Người cao tuổi chung sức đồng lòng, tạo khí thế cùng cả nước bước vào kỉ nguyên mới

Vấn đề hôm nay 27/05/2025 13:35
“NCT vẫn cháy bỏng tình yêu quê hương, đất nước và niềm khát khao được sống có ích”
“Là một NCT đã nghỉ hưu, tôi không khỏi xúc động và tự hào khi nhìn lại chặng đường đầy ý nghĩa mà lớp NCT chúng tôi đã đi qua, nhất là trong dịp kỉ niệm 84 năm Ngày truyền thống NCT - Ngày NCT Việt Nam (6/6/1941-6/6/2025) và 30 năm thành lập Hội NCT Việt Nam (10/5/1995-10/5/2025). Dẫu mái tóc đã bạc, bước chân không còn nhanh như thuở trước, nhưng trong tim tôi vẫn cháy bỏng tình yêu quê hương, đất nước và niềm khát khao được sống có ích, được cống hiến. Tôi tự hào vì NCT hôm nay không chỉ là “cây cao bóng cả” trong mỗi gia đình, mà còn là lực lượng quan trọng trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tham gia công tác xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở… Nhìn lại chặng đường 30 năm phát triển của Hội NCT Việt Nam, tôi vô cùng cảm phục và trân trọng những đóng góp to lớn của tổ chức Hội trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, đồng thời thúc đẩy phong trào “Tuổi cao - Gương sáng” lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. NCT là lớp người từng trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, là những nhân chứng lịch sử sống động, mang trong mình kho tàng trí tuệ, kinh nghiệm quý báu và bản lĩnh luôn vững vàng trước mọi thử thách, khó khăn. Trong bối cảnh xã hội không ngừng phát triển, NCT không chỉ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho gia đình và cộng đồng, mà còn là lực lượng đóng góp tích cực trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở đâu có NCT, ở đó có sự mẫu mực, trách nhiệm và tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Chúng ta cần tiếp tục tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để phát huy hơn nữa tiềm năng, trí tuệ, kinh nghiệm và uy tín của NCT. Đây không chỉ là sự ghi nhận, tôn vinh quá khứ cống hiến của họ, mà còn là cách để tận dụng một nguồn lực xã hội quý giá trong công cuộc phát triển đất nước bền vững và nhân văn. Tôi đề nghị Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và các chính sách, pháp luật về NCT nói riêng, coi “NCT là nguồn lực quý”, có chính sách mở để khơi dậy tiềm năng trí tuệ, kinh nghiệm quý của NCT trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Khi thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp, cần thiết phải bố trí NCT làm Chủ tịch Hội NCT cấp xã, đồng thời Chủ tịch Hội NCT cấp xã cần làm chuyên trách”. Ông Phạm Khắc Mã, Phó Chủ tịch Hội NCT phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên |
“Bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò của NCT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”
“Phường Cửa Nam có gần 1.000 cán bộ, hội viên NCT. Sau Đại hội VI, Hội NCT Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các cấp Hội cơ sở hoạt động. Nắm bắt kịp thời tinh thần đó, Hội NCT phường đã triển khai Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội, trong đó có nhiệm vụ rất quan trọng là “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc NCT”, được Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ phường, quận ghi nhận và đánh giá cao. Để làm tốt công tác chăm sóc NCT, Ban Chấp hành Hội đã họp thống nhất chia độ tuổi để tiện theo dõi, xây dựng kế hoạch chăm sóc như: Từ 60 đến 70 tuổi, chủ yếu là vận động, phát huy vai trò NCT tham gia công tác xã hội của địa phương hoặc phát triển kinh tế gia đình; từ 70 đến 80 tuổi, vừa chăm sóc, vừa phát huy; từ 80 tuổi trở lên, chủ yếu tập trung chăm sóc. Quan tâm NCT có hoàn cảnh khó khăn như bệnh tật, cô đơn; chăm sóc sức khỏe, tinh thần; tặng quà mừng thọ; hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo trợ… Chúng tôi hiểu rằng sắp tới tổ chức đơn vị hành chính có nhiều thay đổi, từ đó hoạt động của Hội NCT sẽ được quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn. Chúng tôi rất tâm đắc sau kết luận của của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về phương hướng nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về NCT và đặc biệt là Chỉ thị số 21 ngày 29/12/2022 của Thành ủy Hà Nội và Chỉ thị số 20 ngày 30/12/2022 của Quận ủy Hoàn Kiếm có nêu: “Xác định công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò của NCT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là nghĩa vụ, niềm vui, hạnh phúc của mỗi gia đình, mỗi công dân”. Ông Hoàng Như Huyên, Chủ tịch Hội NCT phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội |
Đề nghị bổ sung “người làm việc chuyên trách tại các Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp xã”
“Hiện nay, đội ngũ người làm việc chuyên trách tại các Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ - trong đó có Hội NCT Việt Nam đang thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ công vụ được phân công; được tuyển dụng, phân công, điều động bởi cơ quan có thẩm quyền; hưởng lương từ ngân sách nhà nước và nằm trong chỉ tiêu biên chế được giao. Quyết định số 118 ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư về quy chế tổ chức và hoạt động của Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương nêu rõ: “Người trong độ tuổi lao động được phân công, điều động đến làm việc tại Hội theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế của Hội thì hưởng lương, phụ cấp và các chế độ, chính sách khác theo quy định đối với cán bộ, công chức”. Tại Điều 40, Nghị định số 126 năm 2024 của Chính phủ quy định: “Người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao cho Hội thì được hưởng chế độ chính sách theo quy định đối với cán bộ, công chức” . Kết luận số 127 ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chỉ rõ: “Sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng hiện nay)”. Nghị quyết số 60 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 khẳng định: “Đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn, hợp nhất cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp xã”. Thực tiễn hiện nay, đội ngũ này đang được áp dụng nhiều chính sách như công chức (phụ cấp công vụ, nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, nghỉ hưu…). Tuy nhiên, do chưa có quy định rõ trong Luật Cán bộ, Công chức nên chưa được thừa nhận đầy đủ về vị trí pháp lí, gây khó khăn trong công tác quản lí, điều động, bố trí, sắp xếp, tuyển dụng, đào tạo, đánh giá và sử dụng cán bộ lâu dài. Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 2 của Dự thảo Luật theo hướng: “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng vào vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, người làm việc chuyên trách tại các Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”. Việc bổ sung này là cần thiết, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm sự đồng bộ giữa chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật; đồng thời tạo cơ sở pháp lí thống nhất để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện hiệu quả công tác cán bộ trong hệ thống chính trị, đặc biệt trong quá trình thực hiện sắp xếp các Hội về trực thuộc MTTQ Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, đề xuất này không làm tăng biên chế, bởi đối tượng được đề cập là người đang trong biên chế được giao, hưởng lương từ ngân sách nhà nước, có hồ sơ quản lí như công chức và thực hiện nhiệm vụ công vụ thường xuyên”. Ông Nguyễn Thành Lang, Hội NCT xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An |