Bản án chưa “thấu tình, đạt lí”
Pháp luật - Bạn đọc 27/12/2024 10:32
Năm 2002, gia đình ông Phạm Văn Cam, bà Bùi Thị Bốn có đổi thửa đất của ông Nguyễn Bá Vui (thửa đất của ông Vui liền kề nhà ông Nguyễn Văn Bốn). Năm 2004, ông Cam xây dựng ngôi nhà 5 tầng trên phần đất này. Trong quá trình xây dựng nhà, gia đình ông Cam làm rạn nứt tường ngăn cách giữa hai thửa đất và một thời gian sau thì tường bị đổ. Sau đó, vợ chồng ông Cam có sang gia đình ông Bốn xin được xây dựng phần ban công, mi cửa nhà của tầng 2, 3, 4, 5 có lấn sang phần khoảng không trên đất của gia đình ông Bốn. Do là chỗ thân tình nên gia đình ông Bốn đồng ý, hiện ranh giới phần móng tường giữa hai nhà vẫn còn.
Gia đình ông Phạm Văn Cam đang xây dựng công trình ảnh hưởng tới gia đình ông Nguyễn Văn Bốn. |
Năm 2011, ông Bốn tách thửa đất cho vợ chồng 2 con trai là vợ chồng anh Nguyễn Văn Dũng, chị Trịnh Thị Mai 127m2, vợ chồng anh Nguyễn Văn Ngọc diện tích 108,4m2, các thửa đất này đều được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) theo quy định pháp luật. Phần diện tích đất còn lại là 171,1m2 hiện do ông Bốn quản lí và sử dụng và có tên trên bản đồ năm 2004.
Đầu năm 2022, cho rằng trong quá trình sử dụng, gia đình ông Bốn lấn chiếm một phần đất, nên ông Cam đã có đơn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu ông Bốn trả lại phần đất đó. Sau đó vụ việc được UBND thị trấn Gia Lộc hoà giải nhưng không thành. Gia đình ông Cam có đơn gửi TAND huyện Gia Lộc đòi gia đình ông Bốn trả lại phần diện tích đất 5,5m2 với lí do ngày 1/2/2010, vợ chồng ông Cam được UBND huyện Gia Lộc cấp GCNQSDĐ tại thửa đất số 12, tờ bản đồ số 20, diện tích 82,5m2 tại địa chỉ số 361 đường Nguyễn Chế Nghĩa, thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc và cho rằng gia đình ông Bốn lấn chiếm phần diện tích đó của gia đình ông Cam.
Ngày 25/7/2023, TAND huyện Gia Lộc đã đưa vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa gia đình ông Phạm Văn Cam (nguyên đơn) và gia đình ông Nguyễn Văn Bốn (bị đơn) ra xét xử sơ thẩm. Theo đó, TAND huyện Gia Lộc chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Cam và bà Bốn. Xác định diện tích 5,5m2 đất nằm trong phần đất dôi dư hiện ông Bốn đang sử dụng theo hình vẽ A3, A4, A28, A27 đến A3 thuộc quyền quản lí sử dụng của ông Cam và bà Bốn. Buộc ông Bốn phải tháo dỡ một phần lán, móng sửa xe nằm trên diện tích 5,5m2 để trả lại cho ông Cam, bà Bốn. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Bốn về việc buộc vợ chồng ông Cam và bà Bốn phải tháo dỡ ban công, mi cửa nhà ở các tầng 2, 3, 4, 5 để trả lại phần không gian và lòng đất cho ông Bốn (Bản án sơ thẩm số: 06/2023/DS-ST ngày 25/7/2023).
Không đồng tình với cách giải quyết của TAND huyện Gia Lộc, gia đình ông Bốn đã kháng cáo toàn bộ bản án tới TAND tỉnh Hải Dương. Ngày 1/12/2023, TAND tỉnh Hải Dương đã đưa vụ án trên ra xét xử phúc thẩm. Tại phiên Toà sơ thẩm, TAND tỉnh Hải Dương không chấp nhận kháng cáo của ông Bốn. Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số: 06/2023/DS-ST ngày 25/7/2023 của TAND huyện Gia Lộc; Giữ nguyên phần Quyết định của bản án dân sự sơ thẩm; Ghi nhận sự tự nguyện của gia đình ông Cam hỗ trợ cho ông Bốn 10 triệu đồng tiền tháo dỡ tài sản, công trình trên phần đất ông Bốn trả lại cho ông Cam, bà Bốn.
Ông Nguyễn Văn Bốn cho biết: “Trong quá trình giải quyết vụ án, nhiều lần tôi đề nghị TAND huyện Gia Lộc hủy GCNQSDĐ số: BG 905902 do UBND huyện Gia Lộc cấp cho vợ chồng ông Cam, bà Bốn đối với thửa đất số 12, tờ bản đồ số 20, diện tích 82,5m2 tại địa chỉ số 361 đường Nguyễn Chế Nghĩa, thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc và yêu cầu phản tố buộc vợ chồng ông Cam và bà Bốn phải tháo dỡ ban công, mi cửa nhà ở các tầng 2, 3, 4, 5 để trả lại phần không gian và lòng đất cho gia đình tôi nhưng không được xem xét, giải quyết.
Các cấp Toà sơ thẩm và phúc thẩm đã không căn cứ vào tài liệu, hồ sơ và sự thật khách quan mà vẫn chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chưa đúng quy định pháp luật. Việc Toà án các cấp giải quyết vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến kết luận trong bản án chưa “thấu tình, đạt lí”. Cụ thể:
Thứ nhất, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ về nguồn gốc đất, hiện trạng thửa đất thể hiện diện tích đất của gia đình ông Cam chỉ có 75,6m2 (cạnh mặt tiền 7,03m, mặt hậu 6,9m, chiều dài giáp ranh thửa đất nhà tôi là 10,85m và cạnh còn lại là 10,85m). Còn đối với phần 5,5m2 đang tranh chấp là thuộc quyền sử dụng đất hợp pháp của gia đình tôi đã quản lí, sử dụng, ổn định, liên tục từ những năm 1962, phù hợp hiện trạng ranh giới giữa hai nhà là bức tường bao ngăn cách.
Về nguồn gốc diện tích đất tranh chấp là do năm 1962, cụ Nguyễn Văn Lê (bố tôi) mua mảnh đất của ông Đoàn Văn Biêm sát nhà ông Vui. Từ khi đó đã có lối đi ra đường 17A, tổng diện tích 407,4m2 (trong đó có 5,5m2 đang tranh chấp với nguyên đơn). Đến năm 1982, cụ Lê mất, tôi được hưởng thừa kế toàn bộ phần đất này.
Năm 1990, gia đình tôi dựng cột làm quán bán hàng ốc tại cổng đi. Năm 1997, gia đình tôi tiếp tục xây lại nhà mái bằng và làm móng xây lại tường quán lợp mái tôn cho các con cắt tóc, sửa xe. Việc quản lí, sử dụng đất của gia đình tôi được ông Bùi Quý Chanh, Bùi Quý Sang, Bùi Quang Diễn, Phan Văn Hùng xác nhận. Thời điểm gia đình tôi xây dựng tường ngăn cách với thửa đất của gia đình ông Vui thì ông Vui cũng không có bất kì tranh chấp hay ý kiến gì.
Giấy xác nhận số: 1112/2024/GXN-TA ngày 6/11/2024 của TAND Cấp cao tại Hà Nội. |
Năm 2002, ông Vui có đổi thửa đất số 12, tờ bản đồ số 20, tại địa chỉ số 361 đường Nguyễn Chế Nghĩa, thị trấn Gia Lộc, giáp ranh với thửa đất của gia đình tôi cho vợ chồng ông Cam (diện tích 75,6m2), thể hiện tại các tài liệu chứng cứ. Bản sơ họa mặt bằng ngày 21/12/1998 thể hiện diện tích đất nhà ông Vui chỉ có diện tích 73,85m2 không bao gồm phần đất 5,5m2 hiện đang tranh chấp; Bản đồ năm 2004 và biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất thể hiện mảnh đất nhà ông Cam chỉ có diện tích là 75,6m2.
Qua các tài liệu, chứng cứ thể hiện ông Cam không có quyền sử dụng phần đất 5,5m2 này mà phần diện tích này thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình ông tôi.
Mặt khác, các tài liệu, chứng cứ còn phù hợp với hiện trạng thửa đất hai gia đình đang sử dụng, có móng tường ngăn cách giữa hai thửa đất. Nếu gia đình tôi có lấn chiếm thửa đất của ông Vui bán cho ông Cam thì không có chuyện ông Cam lại không xây hết phần đất của mình mà lại chỉ xây dựng trên phần 75,6m2 và không có bất kì tranh chấp gì từ năm 2002 đến nay. Điều này là không logic, không phù hợp sự thật khách quan. Ngoài ra, diện tích đất tranh chấp này cũng phù hợp với kết quả thẩm định tại chỗ ngày 18/8/2022, thể hiện nằm trong khuôn viên diện tích đất gia đình tôi đang làm quán hàng.
Việc Tòa án các cấp chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn căn cứ vào GCNQSDĐ số BG905902 do UBND huyện Gia Lộc cấp cho vợ chồng ông Cam đối với thửa đất số 12, tờ bản đồ số 20, diện tích 82,5m2 tại địa chỉ số 361 đường Nguyễn Chế Nghĩa, thị trấn Gia Lộc là chưa đúng quy định pháp luật vì GCNQSDĐ không đúng với diện tích thực tế, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật, cụ thể như sau: Căn cứ Bản sơ họa mặt bằng ngày 21/12/1998, thể hiện diện tích đất nhà ông Vui chỉ có diện tích 73,85m2. Diện tích đất này phù hợp hiện trạng xây dựng hiện nay, phù hợp ranh giới hiện trạng các thửa đất, nên không có cơ sở xác định ông Vui đổi cho gia đình ông Cam diện tích 82m2.
Việc UBND thị trấn Gia Lộc xác nhận tại Giấy chuyển đổi đất năm 2002 xác định ông Cam sử dụng 82m2 là không có căn cứ. Đến năm 2004, theo Bản đồ 2004 tờ số 30 lưu trữ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lộc và Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất thể hiện đất nhà ông Cam chỉ có diện tích 75,6m2.
“Thứ hai, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Phạm Văn Cam của UBND huyện Gia Lộc là không đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật nhưng không được Tòa án các cấp xem xét, giải quyết.
Căn cứ Mục 2, phần 1 Chương III, Thông tư số: 1990/2001/TT-TCĐC của Tổng cục Địa chính về Quy định về trình tự thủ tục đăng kí đất đai lần đầu thì Hồ sơ kê khai đăng kí quyền sử dụng đất, hồ sơ đăng kí đất đai có quy định về biên bản xác định ranh giới, mốc giới sử dụng cần có chữ kí của các chủ hộ sử dụng đất liền kề. Tuy nhiên tôi khẳng định trong hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho ông Cam, nếu có biên bản xác định ranh giới, mốc giới mà có chữ kí của gia đình ông tôi là chữ kí giả vì tôi chưa bao giờ kí kết vào Biên bản này. Trong nội dung bản án sơ thẩm ghi: Ngày 22/2/2013, cán bộ địa chính của thị trấn cùng cán bộ Văn phòng Đăng kí quyền sử dụng đất xã xuống thực địa để kiểm tra hiện trạng và lập biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất, đồng thời vẽ sơ họa mốc giới thửa đất, để các chủ sử dụng đất và các chủ hộ sử dụng đất tiếp giáp kí tên vào biên bản xác định ranh giới, mốc giới là hoàn toàn không chính xác. Gia đình tôi đã đề nghị Văn phòng Đăng kí đất đai cung cấp Bản chính của Biên bản các định ranh giới mốc giới để Tòa án trưng cầu giám định chữ kí chữ viết nhưng các cơ quan này hoàn toàn không cung cấp được, thể hiện sự không khách quan trong vụ án.
Thứ ba, trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan huyện Gia Lộc không cung cấp được bất kì hồ sơ gốc nào để chứng minh cho việc cấp GCNQSDĐ cho ông Cam là đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, Tòa án các cấp vẫn căn cứ vào GCNQSDĐ này để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không phù hợp với quy định pháp luật.
Mặt khác, diện tích của đất nhà ông Cam ghi trong GCNQSDĐ tăng hơn nhiều so với hồ sơ địa chính của UBND thị trấn Gia Lộc năm 2004 lưu tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lộc nhưng Tòa án các cấp không làm rõ tại sao lại có biến động diện tích như vậy là thiếu xót, không đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, khi gia đình tôi đề nghị cấp GCNQSDĐ vào năm 2009 thì nhận được câu trả lời của UBND thị trấn Gia Lộc rằng đây là đất đang tranh chấp nên chưa được cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, khi gia đình ông Cam lại được cấp GCNQSDĐ vào năm 2010.
Thứ tư, việc Tòa án các cấp xác định phần đất 171,1m2, tại số 1/359 đường Nguyễn Chế Nghĩa, thị trấn Gia Lộc, của gia đình thuộc lấn chiếm đất công và tạm giao cho gia đình quản lí sử dụng là không đúng quy định pháp luật. Nguồn gốc diện tích đất 171,1m2 được gia đình tôi quản lí, sử dụng từ năm 1962 đến nay. Trong suốt thời gian dài gia đình đã đóng thuế và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước, kê khai thông tin sử dụng đất vào năm 2004, chưa từng bị xử phạt vi phạm hành chính nên đủ điều kiện để công nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Mặt khác, căn cứ Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015 đủ điều kiện để công nhận diện tích đất 171,1m2 (trong đó có 5,5m2 đất tranh chấp) tại số 1/359 đường Nguyễn Chế Nghĩa, là thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình tôi theo quy định pháp luật.
Việc cho rằng năm 2021, tôi xác nhận vào giấy tờ là đất lấn chiếm là hoàn toàn không có căn cứ, không đúng vì tôi không kí vào văn bản có nội dung như vậy. Ngoài ra, Tòa án chỉ dựa trên bản đồ 299 để xác định gia đình chỉ có 320m2 đất là không có cơ sở vì việc sử dụng đất của gia đình ông đã hơn 60 năm, có người làm chứng xác nhận và đã có tên trên bản đồ địa chính năm 2004.
Thứ năm, TAND cấp sơ thẩm và phúc thẩm có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các thủ tục tố tụng khi giải quyết vụ án, cụ thể: Tòa ánkhông giải quyết đầy đủ các yêu cầu phản tố của bị đơn. Thay vào đó, Tòa án các cấp lại không chấp nhận yêu cầu buộc ông Cam phá dỡ mi, ban công lấn chiếm trên không gian đất của gia đình tôi mà không xem xét, giải quyết các yêu cầu công nhận phần đất có diện tích 5,5m2 thuộc quyền quản lí sử dụng của gia đình; không xem xét tuyên hủy GCNQSDĐ của gia đình ông Cam do UBND huyện Gia Lộc cấp là giải quyết thiếu yêu cầu của các đương sự, không đúng quy định pháp luật, không bảo đảm quyền lợi hợp pháp của gia đình tôi, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Bên cạnh đó, Tòa án không triệu tập UBND huyện Gia Lộc tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tòa án xác định gia đình tôi có hành vi lấn chiếm đất công nhưng lại không triệu tập UBND huyện Gia Lộc tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, lấy ý kiến của Ủy ban đối với diện tích đất là không đúng quy định pháp luật.
Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lí giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Tuy nhiên, trong vụ án, bị đơn và nguyên đơn đều không yêu cầu Tòa án giải quyết liên quan đến phần đất 171,1m2, tại số 1/359 đường Nguyễn Chế Nghĩa nhưng Tòa án vẫn giải quyết và tuyên tạm giao cho gia đình chúng tôi là không đúng quy định pháp luật”.
Từ những căn cứ trên, gia đình ông Nguyễn Văn Bốn đã có đơn gửi TAND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 89/2023/DS-PT ngày 1/12/2023 của TAND tỉnh Hải Dương. Ngày 6/11/2024, TAND Cấp cao tại Hà Nội có Giấy Xác nhận số: 1112/2024/GXN-TA về việc nhận đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm của gia đình ông Nguyễn Văn Bốn.
“Hi vọng tới đấy, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ xem xét những ý kiến như tôi đã phân tích trong đơn và ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Bên cạnh, tôi cũng có đơn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương xem xét việc UBND huyện Gia Lộc cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Phạm Văn Cam có đúng quy định pháp luật? Ngoài ra, phải yêu cầu gia đình ông Cam dừng ngay việc xây dựng lấn chiếm và xây dựng sai phép, gây ảnh hưởng tới gia đình tôi”, ông Bốn chia sẻ.