Cần quan tâm tới quyền lợi của gia đình NCT khi bị thu hồi đất
Pháp luật - Bạn đọc 16/11/2023 09:15
Ngày 30/3/2009, thực hiện Quyết định số: 1450/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, các đơn vị chức năng đã triển khai, thực hiện giải phóng mặt bằng, thu hồi 25.375m2 đất nông nghiệp tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, giao cho Công ty Cổ phần Y học Rạng Đông để xây dựng Bệnh viện đa khoa quốc tế Vietsing.
Theo Quyết định số: 1450/QĐ-UBND, UBND huyện Từ Liêm có trách nhiệm hướng dẫn Công ty Cổ phần Y học Rạng Đông thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất; thực hiện quản lí Nhà nước về đất đai trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra việc sử dụng đất đai của Công ty Cổ phần Y học Rạng Đông và kịp thời phát hiện những vi phạm để xử lí theo thẩm quyền.
Ông Nguyễn Gia Bàng 75 tuổi, bức xúc vì cho rằng gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp để làm dự án nhưng giải quyết đền bù, hỗ trợ chưa thỏa đáng. |
Quyết định này nêu, sau 12 tháng kể từ khi nhận đất bàn giao ngoài thực địa, Công ty Cổ phần Y học Rạng Đông không sử dụng hoặc sử dụng chậm tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư và sử dụng không đúng nội dung quy định tại Điều 1 của Quyết định này, thì Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ, trình UBND Thành phố thu hồi lại đất đã giao.
Luật Đất đai năm 1993, 2003 và 2013, đều có quy định nếu dự án quá một năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được không nhiều. Những tác động tiêu cực của những dự án “bỏ hoang”, hay chậm triển khai trên địa bàn Thủ đô thời gian qua đã diễn ra hàng chục năm nay nhưng trên thực tế việc xử lí đang là vấn đề nan giải.
Dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế Vietsing do Công ty Cổ phần Y học Rạng Đông làm chủ đầu tư, có tổng số vốn dự kiến là 800 tỉ đồng. Tính từ thời điểm tháng 3/2009 đến nay dự án đã hơn 14 năm. Theo quan sát của phóng viên, trên diện tích 25.000m2 đất của Thành phố đã bàn giao, cỏ dại mọc um tùm, nhếch nhác, hoang tàn. Được biết, nơi đây đã từng hứa hẹn sẽ là bệnh viện chất lượng cao với quy mô 350 giường, được kì vọng giúp giảm tải cho hệ thống y tế của Hà Nội. Bên cạnh việc dự án “hoang vắng” nhiều năm (do đợi điều chỉnh theo quy hoạch mới của Thành phố) với nguy cơ gây lãng phí nguồn lực đất đai, đặc biệt là kéo theo đó là những hệ lụy với người dân bị thu hồi đất canh tác nông nghiệp. Cuối tháng 10/2023, Dự án Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vietsing, có Giấy phép xây dựng số: 15/GPXD ngày 23/6/2023 của Sở Xây dựng Hà Nội, mới “rục rịch” triển khai công việc xây dựng.
Tuy nhiên, các hộ dân trong đó hầu hết là người cao tuổi đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trên diện tích 25.375m2 bị thu hồi, gần 12 năm qua vẫn chưa đạt được đồng thuận trong công tác hỗ trợ người bị thu hồi đất, chưa bảo đảm quyền lợi với người bị thu hồi đất, đã kiến nghị tới các cơ quan quản lí chức năng. Người dân nơi đây cho rằng, thực tế, Dự án Xây dựng Bệnh viện tư nhân Vietsing có dấu hiệu vi phạm quy định sử dụng đất đai, tạo nên những bức xúc kéo dài với người dân, và để lại những dư luận xấu đối với đời sống, xã hội.
Tìm hiểu thực tế, kể từ tháng 12/2011 đến nay, gần 12 năm qua, trên những thửa đất đã được cấp quyền sử dụng đất của những hộ dân đã bị thu hồi đất, trong đó có 9 hộ dân hiện vẫn chưa xong công tác đền bù, hỗ trợ. Trong số các hộ dân đó có những gia đình thuộc diện chính sách, người tàn tật, người cao tuổi hay có hoàn cảnh khó khăn.
Các hộ dân này nhiều năm qua đã và đang phải tìm nhiều sinh kế, để mưu sinh, gặp không ít khó khăn, thiệt thòi từ việc triển khai xây dựng Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vietsing tại đây. Vì không có đất, họ vất vả mưu sinh, lòng dân mòn mỏi trông chờ vào sự xem xét giải quyết thỏa đáng quyền lợi công bằng của người dân từ các bộ, ngành của TP Hà Nội và địa phương.
Nên chăng, các đơn vị chức năng, liên quan tới triển khai Dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế Vietsing, cần tổ chức đối thoại, quan tâm giải quyết kiến nghị của các hộ dân bị thu hồi đất, rà soát công tác quản lí đất đai, sử dụng đất, các trường hợp đã giao đất, chuyển quyền sử dụng đất khi đã giao.
Từ những cơ sở trên, các cấp chính quyền, các phòng ban chuyên môn liên quan tới Dự án cần tham mưu, giải quyết dứt điểm những trường hợp đủ điều kiện theo chế độ, chính sách quy định, những kiến nghị chính đáng của các hộ dân là người cao tuổi, bảo đảm cuộc sống của người dân liên quan đến chuyển đổi, thu hút, tạo việc làm để sớm tháo gỡ những bức xúc, những tồn tại đã kéo dài nhiều năm tại khu phố Phúc Lý, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm. Đồng thời, các bộ, ngành quản lí cần nhìn nhận những dự án trăm tỉ “hoang hoá” nói chung, gây lãng phí tài nguyên đất ấy có còn thích hợp với quy hoạch chung của Thủ đô hay không. Đó là việc cần được bàn tính vào lúc này.