Để Luật phòng, chống tác hại rượu bia đi vào cuộc sống
Nghiên cứu - Trao đổi 14/01/2025 15:17
Theo nhiều người, thói quen không tốt mà bản thân họ mắc phải là thường xuyên sử dụng rượu, bia trong các buổi gặp mặt ăn uống vui chơi cuối tuần, lễ, Tết. Mặc dù họ luôn ý thức được tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe, dễ gây tai nạn khi tham gia giao thông, uống rượu bia quá đà gây mất kiểm soát hành vi nhưng vì cả nể nên cứ uống và lâu dần thành thói quen khó bỏ.
Nay với việc giảm thiểu rượu, bia được quy định thành luật, một số bạn trẻ đã có sự điều chỉnh. Một người (xin giấu tên) cho rằng: “Chúng ta cần chuyển đổi những bữa tiệc rượu, bia tốn kém sang ăn uống, vui chơi bình thường để vừa tiết kiệm, vừa bảo đảm sức khỏe và an toàn cho mỗi cá nhân khi rời khỏi cuộc vui. Nếu khi nào muốn dùng chút rượu, bia hãy chắc chắn rằng mình sẽ không điều khiển phương tiện tham gia giao thông để không gây hại cho bản thân và những người chung quanh”.
Nhiều người rất tán thành Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, bởi tình trạng người dân hiện nay, nhất là thanh, thiếu niên nhân các dịp đám tiệc tổ chức ăn nhậu xuyên suốt từ sáng tới tối, không những vậy còn ca hát với bộ loa công suất lớn gây phiền hà cho hàng xóm; khi mâu thuẫn thì sẵn sàng đâm chém nhau, gây nhiều hệ lụy đau lòng.
Tết Nguyên đán 2025 đang gần kề, mọi người dân, đặc biệt là giới trẻ cần ý thức hơn trong sử dụng rượu, bia để trong những bản tin truyền hình sau Tết sẽ không còn bàng hoàng khi nghe những con số thương vong do tai nạn giao thông sau khi sử dụng rượu, bia hoặc ngộ độc do dùng rựơu, bia. Những ngày đầu năm, cụm từ mọi người cần phải nhớ: “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
Ngày 14/6/2019, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, gồm 7 chương, 36 điều, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Trong đó, Điều 5 quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia là xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua, bán rượu, bia; điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang Nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
Nghiêm cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe; khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức; sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia; kinh doanh, tàn trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia…
Tích cực chấp hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, mỗi cá nhân nên trở thành người tuyên truyền, vận động các gia đình, thành viên thuộc tổ chức, cộng đồng tham gia tuyên truyền và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; chia sẻ kĩ năng từ chối uống rượu, bia; kĩ năng nhận biết và ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia; phát hiện, phản ánh người say rượu, bia; người nghiện rượu, bia để cảnh báo, phòng ngừa, xử lí hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là đạo luật mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn cao, với mục tiêu là định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại về việc lạm dụng rượu, bia, góp phần quan trọng bảo vệ sức khoẻ, nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu không quyết liệt thực hiện, sẽ rất dễ dẫn tới tình trạng chỉ thực hiện tốt ở giai đoạn đầu. Cũng chính vì vậy, công tác tuyên truyền cần hết sức chú trọng, và thường xuyên để ý thức của người dân có sự chuyển biến rõ rệt và hoàn toàn, tiến tới hoàn thiện văn hóa giao thông trong toàn xã hội.
Các cấp, các ngành, địa phương cần lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào các phong trào, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa và các hoạt động khác tại cộng đồng.