Bất ngờ tháo dỡ nhà và tường bao của người dân
Pháp luật - Bạn đọc 08/11/2020 07:25
Ông Khúc Văn Đoài, thường trú tại ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trình bày: Ông có các thửa đất tọa lạc tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, do ông nhận chuyển nhượng từ nhiều người. Đất này ông luôn canh tác ổn định từ ngày nhận chuyển nhượng đến nay. Trên đất, gia đình ông trồng các loại cây: dừa, tràm bông vàng; đào 3 ao thả cá và chăn nuôi vịt. Để giữ đất, ông tiến hành xây tường bao, làm 2 căn nhà tiền chế làm xưởng và để ở.
Bỗng dưng ông nhận được Thông báo số 39 đề ngày 24/3/2020, của UBND xã Dương Tơ, yêu cầu gia đình ông tháo dỡ, di dời tường rào, nhà xưởng, vật kiến trúc, cây ăn trái. Ông có làm đơn gửi UBND xã Dương Tơ, trình bày quá trình sử dụng đất, đề nghị chính quyền xã Dương Tơ xem xét, tạo điều kiện giúp đỡ gia đình ông canh tác ổn định cuộc sống. Nhưng thay vì xem xét giải quyết đơn của ông, ngày 24/9/2020, chính quyền xã Dương Tơ huy động lực lượng, xe máy đến đập phá, tháo dỡ toàn bộ bức tường bao, hai nhà xưởng và toàn bộ cây cối của gia đình ông, mà không có quyết định, không có biên bản.
Một trong 2 ngôi nhà trước khi bị cưỡng chế |
Các tài liệu có trong hồ sơ thu thập được và kết quả xác minh thực tế cho thấy, ông Khúc Văn Đoài có các hợp đồng mua đất với ông Nguyễn Quốc Tuấn, ông Nguyễn Bảo Quốc và bà Nguyễn Thị Bông. Những hợp đồng này được kí kết vào các năm: 2010, 2012, 2014. Nguồn gốc các thửa đất do ông Nguyễn Quốc Tuấn khai khẩn từ năm 2000, một phần đất do ông Nguyễn Bảo Quốc nhận chuyển nhượng từ các ông: Tuấn, Khanh, Phú. Riêng diện tích đất ông Đoài nhận chuyển nhượng từ bà Nguyễn Thị Bông, có nguồn gốc do ông Trương Quốc Thắng khai khẩn từ năm 1983, đến năm 1985 ông Thắng cho tặng ông Đàm Phủ, đến năm 2003 ông Phủ sang nhượng cho bà Bông thực hiện trồng cây lâu năm, không tranh chấp với ai cho đến khi sang nhượng cho ông Đoài.
Bức tường xây của gia đình ông Khúc Văn Đoài, mục tiêu xây để giữ đất |
Sau đó, Dự án Khu du lịch – dân cư Nam Bãi Trường, cùng đường An Thới – Cửa Lấp thu hồi một phần đất của gia đình ông Đoài nhận chuyển nhượng, diện tích còn lại ông xây tường bao để giữ đất, làm nhà xưởng, nhà kho để sản xuất và ở, tiếp tục trồng các loại cây. Xác minh thực tế cho thấy, gia đình ông Đoài bị cưỡng chế, phá dỡ một nhà kho diện tích 58,4m2, kết cấu nền đất, khung cột sắt, mái tôn, vách tôn; một nhà xưởng diện tích 108m2, móng đá hộc, khung cột sắt, mái tôn, vách tôn; một hàng rào dài 47m, cao 1,2m, kết cấu cột sắt, lưới B40; một bức tường dài 39,9m xây móng đá hộc, tường gạch trát xi măng; trụ bê tông diện tích 162m2.
Khoản 2, Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 1/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp… thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”. Căn cứ quy định này, đối chứng với các tài liệu có trong hồ sơ, thì đất gia đình ông Đoài nhận chuyển nhượng là hợp pháp. Bằng chứng một diện tích đất có nguồn gốc do ông Tuấn khai khẩn từ năm 2000, một diện tích đất do bà Bông nhận chuyển nhượng, có nguồn gốc do ông Trương Quốc Thắng khai khẩn từ năm 1983.
Móng bức tường xây sau khi bị phá dỡ, hoàn toàn nằm ngoài hành lang giao thông |
UBND xã Dương Tơ giải thích với gia đình, do xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt. Thế nhưng, trong một văn bản trả lời báo chí, UBND xã Dương Tơ lại nói rằng gia đình ông Đoài xây dựng tường rào, nhà xưởng xâm phạm đất giao thông đường Cửa Lấp – An Thới, một phần thuộc đất Nhà nước quản lí. Trả lời như vậy là sai sự thật, bởi thực tế các công trình này không nằm trong hành lang giao thông, bởi đường An Thới – Cửa Lấp đã được xây dựng xong, có vỉa hè, trong khi các công trình ông Đoài xây dựng không hề lấn chiếm vào đất đường giao thông. Nói đất Nhà nước quản lí, là cách nói đánh tráo khái niệm, nhằm nhập nhèm tính pháp lí của các thửa đất. Từ Hiến pháp tới Luật Đất đai các thời kì đều có quy định đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lí. Vì vậy, nói quản lí ở đây là quản lí Nhà nước về đất đai. Thực tế Nhà nước không phải chủ thể sử dụng đất đai, mà chủ thể được quyền sử dụng đất là Nhân dân và các tổ chức. Vì vậy, Nhà nước muốn giao đất cho ai, bắt buộc phải thực hiện việc thu hồi đất đó và phải bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Bức tường xây hoàn toàn ngoài hành lang giao thông, vẫn bị chính quyền xã Dương Tơ phá dỡ |
Cứ cho rằng gia đình ông Khúc Văn Đoài có sai phạm, thì việc cưỡng chế mà không lập biên bản, không có quyết định của chính quyền xã Dương Tơ, là hoàn toàn trái pháp luật, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho gia đình ông Khúc Văn Đoài. Để có thông tin nhiều chiều, ngày 5/10/2020, phóng viên Tạp chí Người cao tuổi đến đặt lịch làm việc tại UBND xã Dương Tơ, với yêu cầu trao đổi làm rõ lí do và quy trình cưỡng chế công trình, cây cối, vật kiến trúc trên đất của gia đình ông Đoài. Bản đăng kí có ghi đầy đủ thông tin, số điện thoại liên hệ, nhưng đến nay vẫn chỉ nhận được sự im lặng.
Người dân phản ánh vi phạm pháp luật về đất đai, chính quyền trả lời nước đôi Người dân khu phố 7, thị trấn Dương Đông phát hiện bà Bùi Thị Lang có hành vi lấn chiếm đất, chính quyền có dấu ... |
Các cơ quan tố tụng huyện Phú Quốc mới “ngắt được cái ngọn” Sáng 7/10/2020, TAND huyện Phú Quốc mở phiên toà xét xử bị cáo Võ Thanh Lâm về tội: “Cố ý làm hư hỏng tài sản” và ... |