Cẩn trọng với thủ đoạn chiếm đoạt tài sản bằng hình thức thuê xe ô tô tự lái
Pháp luật - Bạn đọc 04/12/2024 09:25
Trong đơn gửi Tạp chí Người cao tuổi, bà Trần Thị Nga, 65 tuổi, hiện ở đội 1, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội cho biết: Con trai bà Nga là anh Đặng Đức Tài cùng ở với bà. Anh Tài có người quen là chị Nguyễn Thị L (trú tại xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). L vốn là khách hàng thường xuyên thuê xe trên ứng dụng Mioto, anh Tài là cá nhân có xe cho thuê, cả hai cùng tham gia ứng dụng này. Sau một vài lần thuê trên ứng dụng, vào đầu tháng 10/2024, L đề nghị được thuê riêng xe với anh Tài. Sẵn có chiếc xe biển số 30L-250.x.x, nhãn hiệu: Kia Seltos - Luxury chưa dùng đến, anh Tài đồng ý cho L thuê.
Ngày 31/10/2024, tại Tòa T4, Khu đô thị Times City (TP Hà Nội), anh Tài và L. kí Hợp đồng cho thuê xe ô tô tự lái số: 31/HĐCTXTL. Theo đó, thời hạn thuê là từ 14 giờ ngày 31/10/2024 đến 14 giờ ngày 14/11/2024.
Nguyễn Thị L, người thuê xe của gia đình bà Nga đến nay vẫn “bặt vô âm tín”. |
Tuy nhiên, đến ngày 14/11/2024, khi hết hạn hợp đồng, anh Tài yêu cầu L mang xe trả để thanh lí hợp đồng thì L thoái thác không trả. L liên tục nói dối về việc đã cho (lúc thì anh H, lúc thì anh N.H,... nào đó) thuê. Những người L nói đã thuê xe của anh Tài từ L, anh Tài không biết. Nghi ngờ bị một nhóm đối tượng cấu kết với nhau để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, anh Tài nhiều lần tìm đến địa chỉ của L tại TTDV Nông nghiệp Kiêu Kỵ (địa chỉ theo Căn cước công dân), nhưng không tìm thấy đối tượng này. Có thể thấy, L đã lừa dối Tài từ đầu, khi tạo dựng niềm tin của Tài, rồi sau khi chiếm đoạt được tài sản thì “cao chạy xa bay”.
Bà Trần Thị Nga bức xúc: “Chiếc xe Kia Seltos - Luxury của gia đình tôi có gắn định vị. Nên trong Hợp đồng cho thuê xe ô tô tự lái số: 31/HĐCTXTL ngày 31/10/2024, tại Điều 4.1, cam kết: Bên A (Đặng Đức Tài) có quyền “báo cho cơ quan Công an và Mioto khi bên A không liên lạc được với bên B hoặc bên B tháo/tắt thiết bị định vị trên xe hoặc quá thời hạn thuê tại khoản 3.3 Điều 3 Hợp đồng này, bên B không giao xe cho bên A”. Thực tế, ngay sau ngày 14/11/2024, thiết bị định vị đã bị tháo khỏi xe của gia đình tôi. Bởi đã nhiều lần, Tài đi theo tín hiệu định vị đều không thấy xe. Chứng tỏ đối tượng L có thể đã tháo định vị của xe chuyển đi nơi khác. Điều này là vi phạm Điều 4.1 và là căn cứ để gia đình tôi bổ sung vào đơn trình báo - tố giác tội phạm làm sáng tỏ hành vi phạm tội của đối tượng này”.
Trong quá trình tìm kiếm L, anh Tài còn nhận được nhiều thông tin về hành vi có dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản khác của đối tượng này, như đã từng thuê xe của nhiều người rồi cho thuê lại nhiều tầng nấc khác nhau, cắt đứt thông tin của chủ sở hữu về chiếc xe của mình… Những dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng L là đối tượng có hành vi phạm pháp hình sự gây nguy hiểm cho xã hội, cần phải được nhanh chóng kiểm tra, xác minh.
“Từ sự việc trên, gia đình tôi nhận thấy, hành vi của L có dấu hiệu vi phạm Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tôi đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, điều tra, buộc Nguyễn Thị L phải trả lại chiếc xe Kia Seltos - Luxury cho gia đình tôi”, bà Nga kiến nghị.
Luật sư Bùi Thị Kim Liên |
Bà Nga cũng mong muốn cơ quan hữu quan tiến hành nghiên cứu, đánh giá, xem xét toàn diện các chứng cứ, tài liệu do anh Đặng Đức Tài thu thập và quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong sự việc liên quan tới Nguyễn Thị L.
Luật sư Bùi Thị Kim Liên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Trong trường hợp này, thủ tục thuê xe ô tô tự lái là khá đơn giản. Đây có thể là “kẽ hở” để các đối tượng lợi dụng nhằm chiếm đoạt tài sản. Thực tế, sau khi thuê được xe, các đối tượng sẽ mang đi nơi khác cắt hệ thống định vị, sau đó mang đi cho thuê lại, thậm chí là bán, cầm cố… Các chủ cho thuê cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, cần xác minh kĩ thông tin của người thuê xe, thực hiện đầy đủ các thủ tục, biện pháp ràng buộc pháp lí đối với khách thuê ô tô.
Cũng theo luật sư Bùi Thị Kim Liên, xe ô tô là tài sản cần phải đăng kí quyền sở hữu. Khi thực hiện thủ tục sang tên chiếc xe đó thì phải có hoạt động kí kết, mua bán chuyển nhượng xe, do đó phải có chữ kí của chủ sở hữu. Các giao dịch mua bán đối với những đối tượng không phải chủ sở hữu không có hiệu lực pháp luật. Do đó, các tổ chức, cá nhân không nên thuê lại, nhận thế chấp, cầm cố với những phương tiện xe ôtô không rõ ràng về nguồn gốc, giấy tờ và không chứng minh được chủ sở hữu. Có như vậy, các đối tượng lừa đảo mới không có cơ hội để chiếm đoạt tài sản.
Qua sự việc của gia đình bà Trần Thị Nga và con trai là Đặng Đức Tài cho thấy, cho thuê xe ô tô là hình thức kinh doanh có mức độ rủi ro cao. Bởi đa phần các vụ việc này, khi bắt giữ được đối tượng, thì toàn bộ tài sản bị chiếm đoạt và bị tiêu hết. Và khi đó, thiệt hại thuộc về phía người cho thuê và người cầm cố, mua xe. Vì vậy, người dân cần hết sức cẩn trọng khi tham gia vào hoạt động kinh doanh này, để tránh việc bị thiệt hại lớn về tài sản.