Người Cơ Tu vui hội nhập làng
Văn hóa - Thể thao 14/01/2025 15:34
Nồng ấm hội nhập làng
Nhập làng là một trong những nghi lễ văn hóa quan trọng trong đời sống của dân tộc Cơ Tu. Không chỉ thể hiện văn hóa chào hỏi trong giao tiếp, mà còn mang ý nghĩa cầu bình an và sức khỏe. Đồng thời thể hiện sự hiếu khách đầy tính nhân văn, cao đẹp của đồng bào Cơ Tu, thắt chặt thêm sự đoàn kết giữa các cộng đồng bản làng với nhau và cao hơn là với du khách, bạn bè gần xa.
Đây cũng là dịp chia sẻ kinh nghiệm trong lao động, sản xuất và phát triển kinh tế, giáo dục con cháu gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Cơ Tu, giúp nhau cùng tiến bộ và phát triển bền vững. Nghi lễ Nhập làng được tổ chức theo các nghi thức truyền thống. Ông Pơloong Plênh, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện Tây Giang chia sẻ, khi có khách đến, già làng sẽ đeo cho khách một chiếc vòng bằng tre lên đầu, rồi mời họ đi qua cổng bằng vải thổ cẩm được dân làng giơ lên cao và bước qua thanh tre chứa các loại nước đã cúng cho Thần linh. Lúc này, khách đã được xem là bạn tốt của dân làng, là người con của núi rừng Tây Giang, cùng hòa mình vào văn hóa cộng đồng, cùng hát, múa tân tung da dá với đồng bào.
Trong ngày hội nhập làng, thôn Ta Lang cũng tổ chức lễ mừng nhà Gươl mới, dựng cây nêu. |
Ngày 4/12 vừa qua, tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng Ta Lang (xã Bhalêê, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), cộng đồng người Cơ Tu tưng bừng vui hội nhập làng. Tương truyền, từ thời xa xưa khi hai làng có mâu thuẫn với nhau, muốn làm hòa thì tổ chức lễ Nhập làng. Khi đội lên đầu vòng tre của làng, bước qua chỗ để nước thần thì được hóa giải mọi khúc mắc, xóa bỏ mọi chuyện trước kia.
Đồng bào đều có điểm chung là tính cộng đồng rất cao. Trải qua hàng trăm năm sinh tồn, họ luôn phát huy tinh thần gắn kết, xem đó là sức mạnh để vượt qua những khắc nghiệt của cuộc sống. Đã có những cuộc hỗ trợ, giúp cộng đồng các dân tộc thiểu số dần xóa rào khoảng cách, chung sống với nhau thuận hòa.
Trong ngày hội Nhập làng, thôn Ta Lang cũng tổ chức lễ mừng nhà Gươl mới, dựng cây nêu. Sau khi nghi lễ kết thúc, cả làng cùng quây quần bên nhau đánh trống, đánh chiêng, múa Tân tung da dá mừng có Gươl mới. Qua chương trình lễ hội, địa phương mong muốn cộng đồng bà con thôn Ta Lang phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giáo dục con cháu nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Cơ Tu gắn với phát triển du lịch. Đây là một trong những hoạt động triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025.
Làng văn hóa du lịch cộng đồng Ta Lang nằm ở xã biên giới gần trục đường Hồ Chí Minh, là thôn được huyện Tây Giang và Dự án Trường Sơn xanh chọn để xây dựng phát triển làng du lịch cộng đồng năm 2019. Làng được các công ty lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh đánh giá cao, nhất là du khách quốc tế. Thôn vinh dự được nhận Giấy khen của Hiệp hội du lịch cộng đồng Việt Nam trao tặng Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019. Năm 2022, được sự quan tâm của huyện từ Chương trình mục tiêu quốc gia, làng Ta Lang tiếp tục được huyện đầu tư xây dựng Nhà trưng bày, đón tiếp khách theo kiến trúc nhà sàn truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng.
Tình làng dưới mái nhà Gươl
Từ những ngày hội nhập làng ở miền biên giới, tinh thần cố kết cộng đồng của đồng bào được thể hiện rõ. Trong những năm qua, với sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, xã biên giới Bhalêê là một trong 8 xã giáp biên đã từng bước xây dựng và phát triển, bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc. Trật tự, an ninh xã hội, biên giới luôn được giữ vững, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp luôn được quan tâm, gìn giữ và phát huy. Đến nay, 7 thôn của xã đều được đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, có 7 CLB trình diễn trống, chiêng và múa Tân tung da dá của thôn và CLB trình diễn trống, chiêng, múa của xã.
Theo bà Bríu Thị Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Bha Lêê, Bhalêê còn bảo lưu khá nguyên vẹn các giá trị truyền thống tốt đẹp, đặc biệt là sự hiếu khách, tất cả đã tạo nên bản sắc văn hóa bản địa đặc trưng, độc đáo có thể phát triển thành sản phẩm du lịch cộng đồng, thu hút đầu tư và phát triển du lịch, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Để bảo tồn và phát huy lễ hội văn hóa dân gian phục vụ phát triển du lịch đạt kết quả, địa phương xác định gắn bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống với phát triển du lịch, phát huy các giá trị văn hóa làng, các lễ hội truyền thống tốt đẹp của dân tộc Cơ Tu trên địa bàn xã. Các Chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai đã tạo điều kiện để quê hương phát triển, đổi mới.
Phát huy tinh thần đoàn kết, ngày nay, hàng nghìn hộ đồng bào thiểu số theo chủ trương của Đảng, góp sức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều công trình Gươl, Moong, nhà sàn truyền thống được phục dựng tạo ra giá trị kiến trúc văn hóa độc đáo, thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Cơ Tu. Sinh sống dưới sự chở che của mẹ rừng, cùng với trợ lực của Nhà nước, nhờ đó tạo nên những đổi thay ngay cuộc sống mới hôm nay. Những năm gần đây, nhiều hộ đồng bào Cơ Tu nơi đây đã đổi mới tư duy, mạnh dạn thay đổi mô hình sản xuất. Theo đó, từ các mô hình kinh tế dựa vào nông - lâm nghiệp và các chính sách hỗ trợ từ các cấp, nhiều hộ đã thoát nghèo, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương.