Cần nhanh chóng hoàn thành thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Lê Cao Phấn

Pháp luật - Bạn đọc 30/06/2021 10:00
Kì 1: Hợp pháp tài sản do phạm tội mà có, chuyện thật như bịa
Tham ô lớn mà hình phạt nhẹ, vì sao?
Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Phú Phong, cùng 11 thuộc cấp chiếm đoạt đất ở những nơi đắc địa để chia nhau, hoặc bán rẻ cho nhau. Mỗi người chiếm hàng nghìn mét vuông đất, đứng tên mình hoặc tên vợ con. Lợi dụng chức quyền, có tổ chức và chiếm đoạt tài sản lớn, là ba tình tiết tăng nặng. Gần 330.000m2 đất bị mất, mỗi bị cáo “gánh” gần 25.400m2, vậy mà Bản án số 12/2007/HSST ngày 17/4/2007 của TAND tỉnh Hà Tĩnh, chỉ phạt cựu Chủ tịch UBND, cựu Bí thư Đảng ủy mỗi người 4 năm tù, còn lại là án treo, khiến dư luận bàn tán nhiều năm không dứt. Theo Tòa, các bị cáo đã tự nguyện khắc phục hậu quả... Thế nhưng, Nhà nước không nhận lại được tấc đất nào do các bị cáo trả. Sự thật, có 93 thửa, khoảng 5,6 ha, các bị cáo tự giác trả lại để hưởng lượng khoan hồng, hai bị cáo: Nguyễn Kim Chung và Lê Hữu Cơ trả lại 16 lô, trên 9.000m2, UBND huyện ra các quyết định thu hồi và công khai cho dân biết, nhưng rồi tìm cách giúp biển thủ toàn bộ số đất này.
![]() |
Ông Hợp trên thửa đất bị cưỡng chế năm 2012. |
Ngày 30/1/2008, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng có Văn bản số 60/VPBCĐ-V.IV, yêu cầu Hà Tĩnh chỉ đạo xử lí vụ gây thương tích cho 3 cựu chiến binh, những người đã “khui” vụ án và khen thưởng thích đáng; có biện pháp bảo vệ họ khỏi bị trả thù, khẩn trương thu hồi đất bị chiếm đoạt. Ngày 10/2/2011, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 769/VPCP, thông báo ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh có biện pháp bảo vệ 3 cựu chiến binh. Ngày 11/5/2011, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng gửi tiếp công văn, yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo huyện Hương Khê, có biện pháp bảo vệ 3 cựu chiến binh, khẩn trương thu hồi đất bị chiếm đoạt.
Trong 17 cán bộ có liên quan đến vụ án (13 cựu cán bộ xã, còn có 4 cán bộ huyện, gồm Chủ tịch UBND, Trưởng Công an huyện, Viện trưởng Viện KSND huyện, Giám đốc kho bạc không bị khởi tố), nếu mỗi người chiếm 4.000m2, thì mới có 68.000m2, mà đất bị tham nhũng là gần 330.000m2, vậy còn lại đi đâu? Dư luận cho rằng, nếu bình quân mỗi cán bộ chiếm 3.000m3, thì có hàng trăm cán bộ “nhúng chàm”. Nhưng chỉ truy tố 13 bị cáo, vì thế họ phạm tội mười, chỉ phạt một. Xã Phú Phong, nay ông Ngô Quang Hùng là Chủ tịch UBND, bà Nguyễn Thị Thân là Bí thư Đảng ủy, khi cán bộ chủ chốt bày trò “ăn đất”, thì hai người này còn là nguồn kế cận, nhưng ông Hùng vẫn được giao 4 lô, còn bà Thân không biết có mấy lô, nhưng có một lô mặt tiền đường Hồ Chí Minh, diện tích 1.000m2, đáng giá nhiều tỉ đồng. Đất chiếm đoạt được quy hoạch thành 535 lô, trong đó 450 lô đất ở, nếu trung bình 612m2/lô thì có 275.000m2 đất ở. Còn khoảng 53.000m2 chưa chuyển mục đích sử dụng. Theo nhiều cán bộ hưu trí có uy tín, vụ này Nhà nước mất khoảng 400 tỉ đồng (giá năm 2005).
Làm trái chỉ đạo của Thủ tướng
Hơn 10 năm qua, chính quyền tìm cách bưng bít, nhưng không danh chính, sợ bại lộ, nên năm 2019, UBND huyện Hương Khê lập Phương án số 04 PA-UBND, để hợp pháp số đất này cho những người phạm tội, được UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng tình tại Văn bản số 4723/UBND ngày 6/11/2019. Ngoài 93 thửa kể trên, thì có 39 thửa đã được cấp sổ đỏ khi vụ án chưa xét xử, giờ còn được hưởng đặc ân “không phải làm nghĩa vụ tài chính”. Có 21 thửa được cấp sổ đỏ rồi, nay được cấp đổi. Vì UBND huyện lí giải: Đất bán tự do, người sử dụng mua công khai, các đối tượng đã nộp tiền sử dụng đất và họ đã bị Tòa buộc tội...
![]() |
Bản án số 12/2007/HSST ngày 17/4/2007 của TAND tỉnh Hà Tĩnh |
Không hiểu huyện Hương Khê “sản xuất” bằng cách nào mà có đất để bán tự do? Trong số 535 thửa, các quan được cấp hoặc mua rẻ, đều bí mật, lén lút. nhân viên trong xã cũng không biết, nếu biết thì ai cũng mua (vì mua một bán mười lăm, có cán bộ mua thửa đất 9 triệu đồng, bán ngay cho người khác lấy 140 triệu đồng). Nói người mua đã nộp tiền, thì tài sản đáng 15 - 20 triệu đồng nhưng chỉ nộp 1 triệu đồng. Nếu bảo các bị cáo đã bị Tòa buộc tội, nên họ phải được sử dụng đất, thì sự biện hộ này là… chưa từng có. Người mua nhầm hàng ăn cắp, đã bị Tòa tịch thu mất, còn bị buộc tội “tiêu thụ hàng gian”. Có lẽ không ở đâu kẻ ăn cắp, hay người mua phải tài sản ăn cắp, lại được chính quyền cấp giấy chứng nhận, với lập luận “họ đã bị phạt tù rồi”, nên có quyền sử dụng tài sản ăn cắp được. Phạm tội ăn cắp thì bị xử phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự, nếu thu hồi được tài sản thì thôi, nếu không thì phải bồi thường bằng kinh tế. Không lẽ, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và huyện Hương Khê không biết, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã khắc phục hậu quả hàng chục tỉ đồng vẫn bị tù chung thân?
Trong số đất bị chiếm đoạt, có 300 lô được UBND huyện công nhận quyền cho người sử dụng, với lời biện hộ: “Các lô đất này không liên quan đến các bị cáo”. Đây là lí lẽ không thể chấp nhận. Một tấc đất trong 330.000m2 này đều là đất tham nhũng, vậy tại sao 300 thửa đất, chiếm hơn một nửa diện tích trong đó lại không liên quan đến các bị cáo? Một tài sản rất lớn của Nhà nước bị chiếm đoạt, 3 cựu chiến binh: Nguyễn Kim Hợp, Nguyễn Kim Trúc, Nguyễn Văn Sỹ nhiều năm “mai phục”, bất chấp nguy hiểm, để thu thập chứng cứ rồi tố cáo đến các cơ quan Trung ương. Năm 2007, vụ án được xét xử. Thủ tướng nhiều lần chỉ đạo khẩn trương thu hồi đất bị chiếm đoạt, nhưng UBND tỉnh Hà Tĩnh không thu hồi. Ba cựu chiến binh lại có đơn tố cáo, Thanh tra Chính phủ nhiều lần về làm việc, nhưng vẫn không giải quyết. Tài sản Nhà nước bị chiếm đoạt không được thu về, mà lại cấp giấy chứng nhận cho tội phạm, thì chỉ có Hà Tĩnh mới dám làm!?
Dư luận cho rằng, cách làm của chính quyền huyện Hương Khê và tỉnh Hà Tĩnh là “nhất cử lưỡng tiện”, vừa phục vụ cho lợi ích nhóm, vừa bưng bít để bỏ lọt cho cả “một rừng” tội phạm. Nếu gần 330.000m2 đất này được công nhận quyền sử dụng cho người chiếm đoạt, mà không thu về cho Nhà nước, thì các bị cáo làm đúng, sao lại tuy tố họ? Như vậy là 13 cựu cán bộ xã Phú Phong bị buộc tội oan?
Đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương vào cuộc, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo huyện Hương Khê và Đoàn Thanh tra Chính phủ. (Còn nữa)