Nguy cơ “mất cả chì lẫn chài” khi cho người khác vay để nhận lãi cao
Pháp luật - Bạn đọc 08/01/2025 14:56
“Chiêu” huy động vốn để đáo hạn ngân hàng
Trong nội dung đơn thư, có trên 10 người ở huyện Xuyên Mộc và huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã vướng vào bẫy “huy động vốn làm đáo hạn ngân hàng” của bà Nguyễn Thị Phương Nga; với tổng số tiền huy động lên đến 167,4 tỉ đồng (thống kê theo đơn tố giác tội phạm của các nạn nhân gửi đến cơ quan chức năng tính đến thời điểm hiện tại).
Theo bà Khuyên, kể từ tháng 7/2023, bà đã bắt đầu qua lại và làm ăn với bà Nga, hình thức chủ yếu là cho bà Nga vay những khoản tiền từ vài trăm triệu đồng đến vài tỉ đồng trong thời gian ngắn. Bà Nga nói mục đích vay để bà Nga sử dụng cho việc đáo hạn ngân hàng. “Tổng cộng số tiền tôi đã cho bà Nga vay là 12 tỉ đồng. Bà Nga nói chỉ vay trong khoảng thời gian ngắn, đáo hạn cho khách xong, họ vay lại được thì sẽ trả cả vốn lẫn lãi cho tôi. Tuy nhiên, đến giờ bà Nga đã “lặn” mất”, bà Khuyên cho biết.
Còn bà Nguyễn Thị Mai Phương, ở huyện Xuyên Mộc cũng tin lời đường mật của bà Nga về món lãi hời (cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiền ngân hàng) đã cho bà Nga vay 6 tỉ đồng. “Bà Nga nói chậm nhất 10 ngày có cả tiền vốn, tiền lãi, nhưng chưa đầy nửa tháng chưa thấy tiền, tôi đòi thì bà Nga nói ngân hàng chưa giải ngân rồi “im lặng” luôn”, bà Phương bức xúc.
Cũng bằng cách huy động vốn tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng Dưỡng cho bà Nga vay 27 tỉ đồng (từ tháng 4 đến tháng 8/2023), xác nhận thoả thuận vay giữa hai người chỉ là tờ giấy viết tay, không cam kết thời hạn trả nợ. “Chị Nga nói tiền gửi ngân hàng không có lãi nhiều bằng cho người ta vay đáo hạn, chỉ trong vòng 5-10 ngày là thu hồi cả vốn lẫn lãi cao rồi. Tôi cũng không nghĩ chị Nga lừa mình vì thấy chị đó vẫn đang làm ăn rất tốt, đầu tư nhiều lĩnh vực”, bà Dưỡng cay đắng kể.
Sau khi phát hiện bà Nga và chồng đã huy động vốn của nhiều người với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng, bà Khuyên và nhiều người khác “cùng cảnh ngộ” đã phát hoảng, tinh thần sa sút trầm trọng.
“Tôi mất ngủ triền miên dẫn tới phát bệnh. Nay các khoản trả nợ gốc và lãi dồn dập khiến tôi bế tắc, đi vào đường cùng”, bà Khuyên khóc, nói. Còn bà Dưỡng từ một người nội trợ chỉ biết chuyên tâm chăm sóc gia đình, nay vì các khoản nợ, bà Dưỡng phải đi giúp việc thêm cho nhiều gia đình khác.
Hiện tại, bà Nga luôn có những động thái né tránh, không muốn trả nợ, bên cạnh đó còn thách thức các nạn nhân “tự nhiên” kiện ra Toà.
Nhiều rủi ro khi người vay tẩu tán tài sản, không còn tài sản để thi hành án
Theo luật sư Phạm Hoàng Lộc, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, việc cho người khác vay tiền để đáo hạn ngân hàng là giao dịch dân sự giữa các cá nhân với nhau. Thông thường, với mức lãi suất cao và nghĩ rằng trong thời gian ngắn có thể thu hồi vốn nên họ không nghĩ có xảy ra rủi ro. Tuy nhiên trong thực tế có rất nhiều mánh khóe về hình thức đáo hạn ngân hàng để huy động vốnhoặc đáo hạn ngân hàng thông qua các giao dịch dân sự khác như: chuyển nhượng bất động sản, hoặc cách thường thấy nhất là đi vay bên ngoài và trả trực tiếp cho ngân hàng, sau đó tiếp tục vay lại để trả nợ bên ngoài. Tuy nhiên, với hình thức nào thì cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người cho vay.
Luật sư Phạm Hoàng Lộc cho rằng: “Trong trường hợp người cho vay nhận thấy người được cho vay không có khả năng thanh toán khi đến hạn thanh toán thì lúc này buộc phải khởi kiện ra Tòa án. Hoặc trong trường hợp nhận thấy bên kia có dấu hiệu của hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, hoặc “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự”.
Cũng theo luật sư Phạm Hoàng Lộc, trong quá trình khởi kiện đề nghị tòa án, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, tạm dừng tiến hành các giao dịch có liên quan đến tài sản của người có nghĩa vụ trả nợ.
Tuy nhiên rủi ro lớn nhất trong trường hợp này là sau khi đáo hạn ngân hàng bên vay không tiến hành trả nợ theo thời hạn thỏa thuận mà họ nhận tài sản về và tiến hành chuyển nhượng, hoặc tẩu tán tài sản. Việc này dẫn đến nguy cơ khi người cho vay khởi kiện mặc dù có bản án trong tay nhưng bên vay không còn tài sản để thi hành án.
“Đặc thù của những người có nhu cầu vay đáo hạn ngân hàng này là ngoài nợ ngân hàng thì đang nợ cá nhân bên ngoài rất nhiều. Đối với những trường hợp có nhiều người cùng kiện đòi nợ thì có khả năng cao tài sản thu về vẫn không đủ để trả nợ. Do đó, đa số trường hợp thiệt thòi vẫn thuộc về phía cho vay”, luật sư Phạm Hoàng Lộc nói thêm.