Cục THADS TP Hồ Chí Minh: “Phớt lờ” chỉ đạo của cấp trên, bao che cho cấp dưới!
Pháp luật - Bạn đọc 22/06/2020 10:22
Coi thường chỉ đạo của cấp trên?
Năm 2019, Báo Người cao tuổi đã đăng bài phản ánh vụ Chi cục THADS huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, bẫy người dân để cưỡng chế THA, cố tình tổ chức bán đấu giá đối với tài sản không còn để THA tại lô đất hơn 3.083,7 m2, thửa số 107, tờ bản đồ số 20, tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuyển và bà Trần Thị Ngọc Xuyến, mặc dù người dân đã trả xong số nợ với ngân hàng. Ngày 2/1/2020, Tổng cục THADS đã có Văn bản số 06/TCTHADS GQKNTC yêu cầu Cục trưởng Cục THADS TP Hồ Chí Minh kiểm tra, xác minh, rà soát lại toàn bộ nội dung tố cáo của đương sự, giải quyết và chỉ đạo giải quyết, báo cáo kết quả về Vụ Giải quyết khiếu nại tố cáo trước ngày 10/2/2020, nhưng đến nay, Cục trưởng Cục THADS TP Hồ Chí Minh vẫn chưa thực hiện chỉ đạo trên.
Trước đó, Quyết định 36/QĐ-CCTHA ngày 29/12/2014 của Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Củ Chi đã gộp tất cả những bản án khác, bao gồm cả nợ riêng cá nhân ông Tuyển và nợ chung của vợ chồng ông Tuyển và bà Xuyến và quyết định công nhận thoả thuận của các đương sự khác để làm căn cứ pháp lí cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất có diện tích 3.083,7 m2. Việc làm trên có đúng các quy định của pháp luật hay không, đến nay vẫn chưa được các cơ quan THADS trả lời đương sự.
Phải chăng có bao che cho sai phạm?
Trở lại vụ việc, có nhiều dấu hiệu sai phạm của Chi cục THADS huyện Củ Chi được bao che, cần được làm rõ. Việc cơ quan THADS huyện Củ Chi lợi dụng sự thiếu hiểu biết, “bẫy” người dân để cưỡng chế THA là có cơ sở nhưng Cục THADS TP Hồ Chí Minh không xem xét. Có rất nhiều điều “đáng ngờ” trong việc giải thích cho người phải THA của cơ quan thi hành án biết về nghĩa vụ THA.
Văn bản số 06 ngày 2/1/2020 của Tổng cục THADS. |
Ông Tuyển và bà Xuyến cho biết, đến thời điểm hiện tại Cục trưởng Cục THADS TP Hồ Chí Minh vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức giải quyết vụ việc. Ông Tuyển cũng khẳng định với phóng viên: “Quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất số 36/QĐ-CCTHA ngày 29/12/2014 của Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Củ Chi đã gộp tất cả những bản án khác bao gồm cả nợ riêng cá nhân tôi và nợ chung của vợ chồng tôi và quyết định công nhận thoả thuận của các đương sự để cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất có diện tích 3.083,7m2, thửa số 107, tờ bản đồ số 20, ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Đây là một quyết định không đúng, sai các căn cứ pháp lí và không đủ điều kiện để thi hành những bản án còn lại. Vì quyền sử dụng đất hơn 3.083,7m2 là tài sản duy nhất để thi hành Bản án số 733/2012/KDTM-ST ngày 30/5/2012 của TAND TP Hồ Chí Minh. Tài sản này không liên quan đến bất cứ bản án dân sự nào khác. Việc chấp hành viên Chi cục THADS huyện Củ Chi kí quyết định cưỡng chế biên quyền sử dụng đất hơn 3.083,7m2 để thi hành các bản án dân sự khác là hoàn toàn kê sai.
Đến thời điểm hiện nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được Quyết định số 36 (bản chính). Ngày 12/03/2020 chúng tôi yêu cầu Chi cục THADS huyện Củ Chi cung cấp thì mới nhận được bản trích lục sao y bản chính có dấu của Chi cục THADS huyện Củ Chi. Một vấn đề nữa tôi cũng không hiểu vì lí do gì hay để hợp thức hoá văn bản mà ngày 16/1/2014, Chi cục THADS huyện Củ Chi ban hành Quyết định số 33/QĐ-CCTHA về việc tạm dừng việc đăng kí, chuyển quyền sở hữu, sử dụng thay đổi hiện trạng tài sản đối với quyền sử dụng đất hơn 3.083,7m2 (Quyết định này cũng chỉ ngăn chặn để bảo đảm thi hành Bản án 733/KDTM-ST ngày 30/5/2012 của TAND TP Hồ Chí Minh không liên quan đến bản án dân sự nào khác)”.
Dư luận đặt nghi vấn, vì sao tài sản tài sản 3.083,7m2 đất của vợ chồng ông Tuyển có giá thị trường gần 50 tỉ đồng lại bị đem ra bán đấu giá một cách hết sức rẻ, chỉ 1,7 tỉ đồng?! Gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của vợ chồng ông Tuyển. Quyền sử dụng 3.083,7m2 đất của ông Tuyển đã được UBND huyện Củ Chi cho phép chuyển đổi thành đất thổ cư, tách thành 10 quyền sử dụng đất tại Văn bản số 1672/UBND-TNMT ngày 13/3/2015 và Văn bản số 7021/UBND-TNMT ngày 18/9/2015. Nhưng việc chỉ bán đấu giá theo chứng thư thẩm định giá chỉ có 1,7 tỉ đồng, trong khi giá thị trường thời điểm đấu giá là hơn 10 tỉ đồng, chênh lệch quá nhiều, câu hỏi đặt ra là những ai được lợi trong phi vụ đấu giá này? Những ai đã tạo nên “màn kịch” đấu giá, dựa trên những dấu hiệu vi phạm trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản vẫn chưa được Cục THADS TP Hồ Chí Minh làm rõ. Cần kiểm tra, làm rõ việc cơ quan THADS đã niêm yết thông báo về việc ông Tuyển có quyền nhận lại tài sản đã được biết hay chưa? Có tuân thủ đúng quy định theo các Điều 39, 40, 41, 42, 43 Luật THADS năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014, hay chỉ mang tính “hình thức” dẫn đến việc ông Tuyển không biết được quyền lợi chính đáng của mình?
Mặc dù ông Tuyển đã gửi rất nhiều lần đơn khiếu nại, tố cáo nhưng đến nay Cục THADS TP Hồ Chí Minh cũng không ra quyết định chính thức giải quyết vụ việc để vợ chồng ông Tuyển thi hành. Chi cục THADS huyện Củ Chi cũng không tất toán số tiền của ông Tuyển bị chiếm giữ (gồm số tiền bán đấu giá đất của ông Tuyển và số tiền ông Tuyển đã nộp cho cơ quan THADS). Vậy, có hay không sự bao che, dung túng cho những sai phạm của Cục THADS TP Hồ Chí Minh!? Chính những sai phạm này của cơ quan THADS đã đẩy doanh nghiệp của ông Tuyển trên bờ vực phá sản.
Có thể thấy những dấu hiệu sai phạm của Chi cục THADS huyện Củ Chi gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng Cục THADS TP Hồ Chí Minh giải quyết thiếu trách nhiệm, không thể giải tỏa được những nỗi bức xúc cho gia đình ông Tuyển. Mong rằng Ban Nội chính Trung ương, với chức năng chỉ đạo hoạt động phòng, chống tham nhũng và Cục Điều tra Viện KSND Tối cao với chức năng điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp sớm vào cuộc để làm rõ những sai phạm của Chi cục trưởng và Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Củ Chi cũng như sự bao che, dung túng (nếu có) cho sai phạm của Cục THADS TP Hồ Chí Minh.