Huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Đã khiển trách Kiểm sát viên vi phạm, nhưng vẫn còn nhiều khuất tất cần được làm rõ
Pháp luật - Bạn đọc 23/06/2020 11:37
Trong quá trình làm việc liên quan đến vụ án, ông Bùi Hữu Sỹ, Kiểm sát viên Viện KSND huyện Côn Đảo đã có hành vi gặp gỡ nhân chứng để “động viên” hợp thức hóa lời khai làm sai lệch bản chất vụ án. Đó là vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật của Kiểm sát viên.
Ông Trần Thanh Tâm, Viện trưởng Viện KSND huyện Côn Đảo khẳng định, hành vi của ông Sỹ là vi phạm các quy định của ngành và phải chịu trách nhiệm. Với thẩm quyền của mình, Viện KSND huyện Côn Đảo đã xử lí ông Sỹ kỉ luật khiển trách và hiện vụ việc vẫn được đoàn Thanh tra của Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác minh làm rõ.
Trụ sở Viện KSND huyện Côn Đảo. |
Đối với việc ông Tâm trả lời báo chí cho rằng có một công an nghĩa vụ đánh người liên quan trong quá trình điều tra, ông Tâm cho biết, lúc đó là trả lời khi uống nước vui cùng các nhà báo, chứ ông không nhìn thấy việc đánh đập này (!?).
Còn đối với đơn của dân phản ánh, việc ông Tâm tự xưng là “Ông Trời” tại Côn Đảo, khi tự ý xây dựng khách sạn “Thiên Tân” vi phạm vào các quy định của pháp luật. Ông Tâm cho biết: “Đó là khách sạn mà gia đình ông thuê để kinh doanh. Nếu có vi phạm như người dân phản ánh thì là do cơ quan quản lí đất đai sẽ thông tin cho báo chí”.
Theo Luật sư Nguyễn Đức Nam, Công ty Luật TNHH Phú Định, thuộc Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, trường hợp của các bị cáo trong vụ án này được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Côn Đảo, Viện KSND huyện Côn Đảo cho là phạm vào tội nghiêm trọng và áp dụng biện pháp tạm giam đối với các bị cáo. Đây là việc làm không cần thiết, bởi lẽ: Các bị cáo có nghề nghiệp ổn định, có nơi cư trú rõ ràng, không có dấu hiệu bỏ trốn, gia đình đã nhiều lần gửi đơn xin bảo lãnh. Nhưng đến nay có những bị cáo đã bị tạm giam gần 11 tháng và việc tạm giam này là vi phạm nghiêm trọng thời hạn tạm giam theo quy định tại điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Côn Đảo, Viện KSND huyện Côn Đảo không trả lời rõ lí do vì sao không được bảo lãnh. Cho đến nay, các bị can Nguyễn Trọng Bình, Nguyễn Phát Lợi tiếp tục bị tạm giam gần 11 tháng; 2 bị can Hồ Công Trình, Hồ Công Trứ bị tạm giam hơn 8 tháng; bị can Đỗ Trường Như bị tạm giam hơn 6 tháng.
Trong khi đó bị can Lê Thành Nhân không có nơi ở rõ ràng, nhưng vẫn được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ “tạm giam” thành “cấm đi khỏi nơi cư trú”. Tuy nhiên, sau khi được thay đổi biện pháp ngăn chặn thì đã bỏ trốn, Cơ quan CSĐT Công an huyện Côn Đảo phải ban hành quyết định truy nã. Sau đó Lê Thành Nhân ra đầu thú và lại tiếp tục được Cơ quan CSĐT Công an huyện Côn Đảo thay đổi biện pháp ngăn chặn từ “tạm giam” thành “cấm đi khỏi nơi cư trú”. Vậy việc thay đổi biện pháp ngăn chặn này có phải chăng là do bị can Lê Thành Nhân? (con của nhân chứng Nguyễn Thị Xa, nhân chứng Xa đã cùng với ông Sỹ đến gặp người phụ nữ tên Tiên tác động người phụ nữ này vào trại giam gặp bị can Nguyễn Phát Lợi thay đổi lời khai).
Như vậy, việc thay đổi biện pháp ngăn chặn này của Cơ quan CSĐT Công an huyện Côn Đảo không tuân thủ đúng quy định tại Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự. Và vi phạm vào điểm c, Khoản 2, Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự và không tuân thủ nguyên tắc công bằng, khách quan trong hoạt động điều tra.
Đề nghị các cơ quan Thanh tra, Kiểm tra Trung ương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm rõ, xử lí nghiêm những dấu hiệu sai phạm nêu trên.