Vì sao lại “chuyển” từ giải quyết khiếu nại thành giải quyết kiến nghị phản ánh?
Pháp luật - Bạn đọc 26/12/2024 09:45
Thứ nhất: Tại Văn bản số: 437/UBND-TNMT về việc trả lời đơn phản ánh của công dân, ngày 15/1/2024 của UBND TP Thủ Đức, gửi cho tôi (Lê Thanh), có nội dung: “UBND TP Thủ Đức nhận được đơn của ông Lê Thanh phản ánh việc UBND TP Thủ Đức giải quyết khiếu nại không đúng theo quy định pháp luật, không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông. Căn cứ Điều 9, Luật Khiếu nại năm 2011, thời hiệu khiếu nại hành vi hành chính là 90 ngày. Như vậy, khiếu nại của ông Lê Thanh đối với hành vi cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở của UBND quận 9 đã hết thời hiệu.
Mặt khác, đơn của ông Lê Thanh có tiêu đề “khiếu nại” nhưng có nội dung là kiến nghị (đề nghị công nhận 1.000m2 là đất ở tại đô thị không thu tiền sử dụng đất theo Luật Đất đai quy định). Vì vậy, ngày 7/10/2020, UBND quận 9 (nay là TP Thủ Đức) có Văn bản số: 3523/UBND-TNMT trả lời đơn kiến nghị của ông Lê Thanh”.
Thông báo số: 536/TB-VP ngày 2/9/2019 của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP Hồ Chí Minh về vụ khiếu nại của ông Lê Thanh. |
Trả lời trên đây rõ ràng có mâu thuẫn: Khẳng định tôi có đơn khiếu nại, nhưng hết thời hiệu khiếu nại; và cho rằng nội dung đơn là tôi: Kiến nghị (đề nghị) để ra Văn bản trả lời đơn kiến nghị (thay vì ra quyết định bằng văn bản để giải quyết khiếu nại). Trong khi Luật Khiếu nại năm 2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012, tại Khoản 1, Điều 2. Giải thích từ ngữ:
“Trong Luật này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước… khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
UBND TP Thủ Đức biết đơn của tôi khiếu nại về việc “không được công nhận 1.000m2 là đất ở tại đô thị không thu tiền sử dụng đất theo Luật Đất đai quy định”, nên trong đơn khiếu nại này có nội dung kiến nghị (đề nghị) là hoàn toàn đúng và phù hợp quy định Luật Khiếu nại tại khoản 1 Điều 2. Giải thích từ ngữ (nói trên). UBND TP Thủ Đức biết và hiểu rõ nội dung điều luật này, sao “đánh lận con đen” để “hô biến” đơn khiếu nại của tôi thành đơn kiến nghị, phản ánh?
Thứ hai: Tại Văn bản số: 437/UBND-TNMT ngày 15/1/2024 của UBND TP Thủ Đức, thể hiện:
Ngày 10/7/2023, Ban Tiếp công dân TP Thủ Đức có Thông báo số: 25/TB-TCD về kết luận của đồng chí Nguyễn Hữu Anh Tứ, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức tại buổi tiếp công dân Lê Thanh tại phường Long Bình, TP Thủ Đức. Theo đó, tại buổi tiếp xúc, ông Lê Thanh kiến nghị các nội dung sau:
“1. Yêu cầu UBND TP Thủ Đức giải quyết công nhận 1.000m2 đất ở đô thị, không thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
2. Ngày 23/6/2004, UBND Quận 9 (nay là TP Thủ Đức) cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 2652/04 cho gia đình ông Lê Thanh phần đất ở 156m2 thuộc một phần thửa 467, tờ bản đồ số 12, xây dựng 56,9m2, phường Long Bình theo quy định nào của pháp luật.
3. Yêu cầu UBND TP Thủ Đức cấp 300m2 đất còn thiếu, chưa cấp cho gia đình ông Lê Thanh tại phường Long Bình.
4. Đề nghị đăng kí cập nhật biến động phần diện tích đất của ông Lê Thanh tại phường Long Phước.
5. Yêu cầu UBNDTP Thủ Đức tiếp xúc và trả lời đơn tố cáo (ghi ngày 20/8/2022) về nội dung sai phạm của Lãnh đạo UBND quận 9 cũ trong lĩnh vực đất đai”.
Do đó, ngày 7/9/2023, UBND TP Thủ Đức có Văn bản số: 5332/UBND-TNMT trả lời các nội dung kiến nghị của ông Lê Thanh”.
Tuy nhiên, thực tế việc Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức tiếp công dân Lê Thanh là để giải quyết đơn khiếu nại của tôi (Lê Thanh)! Và tại buổi tiếp này, tôi có nêu ra 5 nội dung yêu cầu, đề nghị nói trên, là để trình bày rõ thêm với Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức về nội dung đơn khiếu nại (phù hợp quy định khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011. Giải thích từ ngữ nói trên).
Nhưng, UBND TP Thủ Đức ra Văn bản số: 5332/UBND-TNMT ngày 7/9/2023 để trả lời đơn kiến nghị của tôi. Và tại Văn bản này thể hiện có bỏ sót việc tôi có đơn tố cáo (ngày 20/8/2022) nhưng đã hơn 1 năm chưa được giải quyết, nên tôi “Yêu cầu UBND TP Thủ Đức tiếp xúc và trả lời đơn tố cáo này. Mặt khác, việc bỏ sót này: Pháp luật quy định tôi có quyền khiếu nại (tố cáo) hành vi chậm giải quyết đơn tố cáo, chứ không có quy định tôi có đơn kiến nghị giải quyết đơn tố cáo. Điều này, cũng thể hiện dấu hiệu “đánh lận con đen” để “hô biến” đơn khiếu nại của tôi thành đơn kiến nghị, phản ánh!
Tôi xin nói rõ thêm: Kiến nghị là việc cá nhân, tổ chức có phản ánh với cơ quan hành chính Nhà nước và đề xuất phương án xử lí hoặc có sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống Nhân dân. Phản ánh là việc cá nhân, tổ chức có ý kiến với cơ quan hành chính Nhà nước về những vấn đề liên quan đến quy định hành chính, bao gồm: Những vướng mắc cụ thể trong thực hiện; sự không hợp pháp, không hợp lí, không đồng bộ, không thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam kí kết hoặc gia nhập và những vấn đề khác.
Có thể thấy, đơn khiếu nại của tôi có nội dung yêu cầu, đề nghị nhằm đòi lại lợi ích mà tôi cho là đã bị xâm phạm, là phù hợp quy định Luật Khiếu nại tại Khoản 1, Điều 2. Giải thích từ ngữ (nói trên). Sao lại “đánh lận con đen” để “hô biến” đơn khiếu nại của tôi thành đơn kiến nghị, đơn phản ánh?”
Thực hiện Điều 5 Luật Người cao tuổi năm 2009, Tạp chí Người cao tuổi trân trọng kính đề nghị Chủ tịch UBND TP Thủ Đức giải quyết nguyện vọng của người cao tuổi là ông Lê Thanh; thông báo kết quả để Tạp chí trả lời người cao tuổi và bạn đọc theo quy định.