Thanh Hóa: Khi ông chủ nước ngoài "vắng bóng", người lao động biết kêu ai? (Bài 2)
Pháp luật - Bạn đọc 29/02/2020 10:00
Bài 2: Có nguy cơ "được vạ thì má đã sưng" (!)
Công cuộc đòi nợ sẽ còn gian nan…
Hiện các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa đang tìm cách giúp người lao động Công ty TS Vina đòi quyền lợi. Tuy nhiên theo các nhà chức trách thì công cuộc “đòi nợ” này rất gian nan, bởi ông chủ là người nước ngoài nên việc liên lạc, triệu tập rất khó. Nếu Công ty tiếp tục chây ỳ thì chỉ còn con đường khởi kiện. Về vấn đề này ông Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Khẳng định: "Đối với Công ty TS Vina thì các đoàn thanh tra, liên ngành của tỉnh, trung ương kiểm tra, thanh tra, xử phạt rất nhiều lần từ năm 2014 đến năm 2019 rồi. Giờ chỉ còn cách khởi kiện thôi, chúng tôi sẵn sàng nhận ủy quyền để đồng hành cùng người lao động. Tôi cho rằng khởi kiện thì đương nhiên Công ty TS Vina thua, nhưng thi hành án bằng gì? Bản thân ông chủ doanh nghiệp (DN) không có tài sản ở đây, chỉ thuê mặt bằng nhà xưởng với số lượng máy móc đã qua sử dụng mà giá trị không đáng bao nhiêu. Các cơ quan cũng đang bí chỗ này".
Người lao động trao đổi sự việc với phóng viên |
Nhận định về việc này ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cũng bày tỏ sự quan ngại: Câu chuyện này sẽ rất phức tạp, vì nợ BHXH quá lớn. Những chiếc máy may của ông chủ Hàn Quốc lắp để sản xuất kể cả hàng nghìn chiếc thì giá trị cũng không đáng bao nhiêu, khi ông ấy về nước và để lại nợ bảo hiểm lớn như vậy thì thất thiệt sẽ là người lao động. Nhất là trường hợp những người chuẩn bị về hưu, ví dụ thiếu thời gian chốt để nghỉ hưu, thì phải tự đóng vào, đây là bài toán rất khó, quanh đi quẩn lại thiệt thòi vẫn là người lao động.
Theo ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, tỉnh đang xử lý vụ việc trên. Cụ thể, UBND tỉnh giao cho các sở, ngành có liên quan báo cáo, tham mưu để tỉnh có hướng giải quyết. Cũng theo ông Kỳ, nếu Công ty đầu tư một cách chính thống, “danh chính ngôn thuận” với tỉnh thì căn cứ vào pháp luật đầu tư nước ngoài để áp dụng sẽ dễ hơn. Nhưng Công ty TS Vina lại thông qua hình thức thuê đất lại của DN khác trong nước, nên khó khăn hơn trong quá trình giải quyết.
Như vậy các cơ quan chức năng dường như cũng "đang bí" trong việc tìm phương án giải quyết. Điều này cho thấy con đường “đòi nợ” của lao động Việt còn khá gian nan.
Cái khó bó cái khôn?
Mặc dù biết trước những nguy cơ, những rủi ro nhưng “cái khó bó cái khôn”, thực tế Thanh Hóa là tỉnh đông dân nên nguồn lao động dồi dào nhất là vùng nông thôn. Để giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động thì những mô hình như Công ty may TS Vina là “cứu cánh”. Hiện toàn tỉnh có 33 DN FDI, giải quyết công ăn việc làm cho 143.602 lao động, trong đó 32/33 DN đã chi trả tiền lương, tiền ăn ca, tiền chuyên cần, phụ cấp... cho người lao động đúng kỳ.Tuy nhiên khi xảy ra việc công ty làm ăn thua lỗ dẫn đến nợ nần thì rất khó khăn trong vấn đề giải quyết.
Phân tích về vấn đề này, ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa nhận định: "Về việc này tôi cũng đã cảnh báo lâu rồi. Những công ty này đầu tư không lớn, nhà xưởng, máy móc cũng không có gì lớn; khi có đơn hàng thì họ làm, không có việc thì họ xách vali đi, lúc đó công nhân phải làm sao. Biết vậy nhưng hiện tại ở Thanh Hóa các nhà đầu tư ngành may đã và đang giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động nông thôn, nâng cao đời sống cho nông dân, họ không phải vất vả đi vào Nam tha phương cầu thực. Tính ra một năm người nông dân làm ruộng không bằng vài tháng làm công nhân, ngoài ra còn giúp địa phương ổn định trật tự xã hội. Đó là những cái được rất lớn; biết là lâu dài không bền vững nhưng trước mắt vẫn phải làm thế, “nhà nghèo” thì phải cố gắng, tuy nhiên phải tính trường hợp khi DN nước ngoài rút đi thì ta phải làm thế nào?"
Nhiều gia đình lao đao vì món "nợ khủng" của Công ty TS Vina |
Nhìn nhận từ góc độ pháp lý, Luật sư Hoàng Văn Tùng, Trưởng Văn phòng luật Sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Hiện nay tại Việt Nam các quy định về đầu tư và DN cơ bản là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân. Tuy nhiên, cũng vì thế mà có nhiều kẽ hở để các DN lợi dụng nhằm trốn tránh các nghĩa vụ bắt buộc như thuế, bảo hiểm xã hội, tiền lương,…Quy định về “Chủ doanh nghiệp bỏ trốn” trong pháp luật hiện hành nói nói chung và Luật Doanh nghiệp nói riêng gần như đang bị “bỏ ngỏ”; chưa có các chế định cụ thể đối với hiện tượng này. Chỉ có Thông tư liên tịch số 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 27/2/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế thì có nêu đến việc chủ DN bỏ trốn. Cụ thể, nội dung thông tư này nêu: DN có chủ DN bỏ trốn là DN không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của người lao động và được UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được UBND cấp tỉnh ủy quyền xác định.Tuy vậy, lại chưa có văn bản pháp luật nào quy định về DN có chủ bỏ trốn, quy định từ khái niệm DN có chủ bỏ trốn, quy trình tổ chức thanh lý tài sản, đến việc giải quyết chế độ chính sách cho người lao động; trả các khoản nợ có liên quan đến BHXH, BHYT, nợ các tổ chức tín dụng… Điều này tạo ra “kẽ hở” để một số chủ DN lợi dụng, trốn tránh trách nhiệm tài chính với người lao động và nhà nước.
Thực tế các quy định của pháp luật cơ bản là để áp dụng khi sự việc xảy ra quá rõ ràng nhưng lúc này lại khó để xử lý. Dù trước đó đã có dấu hiệu nhưng các quy định của pháp luật hiện tại thì lại không đủ sức ngăn chặn việc bỏ trốn này. Theo Luật sư Tùng cần nhanh chóng bổ sung các quy định pháp lý, các chế tài để ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Có thể do những kẻ hở nói trên đã “làm khó” các cơ quan chức năng. Vì vậy, không chỉ hàng trăm công nhân, mà một số đối tác làm ăn với Công ty này đang bị "treo nợ" nhiều tỷ đồng, giờ đang "sống dở, chết dở" và rất lo lắng trước nguy cơ "được vạ, má sưng". Người lao động đang kì vọng vào sự giải quyết khẩn trương, quyết liệt của tỉnh Thanh Hóa; vừa bảo vệ quyền lợi người lao động, vừa không để những sự việc tương tự xảy ra trong tương lai, làm trong sạch môi trường đầu tư, góp phần phát triển kinh tế lành mạnh, xã hội ổn định.