Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên: Tạo lập không gian cho phát triển du lịch biển
Tin tức 18/10/2024 18:26
Vịnh Xuân Đài tạo ra nhiều sản phẩm du lịch biển |
Vịnh Xuân Đài – Điểm ngắm bình minh hấp dẫn nhất Việt Nam |
Sông Cầu là vùng đất có nhiều lợi thế phát triển du lịch, được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước chú ý, là địa phương có bờ biển dài hơn 80km với nhiều đầm, vũng, vịnh, bãi cát đẹp, có Quốc lộ 1 và Quốc lộ 1D đi qua, phía Bắc giáp thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Vịnh Xuân Đài được công nhận là Khu du lịch và danh lam thắng cảnh quốc gia, là điểm nhấn quan trọng mở ra sự giao lưu liên kết du lịch giữa Sông Cầu với các vùng miền trong và ngoài tỉnh Phú Yên.
Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2127, ngày 29/12/2017 với 9 phân khu, trong đó định hướng phát triển chính là dựa vào mặt nước Vịnh để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, tạo thương hiện riêng cho Vịnh Xuân Đài. Phát triển du lịch bền vững trên cơ sở đảm bảo hài hòa với bảo vệ di tích danh lam thắng cảnh quốc gia Vịnh Xuân Đài, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng – an ninh và lợi ích cho cộng đồng địa phương.
Nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động số 09, ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy Phú Yên về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030, Thị ủy Sông Cầu ban hành Kế hoạch số 50, ngày 22/12/2021 về đầu tư phát triển du lịch thị xã Sông Cầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng thương hiệu du lịch Vịnh Xuân Đài giai đoạn 2020- 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thị xã Sông Cầu phấn đấu mục tiêu đến năm 2030, phát triển xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản gắn với các tuyến du lịch trên mặt Vịnh Xuân Đài, đảm bảo không xung đột với giao thông đường thủy, bảo vệ sinh thái môi trường, kết hợp với các hoạt động du lịch và trãi nghiệm về nuôi trồng thủy sản, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch biển, hấp dẫn, góp phần thu hút khách du lịch đến với Sông Cầu.
Tại Vịnh Xuân Đài, năm 2023, diện tích vùng nuôi là 3.380ha, với 79.466 lồng; dự kiến phấn đấu giai đoạn 2025-2030 diện tích vùng nuôi giảm dần, còn lại là 747ha, với 54.150 lồng. Tại Đầm Cù Mông, năm 2023 diện tích vùng nuôi 1.021ha, với 17.984 lồng; dự kiến phấn đấu giai đoạn 2025-2030 diện tích vùng nuôi giảm dần, còn lại là 253ha, với 12.050 lồng. Như vậy, từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 diện tích nuôi trồng thủy sản trên Vịnh Xuân Đài và Đầm Cù Mông giảm gần 3.401ha. Chuyển diện tích nuôi trồng trong đầm, vịnh sang nuôi ở vùng biển hở.