Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên: Chính quyền địa phương gây khó cho dân!? (Kì 2)
Pháp luật - Bạn đọc 24/02/2020 14:52
Bài II: Đến mức thái quá!?
Với hàng chục năm khiếu nại, tố cáo, các cấp có thẩm quyền huyện, rồi thị xã Sông Cầu và tỉnh Phú Yên, đã giải quyết đất vườn dừa cho dòng tộc Trần, như bài trước chúng tôi đã nêu. Cụ thể: Ngày 9/7/2001, UBND huyện Sông Cầu ra Thông báo số 33/TB-UB, giao cho dòng tộc ông Huấn một lô đất ở diện tích 100m2 tại thị trấn Sông Cầu, nhưng sau đó đã nuốt lời hứa. Ông Trần Quang Huỳnh, tiếp nối cha liên tục khiếu nại, tố cáo và đến nay ông đã 42 lần gửi đơn tố cáo, khiếu nại tới tất cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội; các cấp có thẩm quyền từ thị xã Sông Cầu đến tỉnh Phú Yên và Trung ương. Ngày 11/7/2014, ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên có Văn bản số 2764/UBND-NC, phản hồi kết quả thẩm tra đơn của ông Trần Quang Huỳnh. Nội dung văn bản lí giải dài dòng, rối rắm, thiếu căn cứ pháp lí, không thuyết phục nhưng kết cục là, đồng ý giải quyết cho dòng tộc Trần và các hộ có đất một lô diện tích 100m2, như đề xuất của UBND thị xã Sông Cầu, tại Thông báo số 33, vì lí do đã lấy của các hộ này quá nhiều đất.
Tuy nhiên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên lại “không vượt qua” được vướng mắc, là UBND thị xã Sông Cầu chưa nhận được sự chấp nhận của Thường vụ Thị ủy Sông Cầu, nên chưa thể cấp cho họ, nghĩa là lại “quỵt”, làm cho ông Trần Quang Huỳnh bức xúc, đã thay đổi quan điểm, công khai đòi lại toàn bộ vườn dừa của dòng họ mình, với diện tích 2.675,4m2. Với căn nhà từ đường được xây dựng từ năm 1963, ông Trần Quang Huỳnh nhiều lần làm đơn trình bày, nộp hồ sơ, xin xây lại vì đã đã quá dột nát. Thị xã Sông Cầu nhiều lần gây khó dễ, làm cho ông bức xúc, phải có những lời lẽ nặng nề. Đến ngày 13/2/2020, giọt nước “gây khó” đã tràn li. Tại Phòng Tiếp nhận hồ sơ một cửa thị xã Sông Cầu, cán bộ tiếp dân công khai thông báo cho ông Trần Quang Huỳnh: “Không tiếp nhận hồ sơ của ông”. Ông Huỳnh ngạc nhiên hỏi, vì sao? Thì được giải thích: “Ông (Huỳnh) chỉ là người quản lí đất”. Căn cứ vào hồ sơ, chúng tôi thấy việc giải thích của chính quyền thị xã Sông Cầu đối với ông Trần Quang Huỳnh là thiếu căn cứ pháp lí, mang tính trả đũa, bởi lẽ: Điều 91 Luật Xây dựng năm 2014 quy định điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị:
- Phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt…
- Phù hợpvới mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
- Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và… bảo đảm an toàn… hành lang… giao thông…
Nhà từ đường của dòng tộc Trần, do ông Trần Quang Huỳnh làm đại diện nằm tại khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, trong tình trạng hư hỏng dột nát, nhà thấp hơn đường, do Quốc lộ 1A đã được nâng cấp từ năm 2014, là phù hợp với Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 điều này; đất đã được cấp GCNQSDĐ ghi rõ: Người sử dụng đất… là ông Trần Quang Huỳnh, không có chỗ nào nói ông Huỳnh “chỉ là người quản lí”. Như vậy hoàn toàn đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng.
Điều 95 quy định về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới gồm:
- a) Đơn đề nghị cấp
- b) Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh QSDĐ theo quy định của pháp luật về đất đai.
- c) Bản vẽ thiết kế xây dựng.
- d) Đối vớicông trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối vớicông trình liền kề.
Hồ sơ của ông Trần Quang Huỳnh hoàn toàn đáp ứng yêu cầu. Cụ thể: Ông đã có đơn xin phép xây dựng mới; có bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) công chứng. Bản cam kết bảo đảm an toàn cho các công trình liền kề thì không phải làm, vì liên quan đến nhà thờ, các công trình khác cũng đều của dòng tộc ông. Tuy nhiên, ông vẫn làm cam kết đầy đủ ở một cửa.
Trước khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã 4 lần điện thoại xin đăng kí làm việc với ông Đào Mỹ, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu. Một lần ông cáo lỗi vì đang chủ trì cuộc họp, còn 3 lần tiếp theo ông không bắt máy. Ngày 12/2/2020, chúng tôi đã có văn bản xin đăng kí làm việc vào tuần tiếp theo, từ 17 đến 21/2, nhưng không được hồi âm. Bởi vậy, với những gì chúng tôi được biết, thì rõ ràng chính quyền thị xã Sông Cầu đã và đang có cách hành xử quá đáng với hộ ông Trần Quang Huỳnh. Chúng tôi có cảm giác, chính quyền thị xã Sông Cầu đang từ bỏ trách nhiệm của mình.
Căn nhà từ đường rách nát đến mức “màn trời chiếu đất” như thế này, nhưng vẫn chưa được chính quyền cấp phép cho xây lại |
Như mọi người đều biết: Chính quyền các cấp của Nhà nước CHXHCN Việt Nam là “của dân, do dân và vì dân”, được Nhân dân bầu ra để quản lí, điều hành xã hội và giải quyết mọi nhu cầu chính đáng, đúng pháp luật của người dân. Đây là trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả, vinh dự, không phải ai cũng có được. Nếu từ bỏ, mặc dù chỉ một trường hợp đối với ông Trần Quang Huỳnh, thì người có trách nhiệm, nhưng không thực hiện trách nhiệm ấy, phải cần được xem xét xử lí một cách nghiêm túc. Phải trả lời cho được câu hỏi: Vì sao không giải quyết đất vườn dừa và không cấp giấy phép xây dựng nhà từ đường cho trường hợp dòng tộc Trần, do ông Trần Quang Huỳnh làm đại diện?
Lâu nay, thị xã Sông Cầu vẫn lập luận: Đất từ đường của dòng tộc Trần chưa chia cho các đồng thừa kế, nên không được cấp giấy phép. Lí lẽ đó là không đúng, nếu không muốn nói là trái pháp luật, bởi lẽ: Dòng họ có 4 chi, hàng chục thành viên từ con, cháu, chắt. Để được UBND thị xã Sông Cầu cấp GCNQSDĐ, SHNO và các tài sản trên đất số BA 975534 ngày 14/4/2010, mang tên ông Trần Quang Huỳnh, trước đó 4 chi của dòng tộc đã thống nhất kí Giấy ủy quyền, giao cho ông Trần Quang Huỳnh, là Tộc trưởng, toàn quyền quản lí, sử dụng và thực hiện các nghĩa vụ, cũng như quyền lợi đối với cả diện tích đất và tài sản trên đất, thuộc khu nhà từ đường. Giấy chứng nhận số BA 975534 ghi rõ: Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất là ông Trần Quang Huỳnh. Mặt khác, đất từ đường là tài sản chung, chia hay không là việc riêng của dòng tộc, chỉ liên quan đến chính quyền khi các thành viên trong dòng tộc đề nghị cấp GCNQSDĐ. Việc UBND thị xã Sông Cầu cho rằng “đất từ đường, chưa chia nên không cấp giấy phép xây dựng”, là kiểu tư duy phi lí, trái pháp luật.
Năm 2010, khi vừa được cấp GCNQSDĐ, ông Huỳnh có cho vợ chồng bà Trần Thị Kim Huyền (em gái ông) được làm lại căn nhà cũ, đã rách nát trên đất từ đường, mà trước đây dòng tộc cho bà Huyền ở. Theo ông Trần Quang Huỳnh, với giấy xác nhận đó, cô Kim Huyền không thể xin được giấy phép xây dựng, mà chỉ xây dựng không phép. Vậy mà, không biết căn cứ vào đâu, UBND thị xã Sông Cầu vẫn cấp Giấy phép xây dựng nhà 2 tầng? Nay bà Huyền đổ nợ phải bán nhà. Nhưng để bán được nhà, phải có GCNQSDĐ. Do không có, nên phải trưng ra Giấy phép xây dựng. Lúc này “cháy nhà mới ra mặt chuột”. Ông Huỳnh cho rằng: Không biết căn cứ vào đâu mà UBND thị xã Sông Cầu cấp giấy phép xây dựng cho bà Trần Thị Kim Huyền?
Còn nữa