2 cái sổ đỏ thì chắc chắn phải có một cái sai. Trong vụ việc này khả năng sổ đỏ nhà bà Hoa là đúng, còn sổ nhà ông Ba cấp sau là bị chồng lên”.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Anh, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bá Thước cho biết: “Chúng tôi đã nhận được thông tin của báo chí phản ánh, đồng thời trao đổi cũng như xin hồ sơ bên Chi nhánh Văn phòng Đăng kí đất đai huyện nhưng vẫn chưa tìm được hồ sơ. Việc lưu trữ ở miền núi kém nên tìm hơi khó, khi nào tìm thấy hồ sơ chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cho báo chí”.
Thiết nghĩ, sẽ không quá khó để tìm ra sự thật trong vụ việc này, nhưng không hiểu sao UBND huyện Bá Thước vẫn chưa tìm ra, để người dân ròng rã nhiều năm trời đi đòi quyền lợi mà không được giải quyết? Điều đáng nói, bà Hoa đã già yếu, lại là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc đi lại, đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho chính mình có nhiều hạn chế. Nên chăng, UBND huyện Bá Thước nhanh chóng chỉ đạo các phòng, ban chức năng kiểm tra xác minh làm rõ đúng sai để bảo đảm quyền lợi chính đáng của công dân là người cao tuổi.