Người cao tuổi đề nghị hoãn thi hành án để được giải thích bản án theo quy định pháp luật

Pháp luật - Bạn đọc 06/01/2023 09:24
Theo đơn và diễn biến tại phiên tòa ngày 30/8/2022, thể hiện: Hộ ông Nguyễn Trọng Hành (cán bộ hưu trí) và vợ là bà Bùi Thị Đanh bị thu hồi 57.450,2m2 đất, nhưng quyết định thu hồi chỉ ghi là 56.276,9m2, có 50m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Ngày 10/10/2019, UBND huyện Hàm Tân ban hành Quyết định số 1989/QĐ-UBND, bồi thường tổng cộng 8.843.678.293 đồng, do đất cùng thửa bị tách thành 4 loại giá bồi thường khác nhau, còn cây trồng bị quy ra mật độ, nên có hàng ngàn cây không bồi thường, cùng nhiều diện tích bị bỏ sót. Nguyên đơn khiếu nại, ngày 26/12/2019, UBND huyện Hàm Tân ban hành Quyết định số 2846/QĐ-UBND, bồi thường lại tổng cộng 7.537.827.244 đồng, giảm 1.305.851.069 đồng so lần bồi thường trước.
Ngày 31/8/2020, UBND huyện Hàm Tân có Quyết định số 1937, bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho nguyên đơn, tăng thêm 61 triệu đồng. Ngày 3/11/2021, Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân ban hành Quyết định số 2353, chấp nhận bồi thường thêm 1.173,3m2 đất và 391 cây keo lai, đồng thời bác nhiều khiếu nại của nguyên đơn. Còn 44.943,2m2 đất đáng bồi thường ở vị trí số 1, bị đưa xuống vị trí số 4, cùng hàng ngàn cây keo lai không bồi thường, vì cho rằng vượt mật độ (!). Nguyên đơn khởi kiện, yêu cầu Tòa tuyên hủy: Quyết định số 2846/QĐ-UBND ngày 26/12/2019, Quyết định số 1937 ngày 31/8/2020 và Quyết định số 2353/QĐ-UBND ngày 3/11/2021 của Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân.
![]() |
Trang đầu và trang cuối Bản án công tâm, khách quan, đúng pháp luật số 40/2022/HC-ST của TAND tình Bình Thuận đã có hiệu lực pháp luật. |
Tại phiên sơ thẩm, phía nguyên đơn và luật sư của mình cho rằng, đất bị thu hồi cùng thửa, cùng loại, nằm cạnh đường lớn, gần khu dân cư, cùng chế độ chăm sóc và điều kiện thu hoạch, nhưng chỉ có 12.507m2 được bồi thường vị trí 1, còn lại bị đưa xuống vị trí 4 là không đúng. Cây trồng ở đây mật độ ổn định trên 25 năm, đã qua nhiều lần thu hoạch, trong khi nguyên đơn không hề biết có đường cao tốc đi qua, không có ý định trồng dày để lấy tiền bồi thường. Mà cây trồng mật độ nào là do người sử dụng đất quyết định, không ai quy ước mật độ đối với từng loại cây trồng. Vậy mà, UBND huyện Hàm Tân cho là cây của nguyên đơn trồng vượt mật độ để không thường!? Đây là những điều vô căn cứ, nguyên đơn yêu cầu Tòa tuyên hủy các Quyết định đó của UBND huyện Hàm Tân.
Bản án công tâm và khách quan
Ngày 30/8/2022, TAND tỉnh Bình Thuận đưa vụ án hành chính ra xét xử. Hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng: 44.943,2m2 đất bị xếp vào vị trí 4 là không đúng. Đất thu hồi cùng thửa, cùng tờ bản đồ, cùng điều kiện sử dụng, nhưng chỉ 12.507m2 được xếp ở vị trí 1, còn 44.943,2m2 bị xếp ở vị trí 4 là mâu thuẫn. Phía người bị kiện cho rằng, diện tích này không chủ động tưới từ 70% trở lên là không đúng, bởi nguyên đơn đã đào một ao lớn 4.484m3, được UBND huyện Hàm Tân thừa nhận và đã bồi thường, cùng hệ thống máy bơm, ống dẫn, chứng tỏ là chủ động tưới. Người bị kiện lại nói, diện tích này không đạt độ phì nhiêu thì cũng không đúng. Độ phì nhiêu của đất là tiêu chí để đánh giá chất lượng đất, bảo đảm cho cây phát triển tốt, chứ không phải tiêu chí để xác định hạng đất tính giá bồi thường.
Thực tế cả thửa đất trên 5,7ha cùng trồng cây keo lai phát triển tốt, thậm chí nhiều vùng trong diện tích bị xếp loại 4 cây còn cao lớn, có phần lấn lướt ở vị trí 1. Trong khi UBND huyện Hàm Tân không dùng phương tiện kĩ thuật để xác định độ phì nhiêu của đất theo quy định. Khoản 2, Điều 5 Quyết định số 59/2014 ngày 26/12/2014 của UBND tỉnh Bình Thuận quy định: “Độ phì của các khu vực được áp dụng theo quyết định phê duyệt kết quả phân loại… của UBND tỉnh. Trường hợp thửa đất chưa có kết quả phân loại độ phì, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng cơ quan liên quan khảo sát xác định, trình UBND tỉnh phê duyệt”. Tuy nhiên, đối với 44.943,2m2 đất, UBND huyện Hàm Tân không căn cứ quy định nào, mà tùy tiện xếp đất hạng 4 là không đúng.
HĐXX khẳng định, cây trồng trên đất thuộc quyền của người sử dụng đất. Trồng cây gì, mật độ ra sao là do người trồng quyết định, Nhà nước không có bất cứ văn bản nào quy định mật độ trồng cho từng loại cây. Luật Đất đai tại điểm b, Khoản 1, Điều 90 quy định: “Đối với cây trồng lâu năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị thực tế của vườn cây theo giá tại địa phương tại thời điểm thu hồi đất, mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất”. Vì vậy, UBND huyện Hàm Tân lấy cớ là vượt mật độ để không bồi thường 1.445 cây keo lai 3 - 4 năm tuổi là sai. Không chỉ có thế, đất của nguyên đơn bị thu hồi 57.450,2m2, nhưng Quyết định số 1325/QĐ-UBND ngày 4/10/2019 lại thể hiện, chỉ có 56.276,9m2, làm thiệt hại cho nguyên đơn. Vì vậy, Bản án số 40/2022/HC-ST ngày 30/8/2022 của TAND tỉnh Bình Thuận, do thẩm phán Võ Việt Minh làm chủ tọa, đã tuyên hủy Quyết định số 2846/QĐ-UBND ngày 26/12/2019; Quyết định số 1937/QĐ-UBND ngày 31/8/2020 và Quyết định số 2353 ngày 3/11/2021 của UBND huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Tuy nhiên, bản án có hiệu lực đã trên 4 tháng rồi, mà phía bị kiện và thua kiện (UBND huyện Hàm Tân) vẫn chưa tự nguyện thi hành án. Đề nghị UBND huyện Hàm Tân nghiêm túc thực hiện theo phán quyết tại Bản án số 40/2022/HC-ST ngày 30/8/2022 của TAND tỉnh Bình Thuận.