Nỗi niềm của người dân “Vùng kinh tế nuôi cá mới”
Pháp luật - Bạn đọc 17/12/2024 09:14
Theo phản ánh của người dân, vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỉ trước, huyện Gia Lương (nay là huyện Gia Bình và một phần huyện Lương Tài) là vùng đất chiêm trũng, thuần nông, cả năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa chiêm. Người dân xã Bình Dương khi đó có đời sống vô cùng khó khăn, vất vả. Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện về tập trung phát triển kinh tế, Đảng ủy xã Bình Dương đã ban hành Nghị quyết Đảng bộ ngày 12/9/1994; HĐND xã ban hành Nghị quyết ngày 22/8/1994, với nội dung “chuyển dịch cơ cấu sản xuất, chuyển một phần đất trũng cấy lúa sang thả cá, làm vườn cây nhằm phát triển kinh tế hộ và kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Bình Dương”.
Người dân xã Bình Dương trình bày những nội dung kêu cứu, đề nghị PV nêu lên Công luận những vấn đề dân sinh bức xúc. |
Ngày 2/10/1994, bằng việc ban hành Nội quy “Vùng kinh tế nuôi cá mới xã Bình Dương”, xã Bình Dương mở rộng diện tích nuôi thủy sản với 8 vùng. UBND xã tạo điều kiện cho 166 người dân, thuộc 6 thôn trong xã di chuyển tới khu vực này, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất trũng, cấy lúa 1 vụ năng suất bấp bênh và các ao, hồ nhỏ lẻ thành các ao, hồ lớn để nuôi cá, tôm và các loại thủy sản khác có hiệu quả kinh tế cao,... Tạo dựng các mô hình trang trại VAC, hình thành vùng nuôi trồng tập trung có giá trị kinh tế cao.
Thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của chính quyền, 166 hộ dân các thôn Phương Độ, Đìa, Gia Phú,... theo tiếng gọi của Đảng, của chính quyền thực hiện cuộc “giãn dân nội vùng”, người đã có nhà thì bán nhà, người có đất thì bán đất, rời ra Vùng kinh tế mới lập nghiệp; sử dụng tiền đã bán nhà cửa, đất đai của mình để đầu tư chuồng trại, chăn nuôi, thực hiện vùng kinh tế nuôi cá. Nghe thấy chủ trương tốt, nhiều người dân Bình Dương đi làm ăn xa cũng đã quay lại, cùng Nhân dân trong xã đầu tư cơ sở vật chất và con giống phát triển chăn nuôi trên Vùng kinh tế mới và sinh sống trên đất ổn định đến nay.
Luật sư Bùi Thị Kim Liên trao đổi với người dân |
Khi ra Vùng kinh tế mới, mỗi hộ đều tự khai phá đất đai (trung bình mỗi hộ khai phá khoảng 4 đến 10 sào đất), cải tạo vùng trũng thành vùng kinh tế phát triển, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai địa phương. Sản lượng hằng năm họ đều đóng thuế, nộp về UBND xã Bình Dương. UBND xã Bình Dương cũng tạo điều kiện cho họ được cấp điện đầy đủ theo hộ gia đình.
Các hộ dân tập trung làm ăn, phát triển kinh tế tại Vùng kinh tế mới ổn định từ năm 1994 đến năm 2003 thì được Nhà nước ghi nhận, hợp thức quyền sử dụng đất trong GCNQSDĐ.
“Như vậy, đất đai (đất nuôi trồng thủy sản) của 166 hộ dân chúng tôi, hầu hết là người cao tuổi trong Khu kinh tế mới đều cần được xác định là đất đã có GCNQSDĐ. Khi thu hồi đất có GCNQSDĐ, Nhà nước sẽ thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư phù hợp theo luật định”, người dân chia sẻ.
Người dân khẩn thiết đề nghị UBND huyện Gia Bình cân nhắc xem xét một “cơ chế đặc thù” để giúp đỡ tập thể người dân được an cư, ổn định cuộc sống, bởi họ là những người đang đứng trước ngưỡng cửa mất tất cả, mất nhà, mất sinh kế, mất sự ổn định cuộc sống... Không có đất để ở, không được tái định cư, không được đền bù, không có định hướng hỗ trợ nghề nghiệp,... thì tương lai các gia đình sẽ mịt mờ, họ không biết sẽ sinh sống thế nào?
Liên quan đến sự việc, luật sư Bùi Thị Kim Liên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Nên chăng UBND huyện Gia Bình lắng nghe ý kiến người dân; xem xét thấu đáo các nội dung liên quan đến việc thu hồi đất/cưỡng chế thu hồi đất, có văn bản trả lời cụ thể, để người dân hiểu và nắm rõ vấn đề, thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo cơ sở tuân thủ pháp luật hiện hành. Đồng thời quan tâm tới vấn đề an sinh - an dân, bởi chỉ khi người dân hiểu ra bản chất vấn đề, thâm tâm họ mới an yên, không còn lí do thôi thúc họ phải bức xúc và khiếu kiện kéo dài”.
Luật sư Bùi Thị Kim Liên |
Người dân xã Bình Dương đang rất mong muốn được các cấp chính quyền xem xét, xét duyệt “cơ chế đặc thù” cho họ. Bởi nguồn gốc đất của các hộ gia đình ở tại “Vùng kinh tế nuôi cá mới xã Bình Dương” là đất được giao theo sự chuyển dịch từ năm 1994 hay theo Quyết định số: 121/QĐ-UB; Quyết định số: 336/QĐ-UB, dù là đất Nhà nước cho thuê, nhưng họ vẫn bảo đảm một số điều kiện nhất định, đủ điều kiện để có thể đề nghị được UBND huyện Gia Bình xem xét, vì thuộc trường hợp được cấp GCNQSDĐ.
Người dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Các hộ dân đa phần ở đây từ năm 1994, một số ít ở từ năm 2001, 2002. Họ được cấp/kí các hợp đồng điện nước; nộp thuế phí cho Nhà nước tại địa chỉ này. Các con họ đi học tại các trường Tiểu học, THCS, THPT trong khu vực này, lớn lên trên mảnh đất này, khi trưởng thành đi làm xã vẫn xác minh lí lịch cho các con họ ở địa chỉ này.
Các hộ gia đình đã trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn: Từ những năm 1994, họ đã khai hoang, rồi trồng lúa, trồng khoai, trồng cây hoa màu và nuôi trồng thủy sản trên mảnh đất này. Họ cải tạo những vùng trũng, vùng đất bạc màu từ chỗ tưởng chừng đất không có giá trị, hoang hóa, trở thành ao hồ, vườn cây ăn trái có giá trị. Đó là rất nhiều cố gắng của họ nhằm biến vùng đất có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trở thành nguồn sinh kế, trở thành vùng đất nuôi lớn các thế hệ trong gia đình.
Luật sư Liên cho biết thêm: “Người dân cũng đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp trong nhiều năm. Các điều kiện nêu trên, cần được xét là đã đủ căn cứ để các gia đình có thể được xem xét cấp GCNQSDĐ”.
Liên quan đến nội dung kiến nghị của người dân, ông Phan Đình Anh, Chủ tịch UBND xã Bình Dương thông tin: Vụ việc đã được các hộ dân liên quan khởi kiện ra Tòa Hành chính, TAND huyện Gia Bình. Hiện TAND huyện đã thụ lí, đề nghị báo chí nắm bắt thông tin, hồ sơ, giấy tờ từ phía Tòa án.