Viết tiếp bài hàng chục doanh nghiệp du lịch tại Cát Bà kêu cứu: Hải Phòng quyết tâm tháo dỡ, doanh nghiệp trắng tay?
Pháp luật - Bạn đọc 13/10/2020 20:29
Từ năm 2017, TP Hải Phòng liên tiếp có nhiều văn bản chỉ đạo, thông báo đến các sở, ban, ngành về thực hiện điều chỉnh quy hoạch tổng thể quần đảo Cát Bà theo đề nghị của một nhà đầu tư mới khiến cho các doanh nghiệp đầu tư du lịch sinh thái, các hộ dân nuôi trồng thủy sản bao đời trên vịnh Lan Hạ đứng ngồi không yên.
Năm 2017, Sở Du lịch TP Hải Phòng công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch Khu du lịch sinh thái Nam Cát tại Vịnh Lan Hạ |
Điều chỉnh quy hoạch cục bộ?
Ngày 13/4/2017, thực hiện ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quần đảo Cát Bà của một nhà đầu tư mới, UBND TP Hải Phòng ban hành Văn bản số 1985/UBND-QH cho các sở, ban ngành để tiến hành thanh lý các hợp đồng liên doanh khai thác đối với các vị trí nằm trong phạm vi quy hoạch; di dời cảng cá Cát Bà, sắp xếp lại vị trí các lồng bè nuôi trồng thủy sản…. tại khu vực đảo Cát Bà.
Cũng theo đề nghị của nhà đầu tư, ngày 11/12/2017, UBND TP Hải Phòng tiếp tục ban hành văn bản số 506/TB-UBND chấp thuận đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025, tầm nhiền đến 2050.
QĐ 2360 về việc phê duyệt Đề án cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Cát Bà do UBND TP Hải Phòng ban hành ngày 11/9/2017 (QĐ này không bao lâu đã bị thu hồi). |
Lý do điều chỉnh cục bộ quy hoạch được UBND TP Hải Phòng giải thích là thực hiện Thông báo số 104-TB/TU ngày 5/4/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Cát Bà của nhà đầu tư; Thông báo số 209/TB-UBND ngày 26/5/2017 về việc chấp thuận điều chỉnh quy hoạch và Công văn số 3651/VP-QH ngày 19/10/2017 của UBND TP Hải Phòng về đồng ý chủ trương điều chỉnh quy hoạch tổng thể…
Theo nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch, định hướng không gian du lịch tập trung tại khu vực thị trấn Cát Bà, khu đô thị Cái Giá và khu vực Phù Long. Trong đó:
Điều chỉnh loại hình, sản phẩm du lịch vui chơi giải trí là xe trượt địa hình sang tàu hỏa leo núi thuộc thị trấn Cát Bà; điều chỉnh địa bàn đối với khu công viên nước, công viên vui chơi giải trí, khu trình diễn đa phương tiện từ khu vực vịnh Lan Hạ và công viên đại dương từ khu vực đảo Cát Ông về khu đô thị Cái Giá; Bổ sung loại hình dịch vụ tâm linh, bãi tắm công cộng, phát triển khu ẩm thực, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, dịch vụ thương mại, nhà ở phục vụ du lịch…
Đặc biệt theo đề xuất của nhà đầu tư mới, TP Hải Phòng đồng ý bổ sung định hướng về cấp độ (khách sạn 5 -6 sao) đối với phân khu dịch vụ lưu trú trên biển tại đảo Cát Ông, đảo Khỉ (Thị trấn Cát Bà) theo nguyên tắc đảm bảo hài hòa cảnh quan thiên nhiên. Về giao thông sẽ điều chỉnh hướng tuyến cáp treo theo tuyến liên kết Cát Hải – Phù Long- Cát Đồn (Xuân Đán) – Thị trấn Cát Bà.
Như vậy với đề nghị của nhà đầu tư mới về điều chỉnh cục bộ, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà sẽ có xe lửa leo núi, nhà hàng, khách sạn 5-6 sao, cáp treo, công viên nước…
Còn các doanh nghiệp đầu tư du lịch sinh thái bền vững, thân thiện môi trường theo hình thức liên kết với Vườn Quốc gia Cát Bà từ hàng chục năm nay sẽ không còn cơ hội để kinh doanh. Vì TP Hải Phòng quyết tâm, kiên định cho tháo dỡ nhằm trả lại mặt bằng để quản lý và trồng cây đúng quy định, chứ không phải thu hồi và tháo dỡ để thực hiện các dự án đầu tư khác?
Với những văn bản liên tiếp nêu trên, UBND TP Hải Phòng đã đi ngược lại với chính những quyết định do chính cơ quan này đã ban hành trước đó chưa lâu:
Ngày 11/9/2017, UBND TP Hải Phòng ban hành Quyết định số 2360/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Cát Bà, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng thành phố theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo phương án phát triển dịch vụ du lịch của QĐ 2360, các doanh nghiệp thuê môi trường xây dựng phương án đầu tư chi tiết thống nhất với Vườn Quốc gia Cát Bà trước khi triển khai thực hiện. Đầu tư cơ sở hạ tầng và các loại hình dịch vụ đi kèm trên cơ sở các quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Tự tổ chức kinh doanh các loại hình dịch vụ du lịch theo quy định…
Cũng theo QĐ 2360 có tổng số 23 địa điểm được thuê môi trường rừng, với diện tích 2.095ha. Thời gian cho thuê không quá 50 năm, sau mỗi chu kỳ sẽ xem xét quyết định tiếp tục ký hợp đồng thuê dựa trên kết quả đánh giá tác động môi trường của hoạt động cho thuê môi trường rừng…
Nhưng đáng tiếc là QĐ 2360 sau đó đã bị chính UBND TP Hải Phòng cho thu hồi?
Điều này cũng đồng nghĩa, các doanh nghiệp liên kết với Vườn Quốc gia Cát Bà đã lập dự án đầu tư xây dựng theo quy định cũng không được UBND TP Hải Phòng phê duyệt (sau khi Quyết định phê duyệt cho thuê môi trường rừng số 2360 bị thu hồi). Mặt khác còn bị đề nghị cho tháo dỡ các công trình được đầu tư và hoạt động hiệu quả từ hơn 10 năm nay mà không đưa ra được lý do thực sự thuyết phục?
Từng được chọn làm hình ảnh quảng bá, giới thiệu rộng rãi
Đảo Cát Bà và 9 điều hấp dẫn - trên cổng thông tin điện tử TP Phố Hải Phòng ngày 4/9/2013 mô tả: đảo Cát Bà tuy đã được biết đến từ lâu nhưng vẫn giữ được nhiều cảnh đẹp nguyên sơ nhờ sự biệt lập của nó.
Cổng thông tin điện tử TP Hải Phòng quảng bá, giới thiệu đảo Cát Bà và 9 điều hấp dẫn. Trong đó có một số hình ảnh các khu du lịch sinh thái theo hình thức liên kết tại Vịnh Lan Hạ. Vậy tại sao không tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mà phải quyết tâm tháo dỡ? |
Trong đó các khu du lịch của doanh nghiệp đầu tư theo hình thức liên kết với Vườn Quốc gia Cát Bà là niềm tự hào và được chọn làm hình ảnh để quảng bá giới thiệu với bạn bè khắp thế giới. Du lịch Cát Bà vì thế có sự tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ, hàng năm thu hút được hơn 1,5 triệu du khách.
Mô hình phát triển du lịch sinh thái liên kết được lãnh đạo nhiều thời kỳ của TP Hải Phòng ghi nhận, đánh giá cao và khuyến khích tiếp tục phát triển mở rộng.
Tuy nhiên, từ năm 2017 mô hình du lịc sinh thái liên kết hoạt động lâu năm này lại bị TP Hải Phòng kết luận là xây dựng trái phép, bắt buộc phải tháo dỡ?
Dư luận cho rằng, việc TP Hải Phòng thu hồi và tháo dỡ các công trình du lịch sinh thái tại đảo Cát Bà để chiều theo đề nghị của một nhà đầu tư mới, thực hiện đầu tư vào phát triển du lịch Cát Bà bằng hệ thống cáp treo, tàu lượn leo núi, khách sạn 5-6 sao thì mới xứng tầm và phù hợp với Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Trong khi các doanh nghiệp làm du lịch sinh thái, bảo vệ biển đảo, tài nguyên rừng theo đúng nghĩa, đúng quy định của Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Cát Bà đã được UBND TP Hải Phòng phê duyệt tại Quyết định số 2119 ngày 4/12/2012 thì bị cho là xây dựng không phép, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên…
Năm 2012, TP Hải Phòng ban hành QĐ 2119 về phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Cát Bà |
Có 5 điểm quan trọng về mục tiêu phát triển mà Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Cát Bà được phê duyệt theo QĐ 2119 của UBND TP Hải Phòng năm 2012, đó là:
- Xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động du lịch sinh thái của huyện Cát Hải, Vườn Quốc gia Cát Bà và các doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ du lịch được thuê môi trường rừng, biển và đất xây dựng trong phạm vi dự án quy định được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Phát triển du lịch sinh thái trong Vườn Quốc gia Cát Bà nhằm góp phần đưa Cát Bà trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn, có bản sắc độc đáo, có thương hiệu và sức hấp dẫn mạnh ở Việt Nam và quốc tế.
- Sử dụng môi trường đặc dụng, môi trường biển, đảo… để phát triển du lịch sinh thái nhằm khai thác tiềm năng và giá trị tự nhiên, nguyên sơn, tạo môi trường trong lành và hấp dẫn để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Vườn Quốc gia Cát Bà, đặc biệt là phục vụ kỳ nghỉ cuối tuần của nhân dân TP Hải Phòng và các vùng lân cận.
- Thông qua du lịch sinh thái để giáo dục cho mọi người, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống và góp phần làm đẹp và giữ gìn cảnh quan môi trường.
- Giải quyết hài hòa yêu cầu bảo tồn và phát triển trong quá trình khai thác các hoạt động du lịch sinh thái thông qua việc “phát triển hoạt động dịch vụ du lịch sẽ tạo thêm việc làm và phát triển nhiều ngành nghề cho khu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng địa phương, đồng thời đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững của khu dự trữ sinh quyển thế giới”.
Vậy tại sao TP Hải Phòng lại không căn cứ vào chính những quyết định do mình ban hành để giúp đỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm du lịch sinh thái tiếp tục đồng hành phát triển?
Tạp chí Ngày mới online sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vào các kỳ tiếp theo