Vừa nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội, vừa nặng lòng với đồng đội
Tuổi cao gương sáng 14/01/2025 14:52
Sau những lần gặp gỡ trao đổi, tôi ghi chép đầy đủ và chi tiết những điều ông hướng dẫn về nội dung, phương pháp hoạt động công tác NCT, Hội NCT để vận dụng vào việc xây dựng và tổ chức thực hiện nội dung, chương trình hoạt động của chi hội NCT khu dân cư. Về đời mình, ông Xuất cho biết: Năm 1969, ông xung phong nhập ngũ khi đang học lớp 9 và vào chiến đấu tại chiến trường Long-Châu-Sa (vùng Đồng Tháp Mười) vô cùng ác liệt. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị ông tấn công lữ đoàn biệt động quân của địch, ông bị thương và điều trị ở bệnh viện dã chiến mặt trận B2. Đến năm 1976, do không đủ sức khỏe phục vụ trong Quân đội, ông chuyển ngành về công tác tại Ty Thủy lợi tỉnh Thái Bình. Một thời gian sau, ông được cử đi học bổ túc văn hóa rồi thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; tốt nghiệp về công tác tại Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam cho đến ngày nghỉ hưu.
Ông Phạm Như Xuất (thứ nhất bên phải) và đồng đội tại nghĩa trang ở tỉnh Đồng Tháp |
Ông cho biết, vợ ông là bà Trần Thị Bình cũng là cựu chiến binh; vợ chồng ông có hai con (1 trai, 1 gái). Nhưng niềm vui của vợ chồng ông không trọn vẹn, khi cậu con trai mất do tai nạn giao thông. Nỗi đau ấy đã làm ông bà suy sụp một thời gian. “Không thể gục ngã” trước nỗi đau vô cùng nghiệt ngã ấy, vợ chồng ông đã động viên nhau gượng dậy, chăm lo cho con gái. Hiện nay, con gái của ông bà đã có gia đình riêng và việc làm ổn định. Niềm vui hạnh phúc của vợ chồng con gái phần nào nguôi ngoai dần nỗi đau mất mát để ông thực hiện dự định đã ấp ủ là trở lại chiến trường xưa tìm kiếm thông tin xác định họ, tên, nơi yên nghỉ và quê quán cho các liệt sĩ theo hồ sơ của đơn vị cũ của ông.
Ông tâm sự: Tuy đã nghỉ hưu nhưng ông chưa muốn đi xa vì lo vợ ở nhà vất vả. Thấu hiểu nỗi lòng ông, vợ ông và vợ chồng con gái động viên ông yên tâm đi làm việc nghĩa tình với đồng đội. Ông trở lại chiến trường Long-Châu-Sa cùng những đồng đội quê ở Đồng Tháp và Ban chỉ huy quân sự tìm đến các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn, chụp ảnh từng bia mộ. Ông nhập các dữ liệu ảnh vào máy tính, dò tìm những thông tin ít ỏi trên từng bia mộ, đối chiếu giữa bản danh sách liệt sĩ với thông tin ông có được từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cùng những tài liệu thu thập được từ một số cán bộ quân lực đơn vị cộng với trí nhớ để hiệu chỉnh, bổ sung, làm rõ những thông tin còn thiếu của từng liệt sĩ. Từ những thông tin đó, ông gửi thư cho người thân liệt sĩ và chờ hồi âm. Có những trường hợp phải chờ thời gian dài vì nhiều lí do mà phần lớn là sai tên đệm liệt sĩ; nhiều trường hợp đã thay đổi tên làng, xã, huyện, tỉnh; có trường hợp phải thư đi thư lại đến vài lần hai bên mới gặp nhau. Trường hợp nào còn lăn tăn cần xác minh thêm, ông lại “khăn gói quả mướp” trở lại Đồng Tháp Mười.
Ông Phạm Như Xuất (hàng trên bên trái) tại hội nghị NCT phường Vĩnh Tuy |
Sau mấy năm trở lại chiến trường đến nay, ông cùng các đồng đội còn sống bổ sung những thông tin còn thiếu và xác minh quê quán theo địa giới hành chính hiện tại cho 196/347 liệt sĩ; trong đó xác định được phần mộ đã quy tập về nghĩa trang liệt sĩ tại các địa phương cho 156 liệt sĩ. Đã có gần 40 liệt sĩ được người thân làm thủ tục xin chuyển về quy tập tại nghĩa trang quê nhà. Tại lễ truy điệu khi quy tập liệt sĩ về quê ở huyện Mỹ Đức, huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội), huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh)…, ông đều có mặt với tư cách đồng đội và người chứng kiến. Những gia đình chưa có điều kiện quy tập về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà cũng yên tâm đi lại thăm viếng, hương khói cho liệt sĩ. Được đơn vị, địa phương, gia đình liệt sĩ ghi nhận đã giúp ông có thêm niềm tin vào cách nghĩ, cách làm của mình, từ đó tranh thủ cơ hội tìm kiếm bổ sung thông tin cho những liệt sĩ còn lại trong danh sách. Ông tâm sự: “Anh em đồng đội đã hi sinh vì dân, vì nước mới thực sự là những chiến binh “Hạng Nhất”, còn mình chỉ là cựu binh “Hạng Nhì” thôi. Mình may mắn còn được sống nên sẽ cố gắng làm điều gì đó giúp yên lòng người thân của họ. Nếu điều kiện sức khỏe còn cho phép thì sẽ còn tiếp tục làm việc thiện nguyện”.
Qua câu chuyện mà ông chia sẻ, tôi đã biết ông không chỉ là người trọn nghĩa vẹn tình với đồng đội mà còn rất nhiệt tình, trách nhiệm với việc xã hội bởi ông vừa là Phó Chủ tịch Hội NCT phường kiêm Chi hội trưởng Chi hội NCT và là Bí thư chi bộ khu dân cư. Có lẽ vì thế mà ông tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm về công tác vận động quần chúng của các đoàn thể trong hệ thống chính trị ở khu dân cư và đó cũng là những điều tôi học được ở ông để vận dụng vào những hoạt động của Hội NCT. Thời gian gần đây, do sức khỏe giảm sút, ông xin thôi nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội NCT phường, nhưng lại được “giao” làm Phó ban Chăm sóc sức khỏe NCT phường và luôn hoàn thành tốt.
Nhận nhiệm vụ nào, ông cũng tâm huyết tìm ra những giải pháp hữu hiệu tổ chức, vận động quần chúng thực hiện các phong trào đạt kết quả cao nhất. Hằng năm, chi bộ Đảng, Chi hội NCT khu dân cư 7 do ông làm Bí thư và Chi hội trưởng đều đạt danh hiệu đơn vị xuất sắc, Hội NCT phường luôn là một trong những Hội tiêu biểu của Hội NCT quận. Cá nhân ông được các cấp chính quyền và các cấp Hội NCT biểu dương, khen thưởng.
May mắn được là “đồng nghiệp” với ông làm công tác NCT, Hội NCT trong nhiều năm, tôi đã tiếp nhận được nhiều bài học quý báu từ ông, càng cảm phục ý chí tinh thần của ông vượt qua nỗi buồn riêng, dành tâm sức cho hoạt động hữu ích của cộng đồng và trọn nghĩa vẹn tình với anh em đồng đội. Thời gian cùng công tác NCT, Hội NCT với ông đã để lại trong tôi nhiều kỉ niệm đẹp khó quên.