Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên: Chính quyền địa phương gây khó cho dân!? (Kì 3)
Pháp luật - Bạn đọc 25/02/2020 08:55
Bài III: Bình luận và kiến nghị
Cách giải quyết cả 2 vụ việc thật đơn giản, là cấp cho dòng tộc Trần, do ông Trần Quang Huấn (trước đây) hoặc ông Trần Quang Huỳnh (hiện nay) 100m2/2.675,4m2 đất ở như đã hứa và cấp giấy phép để ông Huỳnh xây lại nhà từ đường đã có gần 60 năm nay, tại tổ dân phố Phước Lý, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu là xong. Tuy nhiên, không rõ vì lí do gì, chính quyền và ngành chức năng của địa phương này vẫn cứ vòng vo, có những động tác xử lí hết sức khó hiểu, gây bức xúc không cần thiết cho người dân.
Ông Trần Quang Huỳnh từng là một công chức, có thời gian công tác 40 năm, nay nghỉ hưu và là hội viên Hội Người cao tuổi. Mặc dù ông công tác tại Phòng Kinh tế TP Nha Trang, nhưng ông sinh ra và lớn lên ở Sông Cầu, Phú Yên. Ông am hiểu pháp luật, có trách nhiệm với dòng tộc và xã hội. Nhiều cán bộ chủ chốt ở Sông Cầu là bạn của ông. Vậy sao họ nỡ lòng nào đối xử với ông như thế? Đất mượn không trả, nhà hỏng không cho xây. Thử hỏi chính quyền của dân, vì dân, do dân ở chỗ nào? Việc UBND thị xã Sông Cầu và tỉnh Phú Yên, cũng như các ngành chức năng ở địa phương này sử dụng tài liệu giả (xin khẳng định 100% giả), để kiếm cớ, tạo lí lẽ “đã hiến rồi thì không đòi lại”, là việc làm vừa trái pháp luật, lại không có lương tâm. Hành vi đó cần được làm rõ và xử lí hình sự. Căn nhà từ đường đã xây dựng gần 60 năm, hư hỏng, rách nát là chuyện có thật, đang sờ sờ ra đó, ai cũng thấy. Trong nhà đang có một bà mẹ (mẹ ông Huỳnh gần 90 tuổi). Nhà nước mở Quốc lộ 1A, đã hai ba lần, nay nhà nằm dưới đường cũng là sự thật, ai cũng biết. Đất của dòng tộc Trần đã được cấp GCNQSDĐ, chắc chắn cán bộ thị xã Sông Cầu biết. Vậy tại sao không cấp giấy phép xây dựng, để ông xây lại nhà như bao trường hợp khác? Hay đó là chiêu bài câu nhử cho ông bức xúc, phải xây dựng trái phép rồi… phá? Hay còn thiếu điều kiện gì nữa mà pháp luật chưa qui định?
Đất từ đường sử dụng chung, không chia cho các thừa kế, nhưng đã có sự ủy quyền của dòng họ, vậy sao chính quyền thị xã Sông Cầu lại lấy lí do “đất chưa chia nên phải có xác nhận của các thừa kế”? Ông Trần Quang Huỳnh đã thực hiện yêu cầu đó của dòng họ suốt 10 năm nay. Các trưởng chi trong dòng họ đã qua đời, thử hỏi họ làm sao sống lại để kí xác nhận? Trường hợp UBND thị xã Sông Cầu do quá cẩn thận, sợ các thành viên trong dòng tộc tranh chấp, thì việc giải quyết tranh chấp đó (nếu có) là của tòa án, chứ không phải của UBND thị xã Sông Cầu. Đúng là những đòi hỏi vừa không có căn cứ pháp lí, lại thiếu tình người.
Trong lúc đòi hỏi chủ sử dụng thửa đất và sở hữu căn nhà từ đường, cũng như tài sản khác trên đất khắt khe như vậy, nhưng cách đây 10 năm, cũng chính UBND thị xã Sông Cầu lại quá dễ dàng đối với bà Trần Thị Kim Huyền, khi bà Huyền chỉ có một mảnh giấy xác nhận của ông Trần Quang Huỳnh, với mục đích cho làm lại căn nhà trên nền đất đã hư hỏng, dạng nhà tiền chế thuộc loại không cần giấy phép, thì thị xã lại cấp giấy phép xây dựng nhà hai tầng? Việc bà Huyền không có GCNQSDĐ, nhưng thị xã Sông Cầu vẫn cấp giấy phép xây dựng, là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, cần được xem xét xử lí.
Vụ việc đã được một số cơ quan báo chí như báo Người cao tuổi, Truyền hình Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên có ý kiến can thiệp, yêu cầu giải quyết, nhưng UBND thị xã Sông Cầu vẫn cứ dây dưa và nay thì cánh cửa giải quyết đã khép lại, bằng việc công khai hành vi không nhận hồ sơ xin phép xây dựng của ông Trần Quang Huỳnh.
Ông Trần Quang Huỳnh hết sức bức xúc khi trao đổi với phóng viên |
Hiện ông Huỳnh hết sức bức xúc. Ông đã có đơn yêu cầu chính quyền thị xã Sông Cầu phá dỡ căn nhà 2 tầng của bà Huyền, vì chính quyền địa phương cấp giấy phép xây dựng trái pháp luật trên đất dòng tộc của ông. Chúng tôi thấy yêu cầu này của ông Huỳnh là chính đáng, đúng pháp luật. Với thửa đất vườn dừa, sau khi UBND thị xã Sông Cầu và tỉnh Phú Yên, bằng mọi cách lần lữa không cấp cho dòng tộc Trần một lô đất như đã hứa, nay ông Huỳnh đã có đơn đòi lại toàn bộ diện tích. Chúng tôi thấy yêu cầu đó của ông cũng hoàn toàn chính đáng và đúng pháp luật. Xuất phát từ thực tiễn nói trên, chúng tôi kiến nghị:
Một là, phải cấp giấy phép xây dựng cho dòng tộc Trần, do ông Trần Quang Huỳnh đại diện hợp pháp, để xây lại nhà từ đường mà không kèm theo một điều kiện nào khác.
Hai là, kiến nghị trả lại vườn dừa cho dòng tộc Trần, vì vườn dừa đó là của dòng tộc Trần và nó đã, đang và bị bỏ hoang suốt 40 năm nay.
Ba là, xử lí người làm giả “Biên bản họp về việc mở rộng đề án kiến thiết cơ bản Xí nghiệp ép dầu 19/8”, lập ngày 16/3/1979.
Bốn là, xử lí trách nhiệm người chỉ đạo không nhận hồ sơ và cấp giấy phép xây dựng lại nhà từ đường cho dòng tộc Trần, do ông Trần Quang Huỳnh làm đại diện.
Năm là, chấn chỉnh lề lối làm việc của chính quyền thị xã Sông Cầu, ít nhất trong vụ việc này, vì việc làm đó là nguyên nhân dẫn đến gây mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước thời gian qua.
Sáu là, theo quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiêu chuẩn đảng viên cơ cấu vào cấp ủy, trong nhiệm kì đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, chúng tôi thấy những cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây khó cho Nhân dân như đối với ông Trần Quang Huỳnh, là không đủ tiêu chuẩn. Đề nghị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên xem xét, sàng lọc để sớm đưa ra khỏi danh sách cơ cấu cấp ủy trong nhiệm kì 2021 – 2025.
Chúng tôi tiếp tục theo dõi và kịp thời phản ánh đến bạn đọc về vụ việc trên.