Fiditour với cuộc “rút ruột” của những toan tính “hơn người”
Pháp luật - Bạn đọc 29/06/2020 12:27
30 năm xây dựng thương hiệu... “tay trắng” một ngày
Công ty CP Fiditour tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, tên gọi khởi đầu là Công ty Thương mại Dịch vụ Du lịch Tân Định, TP Hồ Chí Minh, với hoạt động dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế. Sau 30 năm thành lập, đặc biệt là sau khi cổ phần hóa, với phần vốn Nhà nước chỉ còn gần 20% (do Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH Một thành viên nắm giữ), Fiditour đã nhanh chóng trở thành một trong những doanh nghiệp top đầu trong mảng du lịch lữ hành tại thị trường Việt Nam và thương hiệu Fiditour ngày càng có giá.
Thương hiệu có giá nhưng trên các báo cáo tài chính hàng năm, nhiều năm liền Fiditour làm ăn không có lãi trong sự nghi ngờ gian dối. Và như một lẽ tất yếu, nội bộ Fiditour không còn yên ả, nhiều ý kiến phản đối trong Hội đồng quản trị (HĐQT) ngày càng mạnh mẽ. Biết không thể “một tay che được trời” ở Công ty CP Fiditour, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Hùng cùng vài thành viên chủ chốt “bắt tay” nhau âm thầm hành động. Đầu tiên, họ lặng lẽ sang nhượng hết số cổ phần mà mình đang nắm giữ tại Fiditour cho người khác. Tiếp sau, họ cùng thành lập Công ty CP lữ hành Fiditour. Và, với quyền hành trong tay, ngày 7/3/2019, họ tổ chức họp HĐQT Fiditour rồi ra “Nghị quyết góp vốn thành lập Công ty CP lữ hành Fiditour”, với tổng giá trị phần vốn góp là 7 tỉ đồng, chiếm 20% vốn điều lệ tại Lữ hành Fiditour. Sau cùng, một hợp đồng góp vốn “giữa những người trong cuộc” được kí ngày 15/3/2019, chuyển giao toàn bộ mảng lữ hành từ Fiditour cho Lữ hành Fiditour mà không có sự đồng ý, thông qua hoặc thậm chí thông báo cho những người chủ thật sự là các cổ đông của Công ty.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về việc làm này, chúng tôi xin trích dẫn một đoạn trong một công văn phản đối từ một cổ đông: “Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH Một thành viên không đồng ý việc Công ty CP Fiditour liên kết thành lập mới Công ty CP lữ hành Fiditour, vì những lí do: Mảng kinh doanh chính của Công ty CP Fiditour hiện nay là dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế. Theo thuyết minh báo cáo tài chính năm 2018 của Công ty CP Fiditour đã được kiểm toán thì: (i) doanh thu cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch (517,6 tỉ đồng), (ii) doanh thu bán vé máy bay và dịch vụ hàng không (67,5 tỉ đồng), (iii) doanh thu cung cấp dịch vụ vận chuyển (14,1 tỉ đồng) và (iv) doanh thu tour F&E (9,39 tỉ đồng). Bốn khoản doanh thu liên quan đến lĩnh vực dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế này chiếm 98,2% trên tổng doanh thu năm 2018 của Công ty CP Fiditour (608,5 tỉ đồng/620 tỉ đồng). Do vậy, doanh thu của Công ty CP Fiditour sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng khi Công ty CP Fiditour chuyển giao hoạt động kinh doanh mảng lữ hành cùng hệ thống nhân sự liên quan cho Công ty CP lữ hành Fiditour vừa được thành lập. Hơn nữa, với tỉ lệ 20% vốn góp của Công ty CP Fiditour vào Công ty CP lữ hành Fiditour (theo giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp) thì lợi nhuận (nếu có) được chia về cho Công ty CP Fiditour từ lĩnh vực dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế nêu trên chỉ là 20%”.
Sụt giảm nghiêm trọng là một diễn tả nhẹ nhàng, 98,2% doanh thu thuộc về người khác nghĩa là không còn gì nữa. Nếu tất cả những điều kể trên xảy ra, có thể nói, sau 30 năm xây dựng, Công ty CP Fiditour trở về... “tay trắng”.
Những toan tính “hơn người” đầy... sai trái
“Theo hồ sơ đăng kí thành lập Công ty CP lữ hành Fiditour thì Công ty CP Fiditour kí điều lệ và hồ sơ với tư cách là cổ đông sáng lập của Công ty CP lữ hành Fiditour, với phần vốn góp là 7 tỉ đồng chiếm 20% vốn điều lệ...” - Đó là một đoạn trong công văn trả lời Fiditour của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh về tính pháp lí của việc cho ra đời Lữ hành Fiditour. Theo công văn này thì Fiditour đã kí điều lệ và hồ sơ với tư cách là cổ đông sáng lập nên việc Sở cấp phép cho họ là hoàn toàn đúng luật. Việc căn cứ hồ sơ để cấp phép có thể đúng luật (theo thủ tục), nhưng bản thân những bộ hồ sơ này có đúng luật (có đủ cơ sở pháp lí hay không) lại là chuyện khác.
Thứ nhất, ai cũng biết, ngoài việc phải tuân thủ pháp luật Nhà nước, mọi doanh nghiệp, mà trước hết là HĐQT phải tuân thủ điều lệ Công ty. Điều lệ Fiditour chỉ cho phép HĐQT thông qua việc thành lập công ty con, trong khi Lữ hành Fiditour là một công ty liên kết với giá trị góp vốn của Fiditour chỉ 20% nên việc HĐQT Fiditour kí điều lệ và hồ sơ với tư cách là cổ đông sáng lập Lữ hành Fiditour là một việc làm không đúng quy định. Đó là chưa kể, cũng theo Điều lệ Fiditour, “HĐQT phải triệu tập Đại hội cổ đông bất thường trong trường hợp... xét thấy cần thiết vì lợi ích của công ty”. “Phải triệu tập” nhưng họ không làm. Không làm bởi nếu có, toan tính của họ sẽ bị đổ bể ngay từ trứng nước.
Thứ hai, khi khởi đầu đã sai thì những cái tiếp sau theo hệ thống, cũng không thể đúng. Tại cuộc họp HĐQT ngày 7/3/2019, để ra Nghị quyết góp vốn thành lập Lữ hành Fiditour, những thành viên chủ chốt của Fiditour là Nguyễn Việt Hùng, Đoàn Thiện Tánh, Lê Thị Hoàng Hà và người nhận góp vốn cũng là... chính họ với tư cách là cổ đông, thành viên sáng lập Lữ hành Fiditour. Nếu biết rằng thời điểm này, tại Fiditour, họ không còn tư cách cổ đông, bởi đã hoàn toàn thoái vốn thì hành động này còn hơn cả “bốc xôi làng cho ăn mày”. Họ “bốc xôi” về cho chính họ. Đây là một giao dịch trái đạo đức xã hội, theo Bộ luật Dân sự, phải là vô hiệu.
Thứ ba, sau Nghị quyết góp vốn vừa kể, Hợp đồng góp vốn giữa 2 bên kí ngày 15/3/2019 dĩ nhiên vô hiệu. Và không chỉ thế, mặc dù không có thẩm quyền (quyền này thuộc về Đại hội cổ đông), cái HĐQT Fiditour vừa nêu tự định giá tài sản cho Fiditour rồi “bóc ra” 7 tỉ đồng gồm rất nhiều thứ, bao gồm tài sản vô hình, giá trị thương hiệu giao cho Lữ hành Fiditour. Quả thật, với những toan tính “hơn người” này, chẳng biết Fiditour rồi sẽ ra sao? Chỉ biết rằng, sau những việc làm kể trên, toàn bộ HĐQT cũ đã bị bãi miễn và chính họ cùng Lữ hành Fiditour đang đối mặt với Tòa án trong những ngày sắp tới.