Nhịp cầu bạn đọc

Pháp luật - Bạn đọc 05/11/2019 10:15
Chấm dứt HĐLĐ trái luật!
Năm 2000, Ban Quản lí dự án các công trình xây dựng tỉnh Sóc Trăng thành lập, ông Đàm Văn Khuê (kĩ sư Thủy lợi), thường trú 183/13 Lê Hồng Phong, phường 3, TP Sóc Trăng được bổ nhiệm phụ trách Phòng Kế hoạch - Kĩ thuật. Đến năm 2002, tỉnh Sóc Trăng thành lập Ban ĐBGPMBCCTTTDA Quản Lộ-Phụng Hiệp, ông Khuê được điều sang làm cán bộ chuyên trách của đơn vị này. Sau đó, ông Khuê bị cho thôi việc, với lí do: Không thỏa thuận được giao kết HĐLĐ, nên Ban ĐBGPMBCCTTTDA Quản Lộ-Phụng Hiệp chấm dứt lao động với ông Khuê kể từ ngày 1/3/2004... Đơn vị đã thanh toán đầy đủ các chế độ liên quan theo quy định đến hết tháng 3/2004.
Trong khi đó, tại Khoản 2, Điều 38 của Bộ luật Lao động quy định: “Người sử dụng lao động (NSDLĐ) có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong những trường hợp sau: Người lao động (NLĐ) thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng; NLĐ bị xử lí kỉ luật sa thải theo quy định tại Điều 85 của bộ luật này: NLĐ làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn ốm đau và điều trị 12 tháng liền, NLĐ làm theo HDLĐ xác định thời hạn ốm đau đã điều trị 6 tháng;.... Theo quy định trên, ông Khuê không nằm trong những trưởng hợp mà NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
Quyết định giải quyết khiếu nại có nhiều dấu hiệu trái luật!
Quyết định số 02/QĐKN-BĐB ngày 12/4/2007 của Trưởng ban ĐBGPMBCCTTTDA Quản Lộ-Phụng Hiệp, tỉnh Sóc Trăng (sau đây gọi là Quyết định số 02), có nhiều nội dung thể hiện mâu thuẫn, trái luật.
![]() |
Quyết định số 02/QĐKN-BĐB ngày 12/4/2007 của Trưởng ban ĐBGPMBCCTTDA QLPH có nhiều nội dung thể hiện mâu thuẫn, trái luật- Ông Đàm Văn Khuê trình bày nỗi oan ức vì bị buộc thôi việc trái luật! |
Một, có dấu hiệu giả mạo để vu oan cho ông Khuê. Quyết định số 02 khẳng định, ông Đàm Văn Khuê công tác tại BQLDA các CTXD tỉnh Sóc Trăng từ tháng 7/1997, thuộc Phòng Kế hoạch (Trưởng phòng) với hình thức HĐLĐ không xác định thời hạn. Ngày 4/11/2002, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Công văn số 1262/CV.HC.02 về việc cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm) Ban ĐBGPMBCCTTTDA Quản Lộ-Phụng Hiệp của công trình thuộc tiểu dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trong đó có điều động ông Đàm Văn Khuê sang chuyên trách. Sau đó BQLDA các CTXD tỉnh Sóc Trăng có thông báo số 04/TB.BQL.02 về việc chấm dứt HĐLĐ và thanh toán chế độ trợ cấp thôi việc cho ông Khuê. Sau khi ông Khuê sang làm việc tại Ban ĐBGPMBCCTTTDA Quản Lộ - Phụng Hiệp, ông Nguyễn Thông Quang có lập HĐLĐ ngày 1/10/2002, với ông Khuê, nhưng trong HĐLĐ này ông Khuê không đồng ý kí tên mà chỉ có ông Nguyễn Thông Quang kí.
Ngày 4/11/2002, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Công văn số 1262, về việc chuyển công tác đối với ông Khuê, ông Nguyễn Thông Quang căn cứ vào cơ sở pháp lí nào để lập HĐLĐ ngày 1/10/2002 với ông Khuê? Rõ ràng việc lập HĐLĐ ngày 1/10/2002 là không đúng thực tế, thể hiện có dấu hiệu giả mạo để vu oan cho ông Khuê không kí hợp đồng. Tại sao cơ quan chức năng chưa xem xét, xử lí tình tiết này?
Hai, thực tế ông Khuê đã chấp hành và công tác ở Ban ĐBGPMBCCTTTDA Quản Lộ- Phụng Hiệp theo sự điều động của tổ chức. Nếu nói đến tháng 7/2003, ông Trần Lái phát hiện ông Khuê là người không kí HĐLĐ với cơ quan, là không đúng. Bởi, đến thời điểm này, ông Khuê vẫn làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn; hợp đồng này đến nay chưa có quyết định nào của cấp có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ và thanh lí theo quy định của pháp luật. Vậy tại sao lại cho là “ông Đàm Văn Khuê là người không kí HĐLĐ”?
Ba, Quyết định số 02 cho rằng: “Mặc dù trên thực tế Ban ĐBGPMBCCTTTDA Quản Lộ- Phụng Hiệp vẫn sử dụng, điều động công tác và vẫn trả lương cho ông Khuê, bản thân ông Khuê vẫn thực hiện sự phân công, điều động công tác của đơn vị, nhưng hai bên không có sự ràng buộc pháp lí trong quan hệ lao động”.
Tuy nhiên, Quyết định số 02 khẳng định ông Đàm Văn Khuê công tác tại BQLDA các CTXD tỉnh Sóc Trăng từ tháng 7/1997, thuộc Phòng Kế hoạch với hình thức HĐLĐ không xác định thời hạn. Và ông Khuê không thuộc trường hợp NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ; HĐLĐ không xác định thời hạn của ông Khuê đến nay chưa có quyết định thu hồi, hủy bỏ và thanh lí theo quy định; và thực tế Ban ĐBGPMB CCTTDA Quản Lộ-Phụng Hiệp đã quản lí, sử dụng ông Khuê trong một thời gian dài (tháng 11/2002 đến tháng 3/2004). Vậy có việc quản lí sử dụng NLĐ, tại sao lại cho rằng: “Hai bên không có sự ràng buộc pháp lí trong quan hệ lao động”? Rõ ràng đây là quan điểm phi thực tế và bất cập với pháp luật về sử dụng lao động; gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp chính đáng của ông Khuê!
Bốn, Kí Quyết định 02 không đúng thẩm quyền! Ông Khuê cho biết: “Trưởng ban là ông Diệp Kinh Tần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (sau này là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), có nói với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Dân Chính Đảng tỉnh Sóc Trăng, là ông Diệp không phân công ông Lái kí Quyết định 02. Nên trong quyết định có ghi Phó ban là lạm quyền”. Ông Diệp Kinh Tần nói với ông Khuê như vậy là phù hợp quy định của Thông tư hướng dẫn về quyết định hành chính: “Trường hợp kí thay người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì phải ghi chữ viết tắt “KT” (kí thay) vào trước chức vụ của người đứng đầu”. Nhưng ông Lái chỉ là Phó ban, mà không ghi chữ viết tắt “KT” ở phần nội dung chữ kí của Quyết định 02. Điều này dẫn đến Quyết định 02 có vướng mắc pháp lí, không có giá trị pháp lí.
Năm, Quyết định 02, khẳng định: “Ban ĐBGPMBCCTTTDA Quản Lộ-Phụng Hiệp chấm dứt lao động với ông Khuê kể từ ngày 1/3/2004... Đơn vị đã thanh toán đầy đủ các chế độ liên quan theo quy định đến hết tháng 3/2004”. Trong khi, cho rằng ông Khuê không có HĐLĐ! Vậy, căn cứ vào hợp đồng nào để thanh toán đầy đủ cho ông Khuê về các chế độ liên quan theo quy định đến hết tháng 3/2004?
Trách nhiệm của Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng ở đâu?
Ông Khuê bức xúc: “Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, biết rõ: UBND tỉnh Sóc Trăng và Ban ĐBGPMBCCTTDA Quản Lộ-Phụng Hiệp phải tôn trọng nội dung văn bản mình ban hành. Chỉ có UBND tỉnh Sóc Trăng mới có quyền thay đổi văn bản của UBND tỉnh Sóc Trăng. Việc Ban đền bù tự làm hợp đồng với tôi, tự kí và đóng dấu từ 1/10/2002 là thể hiện sự “lật lọng”, là làm trái với đề nghị của chính ban đền bù tại Văn bản số 02 ngày 22/10/2002. Ban ĐBTHGPMBCCTTDA Quản Lộ-Phụng Hiệp tự ý làm HĐLĐ, tự mình kí và tự mình “phán” rằng “hợp đồng vô hiệu” là trái quy định; “đương sự tự phán xét trong tranh chấp dân sự là trường hợp chỉ có ở Sóc Trăng”, đây là câu nói của ông Hà Thắng, Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng.
Từ một Trưởng phòng, điều động đi làm cán bộ theo quy trình, rồi bị mất việc và hủy toàn bộ hồ sơ cán bộ và chế độ bảo hiểm xã hội bằng miệng, không theo quy trình là gây ra nỗi nhục cho tôi. Tôi không vi phạm khuyết điểm và cũng không vi phạm pháp luật trong công tác khi ở hai ban trực thuộc tỉnh Sóc Trăng. Tôi là viên chức trong đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Sóc Trăng, không thể và không nên bị đối xử như thế! Mong các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết công bằng. Tại sao Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng lại “vô cảm” trước việc quyền lợi của người lao động bị vô cớ tước đoạt; không có trách nhiệm đối với quyết định hành chính do mình ban hành?”.
Báo Người cao tuổi trân trọng kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện quyền năng giám sát, kết luận công khai vụ việc phản ánh trên đây; thông báo kết quả cho cử tri và công luận.