Người cao tuổi cần cảnh giác với “bẫy” chuyển nhượng tài sản vay vốn ngân hàng
Pháp luật - Bạn đọc 08/01/2025 10:39
“Chị chị, em em”, tin người mất tiền(!?)
Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, bà buộc phải làm đơn tố giác gửi đến cơ quan chức năng về dấu hiệu “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” của bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, ở cùng địa phương với bà Trang.
Trong đơn, bà Trang phản ánh: Do mối quan hệ giữa bà Trang và bà Thảo là “chị em, quen biết” thân thiết sau những lần vay tiền để mua đất, bằng hình thức chuyển nhượng tài sản (là bất động sản vừa mua) cho bà Thảo để bà này đứng tên, đi vay tiền ngân hàng hộ và mang tiền về để bà Trang trả tiền cho chủ đất. “Cứ mỗi lần tôi muốn mua đất thì sẽ liên hệ chị Thảo để vay tiền, do tôi đã có khoản vay ở ngân hàng rồi nên chị Thảo mách tôi chuyển tài sản cho chị ấy, để chị ấy đứng tên vay ngân hàng cho dễ, chị ấy lấy phí dịch vụ là 30 triệu đồng cho một hồ sơ vay được ngân hàng giải ngân thành công”, bà Trang chia sẻ.
Nhà và đất của ông Nguyễn Văn Chương. 2.Một minh chứng về việc trót tin tưởng và chuyển nhượng tài sảncho “cò” để vay vốn hộ. |
Cũng theo bà Trang, trong khoảng thời gian chờ bà Thảo vay được tiền từ ngân hàng, bà Trang phải chịu khoản tiền lãi cao ngút trời, tính theo từng ngày. Với khoản vay 600 triệu, bà Thảo thu trước tiền lãi 10 ngày là 70 triệu, bà Trang thực nhận 530 triệu đồng và tin lời bà Thảo là 10 ngày sau sẽ được ngân hàng giải ngân khoản vay. Không suôn sẻ như những lần trước, lần này đã 2 tháng trôi qua mà tiền vẫn chưa được giải ngân về tài khoản như bà Thảo hứa, bà Trang mới sốt ruột hỏi thì bà Thảo nói cần nâng số tiền vay lên 4 tỉ đồng thì mới đủ xoay xở.
“Chị em thân thiết, cuối cùng chị ấy lừa tôi sang tên cho con trai chị ấy 2 thửa đất, cho chị ấy 1 thửa đất và chuyển cọc 1 thửa đất vừa mới mua. Số tiền tôi mất lên đến 20 tỉ đồng, là tiền mồ hôi nước mắt của gia đình tôi dành dụm”, bà Trang khóc, kể.
“Gài” điều khoản “chết người” vào giấy uỷ quyền
Ông Nguyễn Văn Chương, cũng ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được người quen giới thiệu đến nhờ bà Thảo đứng ra vay hộ. Dù đã cẩn thận không chuyển nhượng tài sản cho bà Thảo, chỉ kí giấy uỷ quyền để bà Thảo có thể đứng ra vay hộ tiền ngân hàng. Tuy nhiên chỉ bằng một điều khoản “chết người” trong giấy uỷ quyền, đã khiến ông mất trắng 3 mảnh đất vào tay “cò” cho vay hộ. “Tôi lần lượt vay các khoản tiền 700 triệu đồng, 600 triệu đồng và 700 triệu đồng đều bằng hình thức làm giấy uỷ quyền tài sản của tôi, của chị tôi và của ba mẹ tôi cho bà Thảo để bà ấy đứng ra vay hộ và chúng tôi trả nợ”, ông Chương nói.
Sau này khi muốn chuộc tài sản từ ngân hàng ra để bán và thanh lí hết nợ nần vì không muốn gánh lãi nữa thì ông Chương mới tá hoả khi phát hiện bà Thảo đã vay 1,8 tỉ đồng từ thửa đất của ông, thửa đất của chị gái ông và đã thế chấp vay 2 tỉ đồng. Còn thửa đất do cha mẹ ông đứng tên, hiện tại bà Thảo đã sang tên lại cho người khác. Ông Chương phản ánh: “Ban đầu tôi không hiểu sao bà Thảo có thể tự ý sang tên các sổ đất của tôi và gia đình cho người khác nhưng sau khi đọc kĩ lại các giấy uỷ quyền thì mới tá hoả khi bà ấy đã gài vào cái điều khoản được sang nhượng, cho tặng lại người khác nữa. Tôi hoàn toàn không biết đến điều này”.
Với tổng tài sản gần 7 tỉ đồng nhưng ông Chương chỉ thực nhận được 2 tỉ đồng từ bà Thảo, bây giờ ngay cả căn nhà ông đang ở cũng thuộc sở hữu của người khác.
Ý kiến luật sư:
Đối với trường hợp của bà Trang:
Theo luật sư Phạm Hoàng Lộc, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, trong mọi trường hợp nhờ người khác đứng tên tài sản thì buộc phải có văn bản, hoặc các tài liệu chứng cứ, người làm chứng chứng minh tài sản người đó đang đứng tên là do mình nhờ đứng tên. Các tài liệu này có thể là các văn bản thỏa thuận, các đoạn tin nhắn trên điện thoại hoặc các đoạn ghi âm. Ngoài ra phải chứng minh được dòng tiền ai là người bỏ tiền ra để mua tài sản.Từ những chứng cứ đó mới có cơ sở để chứng minh cho việc nhờ bà Thảo đứng tên giùm tài sản.
Đối với trường hợp của ông Chương:
Luật sư Phạm Hoàng Lộc cho rằng, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra khi kí hợp đồng ủy quyền thì việc đầu tiên là người muốn ủy quyền phải xác định rõ mình muốn ủy quyền để làm gì? Chỉ cần ghi đúng nội dung được ủy quyền. Trong trường hợp nội dung ủy quyền thực hiện cùng lúc nhiều công việc thì người ủy quyền phải đọc kĩ các điều khoản trước khi kí. Điều khoản nào không rõ phải hỏi ngay đơn vị công chứng. Không kí vào những hợp đồng ủy quyền có nội dung không rõ ràng. Hoặc chưa hiểu rõ nội dung ủy quyền và các điều khoản khác.
Trong trường hợp này, ông Chương đã kí giấy hủy quyền với nội dung bà Thảo được quyền chuyển nhượng. Nếu việc chuyển nhượng này là trái với yêu cầu của ông Chương thì ông Chương có quyền khởi kiện ra tòa án với yêu cầu khởi kiện là “hủy hợp đồng ủy quyền, yêu cầu tòa án tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng mà bà Thảo đã kí”.
Luật sư Phạm Hoàng Lộc nhấn mạnh: “Trường hợp này cần phải chứng minh số tiền mà bà Thảo đưa cho ông Chương là tiền vay, và khi chuyển nhượng, bà Thảo hoàn toàn không thông báo gì cho ông Chương và cũng không chuyển cho ông Chương bất kì khoản tiền nào sau khi chuyển nhượng. Ngoài ra còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ai thực sự đang quản lí sử dụng phần đất trên, nếu ông Chương là người đang quản lí sử dụng thì đây cũng là một lợi thế để chứng minh cho việc ông Chương không hề có ý định bán phần đất này, cũng như chưa tiến hành bàn giao tài sản”.
Cũng theo luật sư Phạm Hoàng Lộc, trên thực tế hiện nay, có nhiều dịch vụ đứng ra để vay tiền hộ, hoặc giới thiệu làm thủ tục vay ngân hàng với số tiền giải ngân nhiều hơn, định giá tài sản cao hơn và họ sẽ thu một mức phí nhất định.
Đối với mọi loại giao dịch đầu tiên chúng ta cần phải nắm rõ mình đang cần điều gì. Khi kí vào các giấy tờ đặc biệt là các giấy ủy quyền, giấy vay, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng phải đọc kĩ các điều khoản, tốt nhất mọi giao dịch cần phải liên hệ văn phòng công chứng, trường hợp giá trị tài sản lớn thì có thể tham khảo ý kiến của luật sư.
Từ những sự việc cụ thể trên, người cao tuổi cần cảnh giác “bẫy” của “cò” khi giao tài sản để vay vốn ngân hàng.