Huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng: Đất khai hoang, bồi thường, hỗ trợ lại áp dụng hạn mức giao đất!?
Pháp luật - Bạn đọc 12/11/2020 09:02
Việc bồi thường, hỗ trợ chưa đúng quy định
Bà Nguyễn Thị Văn, ở thôn Phong Niên, xã Văn Phong, huyện Cát Hải cho biết: Ngày 18/12/2018, UBND huyện Cát Hải ban hành Quyết định số 1854/QĐ-UBND về việc thu hồi 7.532,8m2 đất của hộ gia đình bà đang quản lý, sử dụng tại xã Văn Phong, huyện Cát Hải để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư đảo Cát Hải. Cùng ngày (ngày 18/12/2018), UBND huyện Cát Hải ban hành Quyết định số 1857/QĐ-UBND về việc duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. Ngày 12/3/2019, UBND huyện Cát Hải ban hành Quyết định số 205/QĐ-UBND về việc duyệt bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ. Theo đó, sau khi phê duyệt và duyệt bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ, gia đình bà Văn được bồi thường, hỗ trợ số tiền là 1.300.675.880 đồng. Trong đó, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho 3 nhân khẩu, với số tiền là 598.140.000 đồng; còn lại là tiền bồi thường về đất, bồi thường, hỗ trợ vật kiến trúc, cây cối, hoa màu, thủy sản.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong phương án bồi thường, hỗ trợ của UBND huyện Cát Hải cho gia đình bà Văn, Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng của UBND huyện Cát Hải lại tính theo hạn mức giao đất. Cụ thể, việc bồi thường về phần diện tích đất nuôi trồng thủy sản được xác định theo hạn mức 940m2/1nhân khẩu. Ban đầu, gia đình bà Văn được tính 3 nhân khẩu, như vậy: Diện tích đất được bồi thường theo hạn mức sẽ là: 940m2x3x48 nghìn đồng/1m2. Phần diện tích đất còn lại chỉ được hưởng 20% giá trị đất, tức là chỉ được tính 20%x48 nghìn đồng/m2.
Bà Nguyễn Thị Văn đang chỉ phần đất bị UBND huyện Cát Hải thu hồi, nhưng bồi thường, hỗ trợ chưa đúng quy định của pháp luật, khiến gia đình bà bức xúc |
Ngoài ra, mặc dù 720m2 đất làm muối trước đây của gia đình bà đã được chuyển nhượng cho cháu gái, khi thu hồi, phần diện tích đất này không nằm trong phần diện tích đất 7.532,8m2 và cháu gái bà đã nhận tiền, thế nhưng, UBND huyện Cát Hải lại trừ tiền bồi thường, vì cho rằng, phần diện tích đất làm muối 720m2 nằm trong tổng diện tích 7.532,8m2 đất bị thu hồi, đã nhận tiền. Sau đó, gia đình bà khiếu nại, thì bị trừ tiền bồi thường của 360m2 đất làm muối.
Gia đình bà Văn không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ của UBND huyện Cát Hải, nên đã khiếu nại, đề nghị UBND huyện Cát Hải bồi thường toàn bộ diện tích đất nuôi trồng thủy sản bị thu hồi và hỗ trợ hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho 06 nhân khẩu trong độ tuổi lao động của gia đình.
Ngày 6/8/2019, UBND huyện Cát Hải có Quyết định số 1202/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của hộ gia đình bà Văn. Theo đó, UBND huyện Cát Hải giữ nguyên Quyết định số 1857/QĐ-UBND ngày 18/12/2018, hủy bỏ Quyết định số 205/QĐ-UBND ngày 12/3/2019, đã cắt giảm 264.396.000 đồng (hai trăm sáu mươi tư triệu, ba trăm chín mươi sau nghìn đồng) trong mức bồi thường, hỗ trợ đã duyệt cho hộ gia đình bà Văn. Và, theo quyết định giải quyết khiếu nại lần này, số nhân khẩu được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm của gia đình bà chỉ được 2 người.
Bà Văn cho biết thêm, một số trường hợp giống gia đình bà, như trường hợp gia đình ông Lê Văn Tích, ở thôn Phong Niên, xã Văn Phong, con ông Tích là anh Lê Đức Mạnh (sinh năm 1989) ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp và đóng bảo hiểm xã hội tại quận Hồng Bàng, nhưng vẫn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho 03 nhân khẩu, trong khi gia đình bà lại không được.
Bên cạnh đó, trong khi gia đình bà chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, chưa bàn giao đất, thế nhưng, từ đầu năm 2018 đến nay, Công ty CP Trung Thủy, đơn vị thi công dự án đã nhiều lần ngang nhiên đưa máy móc đến san ủi đất, hút cát, làm đất và cát tràn xuống phần diện tích mặt nước đầm của gia đình bà, dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm nặng, không thể nuôi trông thủy sản được. Sự việc đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cũng như tinh thần cho gia đình bà. Gia đình bà đã làm đơn khiếu nại nhiều lần tới lãnh đạo UBND huyện Cát Hải, tuy nhiên, vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Luật sư nói gì?
Liên quan việc khiếu kiện của bà Văn, Luật sư Nguyễn Anh Đức, Công ty Luật TNHH Hải An, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: Trong vụ việc này, cái sai ngay từ đầu thuộc về UBND huyện Cát Hải. Cụ thể, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Văn khai hoang thửa đất từ khi còn là vùng trũng, hoang sơ, gồ ghề tự nhiên, đã cải tạo thành đầm nuôi trồng thủy sản và sử dụng ổn định, liên tục từ trước những năm 1990 đến nay, đất không tranh chấp, đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 101, Luật Đất đai năm 2013, nên đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 75, Luật Đất đai năm 2013, khi UBND huyện Cát Hải thu hồi đất, phải bồi thường theo diện tích đất thực tế bị thu hồi (tức là phải bồi thường 7.532,8m2).
Luật sư Nguyễn Anh Đức, Công ty Luật TNHH Hải An, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội |
Ngoài ra, việc UBND huyện Cát Hải áp dụng định mức 940m2/01 nhân khẩu để bồi thường, hỗ trợ là không đúng quy định của pháp luật. Theo quy định tại Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ quy định về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, thì toàn bộ đất nông nghiệp đang được sử dụng được giao hết cho các hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp và hạn mức giao đất nông nghiệp được áp dụng đối với TP. Hải Phòng không quá 2ha, thập chí, đối với đất khai hoang, lấn biển, thì hạn mức giao đất nông nghiệp có thể cao hơn.
Từ năm 1994, khi Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ có hiệu lực, UBND huyện Cát Hải không giao lại đất nông nghiệp và không xác định hạn mức để giao đất nông nghiệp trên địa bàn, thì nay không thể áp dụng hạn mức bình quân theo từng xã khi bồi thường, hỗ trợ. Việc áp dụng “hạn mức bình quân” theo cách tính, lấy diện tích đất nông nghiệp (không tính đất công ích 5%) của từng xã chia cho số nhân khẩu lao động nông nghiệp năm 1995 chỉ dựa vào đề xuất của UBND huyện Cát Hải và công văn đồng ý của UBND TP. Hải Phòng là không có căn cứ pháp luật, vì không dựa vào bất kỳ văn bản quy định pháp luật nào. Theo cách tính này, hạn mức giao đất nông nghiệp tại xã Văn Phong là 940m2/01 nhân khẩu thấp hơn nhiều so với các xã khác trong huyện, ví dụ: xã Nghĩa Lộ là: 1.706m2/01 nhân khẩu. Vì vậy, việc bồi thường của UBND huyện Cát Hải không công bằng cho các cá nhân khác nhau cùng sử dụng đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người cao tuổi, Ngày mới Online đề nghị UBND TP Hải Phòng chỉ đạo UBND huyện Cát Hải bồi thường, hỗ trợ cho gia đình bà Nguyễn Thị Văn theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày mới Online sẽ theo dõi diễn biến vụ việc và tiếp tục thông tin tới bạn đọc!
Viết tiếp bài hàng chục doanh nghiệp du lịch tại Cát Bà kêu cứu: Hải Phòng quyết tâm tháo dỡ, doanh nghiệp trắng tay? Hàng chục năm lặn lộn với biết bao mồ hôi, công sức, tiền của nay bị TP Hải Phòng quyết tâm cho tháo dỡ các ... |
Hải Phòng: Hàng chục doanh nghiệp du lịch tại Cát Bà kêu cứu Nhiều doanh nghiệp tại huyện đảo Cát Hải đang đối mặt với nguy cơ sạt nghiệp, lâm cảnh nợ nần, người lao động thất nghiệp ... |