Hải Phòng: Hàng chục doanh nghiệp du lịch tại Cát Bà kêu cứu
Pháp luật - Bạn đọc 07/10/2020 08:00
Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết: "Tôi đã đi khảo sát thực tế các điểm du lịch tại Cát Bà sau khi nhận được đơn thư kêu cứu của cử tri, việc phản ánh kiến nghị của các doanh nghiệp là rất đáng lo ngại. Nhiều ý kiến cho rằng, là đằng sau vụ việc có những điều rất khất tất, rất cần câu trả lời khách quan, đúng mực từ phía cơ quan công quyền. Nếu không làm rõ hoặc khuất tất có thể gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế xã hội và suy giảm lòng tin vào cấp ủy, chính quyền địa phương.
Năm 2016, Chính phủ đã có hẳn Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Vậy tại sao chính quyền Hải Phòng lại không phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái, không tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện thủ tục được thuê môi trường rừng. Ngược lại còn hạ quyết tâm cho chấm dứt hoạt động một mô hình hay và sáng tạo mà được khách du lịch trong nước và thế giới yêu thích, chọn làm điểm đến lý tưởng để nghỉ dưỡng, chỉ với mục đích là hoàn trả mặt bằng và trồng cây liệu có thuyết phục?"
Tiên phong làm thí điểm
Trong đơn kêu cứu gửi Tạp chí Người cao tuổi – Ngaymoionline, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư du lịch tại đảo Cát Bà bức xúc vì bị chính quyền TP Hải Phòng ra Thông báo số 309/TB-UBND, ngày 7/9/2020 là sẽ tháo dỡ các công trình xây dựng sinh thái lưu trú theo hoạt động liên doanh, liên kết tại Vườn Quốc gia Cát Bà.
Trình bày với phóng viên, các doanh nghiệp cho biết, trước thời điểm năm 2009 thực hiện lời kêu gọi và vận động của Vườn Quốc gia Cát Bà đầu tư du lịch sinh thái để bảo vệ biển đảo, giữ gìn thắng cảnh từ lúc còn sơ khai hoang hóa, chưa thu hút được khách du lịch, mày mò, thí điểm ….
Một công trình lưu trú du lịch được làm bằng chất liệu thân thiện môi trường tại vùng đệm vịnh Lan Hạ, đảo Cát Bà được du khách trong nước và quốc tế ưa thích từ hơn 10 năm nay. Nhưng từ năm 2018, TP Hải Phòng cho rằng là xây dựng sai luật, không phép vì thế phải tháo dỡ. |
Trước khi thực hiện thí điểm, từ năm 2007 đến đầu năm 2009, doanh nghiệp đã xin ý kiến và nhận được một số văn bản nhất trí, ủng hộ của UBND huyện Cát Hải, Vườn Quốc gia Cát Bà, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan phòng cháy, xuất nhập cảnh…Đồng thời có đơn xin phép và thông báo về việc triển khai trong từng giai đoạn gửi UBND huyện Cát Hải và các ban, ngành liên quan, có đơn gửi UBND thành phố về việc chấp thuận cho các công ty lập dự án đầu tư.
Bằng các cam kết liên doanh đầu tư phát triển du lịch sinh thái giữa doanh nghiệp và Vườn Quốc gia Cát Bà, từ năm 2009 đến nay tại các điểm: Vườn Vải trung tâm Vườn Quốc gia Cát Bà, Cát Dứa 1, Cát Dứa 2, Bãi Nam Cát, Hòn Ba Cát Bằng, Bãi Tháp Nghiêng, Bãi Tai Kéo, Bãi Vạn Bội xuất hiện nhiều công trình xây dựng bằng vật liệu thân thiện môi trường, trị giá hơn 600 tỷ đồng.
Các mô hình hình dịch vụ du lịch sinh thái này chính là những điểm nhấn thiên nhiên hoang sơ nổi bật, tạo sức hút và quảng bá hình ảnh du lịch Cát Bà không chỉ trong nước mà lan rộng ra quốc tế. Mô hình vừa kết hợp tuyên truyền giáo dục môi trường thân thiện rộng rãi đến du khách và cộng động địa phương về những giá trị to lớn của thiên nhiên đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Từ khi doanh nghiệp đầu tư vào các bãi tắm, cảnh quan các điểm du lịch này đẹp đẽ, sạch sẽ, bảo tồn được thiên nhiên, tạo ra một sản phẩm du lịch mới, góp phần phát triển đa dạng các hoạt động du lịch sinh thái, quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, giảm thiểu các hoạt động săn bắn, bẫy bắt động vật, bảo vệ tính đa dạng hệ thống thực vật, tài nguyên thiên nhiên trên đảo. Hàng năm thu hút trên 1,5 triệu lượt khách du lịch, tăng nguồn thu cho Vườn và tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Mô hình này đã được lãnh đạo Thành phố Hải Phòng qua các thời kỳ , các sở ngành trực tiếp đến tham quan chỉ đạo, khuyến khích, đánh giá tích cực về kiến trúc thiết kế thân thiện với môi trường. Nhiều Vườn Quốc gia trên cả nước tham quan học tập kinh nghiệm và xây dựng mô hình. Nhiều trang mạng trong nước và quốc tế ca ngợi. UBND huyện Cát Hải liên tục trao tặng bằng khen về phát triển du lịch đảo, đóng góp nguồn thuế, an sinh xã hội…
Đặc biệt, mô hoạt động du lịch sinh thái của các doanh nghiệp luôn phù hợp với chính sách, pháp luật, các quy định, chủ trương, quy hoạch của UBND thành phố Hải Phòng, cụ thể là các quyết định :
- Quyết định số 2119/QĐ-UB ngày 4/12/2012 của UBND thành phố phê duyệt đề án phát triển Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Cát Bà.
- Quyết định số 2501/QĐ-UB ngày 14/11/2014 của UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia Cát Bà đến năm 2020.
- Quyết định số 2360/QĐ –UB ngày 11/9/2017 của UBND thành phố Hải Phòng về việc phê duyệt đề án cho thuê Môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Cát Bà ; thời hạn cho thuê 50 năm mỗi chu kỳ 10 năm.
- Quyết định số 33/QĐ-UB ngày 19/12/2017 của UBND thành phố Hải Phòng quy định giá thuê môi trường rừng Vườn Quốc gia Cát Bà.
Nhận lại quả đắng
Tuy nhiên, từ những doanh nghiệp có công lao to lớn đóng góp vào sự phát triển du lịch nổi bật của Cát Bà, bổng chốc bị biến thành tội đồ, bị quy trách nhiệm là vi phạm Luật Đầu tư, vi phạm xây dựng… và bị yêu cầu phải tháo dỡ. Bao công sức, trí tuệ, mồ hôi, nước mắt và tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng có nguy cơ xóa sổ để TP Hải Phòng lấy mặt bằng … trồng cây.
Đầu tháng 10/2020, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng có chuyến thị sát thực tế tại đảo Cát Bà sau khi nhận được đơn kêu cứu của cử tri. |
Khởi nguồn được bắt đầu từ ngày 13/2/2018, khi UBND Thành phố Hải Phòng ban hành văn bản để hủy bỏ QĐ số 2360/QĐ – UBND ngày 11/9/2017 cũng do chính UBND thành phố phê duyệt đề án cho thuê môi trường rừng. Tiếp đến là cho thanh tra, kiểm tra, thanh lý các hợp đồng đã liên doanh, liên kết giữa Vườn Quốc gia Cát Bà với doanh nghiệp…
Việc thay đổi đến “chóng mặt” chính sách về đầu tư của chính quyền Hải Phòng khiến cho doanh nghiệp không kịp thích ứng, không kịp xoay xở.
Được biết, Đề án cho thuê môi trường rừng được Vườn Quốc gia Cát Bà xây dựng theo sự chỉ đạo của chính UBND TP Hải Phòng để hoàn thiện công tác quản lý đối với mô hình du lịch sinh thái kết hợp với bảo vệ rừng sau quá trình hoạt động thí điểm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục đầu tư theo lộ trình, yên tâm đầu tư phát triển du lịch tại huyện đảo Cát Hải.
Quá trình đầu tư du lịch sinh thái của 6 doanh nghiệp trong nhiều năm qua không bị cơ quan chức năng nào lập biên bản về việc xây dựng trái phép mà luôn được lãnh đạo Vườn Quốc gia Cát Bà là chủ rừng, UBND huyện Cát Hải giám sát, kiểm tra, hướng dẫn, khuyến khích hoạt động. Thế mà quy chụp chúng tôi là xây dựng không phép, vi phạm luật lệ là không đúng với bản chất của vấn đề - đại diện Công ty CP TM Tùng Long cho biết.
Từ đầu năm 2020 đến nay, sau khi nhận được các Thông báo liên tiếp của Vườn Quốc gia Cát Bà, UBND TP Hải Phòng về việc tháo dỡ các công trình xây dựng tại các điểm liên doanh liên kết dịch vụ du lịch trên địa bàn Vườn Quốc Gia Cát Bà (08 điểm) theo ý kiến chỉ đạo của Thành ủy khiến cho doanh nghiệp bị dồn vào đường cùng, bị bức tử - ông Trịnh Phúc Mãn, Phó Giám đốc Công ty CP Khu du lịch đảo Cát Bà bức xúc.
Vì sao chúng tôi là các doanh nghiệp được kêu gọi tiên phong đi đầu từ lúc đảo Cát Bà còn hoang hóa, chưa ai dám đặt chân tới, chưa thu hút được khách du lịch. Đến nay có cảnh quan du lịch đẹp đẽ, tạo ra một sản phẩm mới, tạo công ăn việc làm, từng bước nâng cao đời sống người dân địa phương, nhưng không được ưu tiên tiếp tục hoàn thiện thủ tục thuê như điểm c, khoản 3, Điều 7 Quy chế quản lý các hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên kèm theo Quyết định số 104/QĐ-BNN ngày 27/12/2007 của Bộ NN &PTNT mà lại bắt buộc phải phá bỏ.
Hàng triệu khối cát được mua từ Quảng Ninh về đầu tư cho bãi cát tắm, cùng với số tiền hơn 200 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất lưu trú bằng chất liệu thân thiện môi trường còn chưa thu hồi được vốn nay bị thu hồi, cho phá dỡ thì doanh nghiệp chỉ còn biết nhảy sông tự tử – ông Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc Công ty CP Du lịch đảo Cát Dứa chua xót: “Nếu doanh nghiệp đầu tư không đúng cam kết với Vườn Quốc giá Cát Bà hoặc có những việc làm phá rừng, hủy hoại thắng cảnh thì chúng tôi sẵn sàng chấp thuận mọi điều kiện mà TP đưa ra”.
Các điểm du lịch sinh thái được doanh nghiệp đầu tư tại đảo Cát Bà đều thân thiện với môi trường, gìn giữ được bản sắc đa dạng khu dự trữ sinh quyển và được lãnh đạo nhiều thời kỳ của TP Hải Phòng ghi nhận và đánh giá cao, khuyến khích phát triển |
Liên quan đến các doanh nghiệp làm du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Cát Bà, ngày 25/03/2020, liên ngành gồm: Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT, Sở TN&MT, Sở Tư pháp, Thanh tra Thành phố, UBND huyện Cát Hải, Vườn Quốc gia Cát Bà đã tiến hành họp về thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, thông nhất kết luận là: …Chưa đủ cơ sở, căn cứ để tháo dỡ các công trình xây dựng của các doanh nghiệp liên doanh liên kết tại Vườn Quốc gia Cát Bà…’’.
Thế nhưng, mọi nỗ lực của các sở, ban ngành và doanh nghiệp nêu trên đều trở nên vô nghĩa khi chính quyền TP Hải Phòng vẫn quyết tâm thực hiện tháo dỡ…?.
Ngaymoionline sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vào các kỳ tiếp theo?