Vì sao người dân kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án?
Pháp luật - Bạn đọc 08/01/2025 10:35
Người dân kêu oan với phán quyết của TAND tỉnh Quảng Ninh
Theo nội dung vụ án: Ngày 28/9/2023, Nguyễn Việt Hoàng, nhân viên quan hệ khách hàng, Phòng giao dịch Yên Hưng, thuộc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Uông Bí (Ngân hàng) đã đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Quảng Ninh tự thú về hành vi gian dối của mình trong việc giải ngân vốn vay của một số khách hàng có hợp đồng vay vốn hạn mức tại Ngân hàng do Nguyễn Việt Hoàng trực tiếp giao dịch để chiếm đoạt số tiền 6.680.000.000đồng. Căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được, ngày 6/10/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Nguyễn Việt Hoàng đề điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Quang cảnh phiên toà sơ thẩm vụ án. |
Quá trình điều tra, Hoàng thừa nhận tất cả các hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền. Cụ thể, từ trước đến nay, lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng đã thường xuyên giao dịch với Hoàng, Hoàng đã đưa cho khách hàng một bộ hồ sơ giải ngân, gồm: Giấy nhận nợ, Biên bản kiểm tra đối tượng giải ngân, ủy nhiệm chi, hóa đơn bán hàng, đã điền sẵn các thông tin nhưng lại để trống số tài khoản và tên người thụ hưởng, lợi dụng tâm lí và sự tin tưởng của khách hàng, khi đưa hồ sơ, Hoàng đã kẹp rất nhiều giấy tờ khác để khách hàng kí theo hướng dẫn. Hoàng chỉ giở các giấy tờ, bảo khách hàng kí vào những chỗ nào mà Hoàng yêu cầu. Trên cơ sở đó, Hoàng đã đưa hồ sơ về Ngân hàng, dùng máy tính tại Ngân hàng in chèn lên thông tin để trống trong hồ sơ cho người thụ hưởng, là người quen của Hoàng. Với thủ đoạn như vậy, đối với 3 khách hàng là ông Vũ Minh Chiến, bà Nguyễn Thị Nguyệt và ông Phạm Văn Phương, Ngân hàng đã giải ngân với số tiền 6,680 tỉ đồng vào số tài khoản thụ hưởng của người quen Hoàng (không phải số tài khoản thụ hưởng từ trước đến nay khách hàng giao dịch). Và sau khi nhận được tiền từ ngân hàng, những người quen của Hoàng đã chuyển lại vào số tài khoản của Hoàng.
Quá trình điều tra của Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Quảng Ninh và quá trình truy tố của Viện KSND tỉnh Quảng Ninh đều xác định tư cách tố tụng của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Uông Bí là bị hại, còn khách hàng là ông Vũ Minh Chiến, bà Nguyễn Thị Nguyệt, ông Phạm Văn Phương là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, khi mở phiên tòa, Tòa án lại xác định ông Vũ Minh Chiến, bà Nguyễn Thị Nguyệt, ông Phạm Văn Phương là bị hại, còn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Uông Bí lại là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đây là lí do người dân có đơn chống án.
Cơ sở nào để xác định tư cách tố tụng trong vụ án?
Liên quan đến vụ án, luật sư Dương Lê Ước An, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Căn cứ quy định tại điểm d, Khoản 1, Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và điểm c, Khoản 1, Điều 6 Thông tư liên tịch số: 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017, quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì: “Điều 280: Trả hồ sơ để điều tra bổ sung:1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:
...
d) Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng
Điều 6: Phối hợp thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp quy định tại điểm d, Khoản 1, Điều 245 và điểm d, Khoản 1, Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự: 1. Khi có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Viện Kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung:
...
c) Xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ”.
Có thể thấy, trường hợp Tòa án cho rằng Viện Kiểm sát xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của người dân và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Uông Bí, thì Tòa án cấp sơ thẩm phải trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung, thay vì tự mình xác định lại tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng. Việc không trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát điều tra bổ sung để xác định lại tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng của Tòa trong giai đoạn chuẩn bị xét xử là dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Luật sư Dương Lê Ước An, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết thêm: Trong vụ án này, phải xác định tư cách tố tụng như quá trình điều tra của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh và truy tố của Viện KSND tỉnh Quảng Ninh mới phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn. Bởi lẽ:
Luật sư Dương Lê Ước An (ảnh trên) và Thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị của TAND tỉnh Quảng Ninh. |
Thứ nhất, số tiền bị cáo Hoàng chiếm đoạt thuộc quyền sở hữu và quản lí của ai? Ngân hàng hay người dân? Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác.
Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”.
Hành vi chiếm đoạt, xét về mặt khách quan: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi cố ý biến đổi trái phép tài sản dưới sự kiểm soát của chủ sở hữu thành tài sản của chính mình. Nói cách khác, hành vi chiếm đoạt là hành vi làm cho chủ sở hữu tài sản đó mất năng lực thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, vứt bỏ tài sản của mình và cho phép người chiếm đoạt được thực hiện đúng quyền của mình, chiếm hữu, sử dụng tài sản đó một cách bất hợp pháp. Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 464 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó”. Như vậy, Ngân hàng là chủ sở hữu, là bên quản lí tài sản chưa chuyển giao sang tài khoản cho người dân, Ngân hàng chuyển vào số tài khoản Hoàng đưa ra thông tin gian dối thông qua số tài khoản thụ hưởng, bị cáo Hoàng chỉ định để Ngân hàng chuyển vào số tài khoản đó.
Khách hàng chưa thể là chủ sở hữu với khoản vay, vì khách hàng hay người đại diện hợp pháp của khách hàng chưa nhận số tiền do Ngân hàng chuyển vào. Do đó, số tiền bị cáo Hoàng đã chiếm đoạt là tài sản thuộc sở hữu của Ngân hàng. Do đó, Ngân hàng cần phải được xác định là bị hại trong vụ án.
Thứ hai, vì sao trong vụ án có một trường hợp khác cũng là nạn nhân của Hoàng là bà Phạm Hồng Yến đượcCơ quan CSĐTCông an tỉnh Quảng Ninh ngay từ đầu xác địnhvới tư cách là bị hại?
Trong vụ án này, ngoài ông Chiến, bà Nguyệt, ông Phương, còn có bà Phạm Hồng Yến bị Hoàng chiếm đoạt số tiền 500 triệu đồng. Vì sao Cơ quan điều tra lại xác định bà Yến là bị hại, bởi vì tài sản đã được Ngân hàng giải ngân vào tài khoản của bà Yến, sau đó trực tiếp bà Yến chuyển ngược lại cho bị cáo Hoàng.
Kháng cáo đối với bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Ninh
Với bản án trên, ông Vũ Minh Chiến, bà Nguyễn Thị Nguyệt và ông Phạm Văn Phương đều tỏ ra rất bức xúc trước phán quyết của TAND tỉnh Quảng Ninh. Bởi vì họ cho rằng, tiền không chuyển vào tài khoản của họ, giờ lại phải chịu trách nhiệm với ngân hàng là một điều hết sức phi lí. Cả 3 người đều thể hiện quyết tâm sẽ “kêu oan” đến cùng trong vụ án này.
Cũng liên quan vụ án này, ngày 11/12/2024, TAND tỉnh Quảng Ninh có Thông báo số: 39/2024/TB-TA về việc kháng cáo, kháng nghị, nêu: Ngày 10/12/2024, Viện KSND tỉnh Quảng Ninh kháng nghị một phần Bản án hình sự sơ thẩm số: 129/2024/HS-ST ngày 26/11/2024 về việc xác định tư cách tham gia tố tụng của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-Chi nhánh Uông Bí và các khách hàng Vũ Minh Chiến, Phạm Văn Phương và Nguyễn Thị Nguyệt kí hợp đồng vay vốn hạn mức với Ngân hàng và phần trách nhiệm dân sự của bị cáo Nguyễn Việt Hoàng đối với Ngân hàng.
Đề nghị xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Xác định ông Vũ Minh Chiến, ông Phạm Văn Phương và bà Nguyễn Thị Nguyệt tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; xác định Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Uông Bí là bị hại đối với tổng số tiền giải ngân theo các Hợp đồng vay vốn hạn mức của ông Vũ Minh Chiến, bà Nguyễn Thị Nguyệt, ông Phạm Văn Phương, tổng số tiền là 6.680.000.000 đồng; buộc bị cáo Nguyễn Việt Hoàng có trách nhiệm trả lại cho Ngân hàng toàn bộ số tiền này.
Ngày 5/12/2024, bà Nguyễn Thị Nguyệt kháng cáo: Sửa bản ánh sơ thẩm theo hướng xác định Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam là bị hại, bà Nguyệt là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Buộc bị cáo Nguyễn Việt Hoàng có trách nhiệm hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Bà Nguyệt không phải chủ sở hữu của số tiền 3 tỉ đồng mà bị cáo Hoàng đã chiếm đoạt của Ngân hàng. Do đó, bà Nguyệt không có nghĩa vụ phải thực hiện việc trả nợ tiền gốc, lãi, phạt vi phạm phát sinh từ các khoản nợ.
Ngày 5/12/2024, ông Phạm Văn Phương kháng cáo: Sửa bản án sơ thẩm theo hướng xác định Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam là bị hại, ông Phạm Văn Phương là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Buộc bị cáo Nguyễn Việt Hoàng có trách nhiệm hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho Ngân hàng. Ông Phương không phải chủ sở hữu số tiền 680 triệu đồng mà bị cáo Hoàng đã chiếm đoạt của Ngân hàng. Do đó, ông Phương không có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ tiền gốc, lãi, phạt vi phạm phát sinh từ các khoản nợ.
Ngày 5/12/2024, ông Vũ Minh Chiến kháng cáo: Sửa bản án sở thẩm theo hướng xác định Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam là bị hại, ông Vũ Minh Chiến là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Buộc bị cáo Nguyễn Việt Hoàng có trách nhiệm hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho Ngân hàng. Ông Chiến không phải chủ sở hữu của số tiền 3 tỉ đồng mà bị báo Hoàng đã chiếm đoạt của Ngân hàng. Do đó, ông Chiến không có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ tiền gốc, lãi, phạt vi phạm phát sinh từ các khoản nợ. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xử theo hướng Ngân hàng xóa nợ đối với các khoản vay 3 tỉ đồng do bị cáo Hoàng lập khống hồ sơ, chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng; hủy tài khoản vay của ông Vũ Minh Chiến.