Có gây “khó khăn” khi giải quyết chế độ cho người cao tuổi bị khuyết tật?
Pháp luật - Bạn đọc 17/02/2022 14:37
Theo phản ánh, gần 2 năm nay, ông Bình tham vấn, nghiên cứu pháp luật, rồi đến nhiều cơ quan để xin được trợ cấp xã hội cho cụ Ngọ, nhưng không hiểu vì lí do gì UBND huyện Lạc Thủy không thẩm định hồ sơ và xét duyệt trợ cấp xã hội cho cụ. Hồ sơ thủ tục làm đúng, đầy đủ theo Thông tư số 17/2011/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH; Luật Người khuyết tật năm 2010; Nghị định hướng dẫn số 28/2012/NĐ–CP của Chính phủ; Thông tư số 01/2019/TT- BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH về hướng dẫn, xác định xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định khuyết tật đã được hướng dẫn cụ thể, chi tiết tại Thông tư số 01/2019/TT- BLĐTBXH.
Việc làm hồ sơ, thủ tục ông Bình làm theo đúng hướng dẫn, quy định của pháp luật và Thông tư số 01/2019 của Bộ LĐ-TB&XH như: “Đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật, giấy khám sức khỏe của bệnh viện huyện Lạc Thủy chứng nhận bố ông bị liệt ½ cơ thể do tình trạng sức khỏe yếu thêm nữa, do tai biến mạch máu não gây ra, đến việc kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng không thể vận động, mức độ đặc biệt nặng”. Nhưng đến nay vẫn chưa được hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương.
Trụ sở Phòng LĐ-TB&XH huyện Lạc Thủy. |
Ông Bình cho biết: “Tôi là nông dân chỉ biết cày cuốc, làm nông nghiệp qua ngày, tôi có nhờ cháu của tôi tìm hiểu từ UBND xã đến UBND huyện thì được biết, bà Đinh Thị Thu Huyền, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện trả lại hồ sơ do thiếu xác nhận, giấy khám chữa bệnh, chứng nhận bệnh án, giấy tờ khám chữa bệnh, điều trị xác nhận từ bệnh viện cấp tỉnh trở lên mới được xét duyệt hồ sơ; người dân không có quyền gì thắc mắc, không thuộc đối tượng để hỏi người cơ quan Nhà nước. Bố tôi năm nay cũng 89 tuổi rồi, thêm cái tai biến mạch máu não, liệt ½ cơ thể, không đi lại được, thường xuyên tiểu tiện tại chỗ. Gia đình tôi thuộc hộ nghèo của xã, nhưng vẫn luôn phải túc trực chăm sóc cho ông cụ, nhà có hai vợ chồng là lao động chính, nên phải thay phiên nhau, người đi làm, người nghỉ ở nhà còn chăm sóc cho cụ”.
Nhà nước luôn có chính sách ưu tiên đối với người cao tuổi, hỗ trợ hết mức nhằm ổn định an sinh xã hội, nâng cao cuộc sống tinh thần cho người dân. Người cao tuổi luôn được ưu tiên hàng đầu, có vai trò rất quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt ở cơ sở. Trong gia đình, Người cao tuổi nêu gương, hướng dẫn, động viên con cháu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ông Bình thắc mắc: “Vậy mà Trưởng phòng LĐ-TB&XH, người đứng đầu giúp Người cao tuổi ổn định an sinh xã hội lại có thể nói ra được những lời đó. Phải chăng vị này còn hạn chế về mặt pháp luật hoặc cố tình hiểu sai luật một cách máy móc các hướng dẫn, thông tư của Bộ LĐ-TB&XH, hay cố tình làm khó dễ người dân chúng tôi?”.
Được biết, người cao tuổi để nhận được trợ cấp xã hội như cụ Ngọ phải có xác nhận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chủ trì phối hợp được quy định, hướng dẫn rất cụ thể tại Thông tư số 01/2019/TT- BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH quy định: “Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do Chủ tịch UBND xã là Chủ tịch Hội đồng, Trạm trưởng trạm y tế cấp xã; Công chức cấp xã phụ trách công tác LĐ-TB&XH; Người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh cấp xã; Người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật”.
Tại mục 1, 2, 3 Điều 4, Chương III Thông tư số 01/2019 hướng dẫn chi tiết về hồ sơ đề nghị xác nhận khuyết tật bao gồm “Đơn đề nghị xác định khuyết tật, Bản sao các giấy tờ liên quan đến khuyết tật (nếu có) như: Bệnh án, giấy tờ khám, điều trị, phẫu thuật, Giấy xác nhận khuyết tật cũ và các giấy tờ có liên quan khác. Bản sao kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa trước ngày Nghị định số 28/2012/NĐ-CP có hiệu lực hoặc các giấy tờ liên quan khác (nếu có)”. Về cách xác định mức độ khuyết tật thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 17 của Luật Người khuyết tật và Điều 3 Chương II Thông tư số 01/2019/TT- BLĐTBXH. Cụ thể, việc xác định mức độ khuyết tật được thực hiện bằng phương pháp quan sát trực tiếp người khuyết tật, thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo các tiêu chí về y tế, xã hội và các phương pháp đơn giản khác để kết luận mức độ khuyết tật đối với từng người khuyết tật.
Xác định phê duyệt hồ sơ và xác định khuyết tật cho người cao tuổi đã được quy định, hướng dẫn rất rõ tại Thông tư số 01/2019 của Bộ LĐ-TB&XH là vậy. Nhưng khi người dân có ý kiến, trao đổi trực tiếp với Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lạc Thủy lại buộc người dân cần phải có các giấy tờ liên quan tới bệnh án, xác định khuyết tật, giám định y khoa từ tuyến cấp tỉnh trở lên mới chấp thuận hồ sơ. Trong khi đó, cụ Ngọ lại đang trong tình trạng liệt 1/2 cơ thể do tai biến mạch máu não, tình hình dịch bệnh Covid đang tăng cao, diễn biến phức tạp và khó khăn cho di chuyển, đi lại cả với người khỏe mạnh chứ chưa nói tới người cao tuổi. Dư luận đặt ra câu hỏi: Có phải Phòng LĐ-TB&XH huyện Lạc Thủy có đang cố tình gây khó dễ cho người dân, cố tình hiểu máy móc về quy định của pháp luật nhằm cản trở, chậm chạp trong việc xét duyệt hồ sơ cho người cao tuổi?.
Tạp chí Người cao tuổi đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình với tinh thần thượng tôn pháp luật, quan tâm chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi, chỉ đạo UBND huyện Lạc Thủy, Phòng LĐ-TB&XH huyện Lạc Thủy xem xét, giải quyết các thắc mắc trên, để bảo vệ các quyền lợi chính đáng và bảo đảm cuộc sống cho cụ Phạm Văn Ngọ.