Hơn 35 năm bị cắt chế độ, hàng chồng đơn gửi khắp nơi chưa được giải quyết dứt điểm

Pháp luật - Bạn đọc 12/02/2025 10:34
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin, vừa thực hiện lệnh bắt Trịnh Phương Mai, 37 tuổi, ở phường An Hưng, TP Thanh Hóa, để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại cơ quan công an, Mai khai nhận, đầu năm 2022, Mai thường sử dụng mạng xã hội Facebook với nickname “Triệu Phương Mai” để đăng tải bài viết, nhằm thu hút người dân có nhu cầu xem bói, tử vi, tướng số và giải hạn.
Khoảng tháng 4/2024, chị Đ.T.T.O, ở TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh vào bình luận và có nhờ Mai xem bói. Lợi dụng tâm lí nhẹ dạ, cả tin của chị O, Mai bịa ra các câu chuyện tâm linh không có thật nhằm thao túng tâm lí khiến chị O lo sợ, phải làm các thủ tục giải hạn.
![]() |
Bị can Trịnh Phương Mai tại Cơ quan điều tra. |
Sau khi làm lễ, để tiếp tục lấy tiền của nạn nhân, Mai đưa ra nhiều thông tin và lí do khác nhau, như trong khi làm lễ thấy có “vong nhi” theo nên cần tiếp tục làm lễ để “vong đi”; quá trình làm lễ do nạn nhân ăn thịt chưng mắm tép nên lễ không thành.Thậm chí, Mai còn đưa ra một số hình ảnh về các vụ tai nạn giao thông rồi nói chị O có điềm xấu, đi lại phải cẩn thận khiến nạn nhân hoang mang lo lắng và tiếp tục chuyển tiền để làm lễ giải hạn.
Kết quả điều tra ban đầu, chị O đã nhiều lần chuyển tiền cho Trịnh Phương Mai, trong đó lần ít nhất là 25 triệu đồng, nhiều nhất là 54 triệu đồng.
Với thủ đoạn trên, từ tháng 7/2024 đến khi bị bắt, Trịnh Phương Mai đã dụ dỗ, buộc chị O chuyển số tiền hơn 1 tỉ đồng để cúng giải hạn, giải bùa, giải vong.
Dưới góc độ pháp lí, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, bói toán, đồng cốt, gọi hồn là các hoạt động mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật, nếu lợi dụng hoạt động mê tín dị đoan để nhận tiền, tài sản còn là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mê tín dị đoan là việc đặt niềm tin mù quáng vào những điều mơ hồ, không dựa trên cơ sở khoa học, thực tế, mà chỉ dựa vào những quan niệm được truyền miệng hoặc do tưởng tượng.
Một số hình thức mê tín dị đoan ở Việt Nam như: Bói toán, xem tướng số, tử vi, gọi hồn, thỉnh vong, cúng sao giải hạn, chữa bệnh bằng thuật bùa chú, yểm bùa...
Hoạt động mê tín dị đoan không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề nhận thức, tâm lí mà còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, đến kinh tế, văn hóa, an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Do vậy, dưới góc độ pháp lí, mê tín dị đoan là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, người tham gia hoạt động mê tín dị đoan sẽ bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng. Những người tổ chức hoạt động mê tín dị đoan mà chưa đến mức xử lí hình sự sẽ bị phạt 15 đến 20 triệu đồng.
Nếu thực hiện hành vi hành nghề mê tín dị đoan đã bị xử phạt hành chính, đã bị kết án hoặc ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hành nghề mê tín dị đoan” quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự.Trường hợp thực hiện hành vi hành nghề mê tín dị đoan với mục đích là để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị xử lí hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
“Trong vụ việc nêu trên, đối tượng đã đưa ra thông tin gian dối về vấn đề tâm linh, bói toán để thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan, chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỉ đồng của nạn nhân nên có thể đối tượng này sẽ bị xử lí hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Với số tiền lừa đảo hơn 1 tỉ đồng, nếu bị chứng minh có tội, đối tượng gây ra vụ việc có thể sẽ đối mặt với chế tài là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Vụ án là bài học đối với nhiều người khi mù quáng, tin theo các hoạt động mê tín dị đoan để rồi tiền mất, tật mang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, đời sống gia đình”, luật sư Đặng Văn Cường nêu.