Hơn 10 năm vẫn chưa được sửa sai
Pháp luật - Bạn đọc 27/10/2022 10:01
Năm 2012, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hân Vi (Công ty Hân Vi) vay của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (EXIMBANK) - Chi nhánh Hòa Bình, số tiền 516 triệu đồng. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuyển, bà Trần Thị Ngọc Xuyến (con gái và con rể cụ Dởi) kí bảo lãnh khoản vay này, bằng thế chấp quyền sử dụng đất của bà Xuyến, có diện tích 3.083,7m2, thửa số 107, tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Do làm ăn thua lỗ, Công ty Hân Vi không trả được nợ, nên người bảo lãnh là ông Tuyển và bà Xuyến phải trả nợ thay theo quy định của pháp luật.
Ngày 30/5/2012, TAND TP Hồ Chí Minh xét xử, ban hành Bản án số: 733/2012/KDTM-ST, tuyên ông Tuyển và bà Xuyến phải trả hết số nợ này cho Ngân hàng EXIMBANK. Ngày 8/1/2014, Chi cục THADS huyện Củ Chi ban hành Quyết định số: 193/QĐ-CCTHA, buộc ông Tuyển và bà Xuyến phải thay Công ty Hân Vi trả nợ hơn 428 triệu đồng. Ngày 22/1/2016, bà Xuyến đã nộp tiền thi hành án tại Chi cục THADS huyện Củ Chi. Việc bà Xuyến đã trả nợ, được đại diện Ngân hàng EXIMBANK - Chi nhánh Hòa Bình, cùng Chấp hành viên Nguyễn Hữu Phước, đại diện Chi cục THADS huyện Củ Chi xác nhận, Biên bản ghi rõ: “Bà Xuyến đã nộp thi hành án thay Công ty Hân Vi tại Chi cục THADS huyện Củ Chi. Chi cục THADS huyện Củ Chi sẽ chuyển trả ngân hàng, sau khi trừ phí thi hành án theo quy định. Đồng thời, yêu cầu Ngân hàng EXIMBANK - Chi nhánh Hòa Bình tạm giữ giấy tờ, tài sản liên quan đến hợp đồng thế chấp giữa ngân hàng và Công ty Hân Vi”.
Cụ Tô Thị Dởi và bà Trần Thị Ngọc Xuyến |
Sự thật trên đã chỉ rõ dấu hiệu sai phạm của Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Củ Chi và đại diện Ngân hàng EXIMBANK - Chi nhánh Hòa Bình, vì khi giải quyết thi hành án không có mặt của người phải thi hành án, đó là bà Xuyến và ông Tuyển. Mặt khác, việc giữ giấy tờ tài sản thế chấp của người phải thi hành án là bà Xuyến và ông Tuyển, khi họ đã nộp tiền thi hành án để giải chấp quyền sử dụng đất, thì phải trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Trần Thị Ngọc Xuyến theo đúng quy định. Điểm i, Khoản 1, Điều 21 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP, quy định bên thế chấp được xóa đăng kí thế chấp, khi “Cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng Thừa phát lại đã kê biên, xử lí xong tài sản bảo đảm”.
Chưa hết, Chi cục THADS huyện Củ Chi đã gộp Bản án số 733/2012/KDTM-ST ngày 30/5/2012 của TAND TP Hồ Chí Minh, vào tất cả những bản án khác, bao gồm cả nợ riêng cá nhân và nợ chung của vợ chồng ông Tuyển với những đương sự khác, để làm căn cứ pháp lí cưỡng chế kê biên, tổ chức bán đấu giá tài sản đối với tài sản không còn để thi hành án. Tài sản bị đưa ra bán đấu giá là tài sản riêng của bà Xuyến (vợ ông Tuyển) chỉ cam kết để bảo lãnh cho khoản vay đối với Ngân hàng EXIMBANK và đã trả xong nợ cho ngân hàng này, nhưng lại được đem đi thi hành án của Công ty Anh Luân.
Ông Nguyễn Văn Tuyển nạn nhân của vụ thi hành án kì lạ |
Diện tích 3.083,7m2 đất của bà Xuyến tại thời điểm đấu giá có giá thị trường trên 10 tỉ đồng, đã được UBND huyện Củ Chi cho phép chuyển đổi thành đất ở, tách thành 10 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các Văn bản: số 1672/UBND-TNMT ngày 13/3/2015, số 7021/UBND-TNMT ngày 18/9/2015. Thế nhưng, Chi cục THADS huyện Củ Chi chỉ bán đấu giá 1,7 tỉ đồng (theo chứng thư thẩm định giá), gây thiệt hại kinh tế rất lớn đối với bà Xuyến. Số tiền chênh lệch đấu giá diện tích đất này ai được hưởng? Hiện diện tích đất này có giá thị trường lên đến hơn 50 tỉ đồng.
Ông Tuyển còn phát giác việc: “Chấp hành viên Nguyễn Hữu Phước, lập khống số tiền 495.085.956 đồng, theo Hóa đơn số AD/2011/09123 ngày 4/11/2016, để trả nợ cho ông Dương Chí Dũng, nhưng thực tế ông Dũng không kí, không nhận số tiền này, vì giữa ông Tuyển và ông Dũng đã có biên bản thỏa thuận giải quyết, các bên đã giải quyết xong từ năm 2005 đến năm 2019. Ông Tuyển cho biết: “Tôi và bà Xuyến còn sở hữu gần 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, nhưng Chi cục THADS huyện Củ Chi không kê biên cưỡng chế những tài sản này, mà lại cưỡng chế kê biên, tổ chức bán đấu giá đối với tài sản không còn để thi hành án, là thi hành luật hay cố tình chiếm đất của công dân?”.
Một số văn bản chỉ đạo gần đây của các cấp |
Không chấp hành chỉ đạo của cấp trên?
Liên quan đến việc thi hành án kì lạ của Chi cục THADS huyện Củ Chi, nhiều cơ quan chức năng từ Trung ương đến TP Hồ Chí Minh, đã nhiều lần có văn bản đề nghị Cục THADS TP Hồ Chí Minh, Chi cục THADS huyện Củ Chi giải quyết và chỉ đạo giải quyết, báo cáo kết quả giải quyết. Theo đó, ngày 21/5/2020, Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) có báo cáo kết quả giám sát về công tác tiếp công dân, cùng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2019 tại Bộ Tư pháp, liên quan đến 5 vụ việc trong đó vụ việc của ông Tuyển và bà Xuyến. Đoàn giám sát kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo, khẩn trương giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thông báo kết quả đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đoàn giám sát. Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp có Văn bản số 06/TCTHADS-GQKNTC, yêu cầu Cục trưởng Cục THADS TP Hồ Chí Minh kiểm tra, xác minh, rà soát lại toàn bộ nội dung tố cáo của đương sự, giải quyết và chỉ đạo giải quyết, báo cáo kết quả về Tổng cục THADS. Từ đầu năm 2022 đến nay, UBND huyện Củ Chi đã ban hành 4 văn bản chỉ đạo, đề nghị Chi cục THADS huyện Củ Chi khẩn trương giải quyết dứt điểm vụ việc, báo cáo UBND huyện. Song đến nay, Chi cục THADS huyện Củ Chi vẫn không thực hiện. Họ đã nhờn, hay coi thường pháp luật, coi thường chỉ đạo của cấp trên? Nạn nhân của vụ thi hành án kì lạ này, gia đình cụ Dởi và bà Xuyến đặt câu hỏi, vụ việc đã kéo dài, nhưng Chi cục THADS huyện Củ Chi cũng không tất toán số tiền của vợ chồng bà Xuyến bị chiếm giữ, gồm số tiền bán đấu giá đất và số tiền ông Tuyển đã nộp cho cơ quan thi hành án? Vậy, có hay không sự bao che, dung túng cho sai phạm của Chi cục THADS huyện Củ Chi? Những sai phạm của Chi cục THADS huyện Củ Chi đã đẩy doanh nghiệp của gia đình bà Xuyến đứng bên bờ vực phá sản, ai chịu trách nhiệm?.