Nguồn gốc sự việc
Đơn của bà Háy cho biết, thửa đất trên là của cụ Hồ Văn Đạo (bố chồng bà Háy) mua của cụ Đoàn Văn Đô trước năm 1970. Đến năm 1970, vợ chồng bà Háy ra ở riêng, nên cụ Đạo chia cho vợ chồng bà Háy sử dụng. Năm 1984, vợ chồng bà Háy đã phá dỡ ngôi nhà cũ để xây nhà, gồm 5 gian nhà và 3 gian bếp và có bỏ ra một phần đất để làm rãnh nước giọt ranh có chiều rộng 25cm, chiều dài khoảng 13m cho nước chảy, giáp ranh hộ ông Đặng Văn Chung. Ngoài ra, giáp nhà ông Chung, gia đình bà Háy có xây dựng tường bao và trồng cây chuối để xác định mốc giới. Thời gian này, ông Chung có xin sử dụng chung rãnh nước gia đình bà Háy, vì ngõ nhà ông Chung nhỏ và không có đường dẫn thoát nước, nên muốn dùng chung. Gia đình bà Háy đã đồng ý.

Khu đất có rãnh thoát nước đang tranh chấp.
Theo bản đồ đo đạc năm 2006, thửa đất số 140, tờ bản đồ số 15 diện tích 231,8m2 mang tên Hoàng Thị Háy, ngày 29/7/2011 UBND huyện Mê Linh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số BE363578, thửa đất trên giáp ranh với hộ ông Đăng Văn Chung. Năm 2011, hộ ông Chung cũng được UBND huyện Mê Linh cấp GCNQSDĐ, với diện tích 277m2.
Đến năm 2014, các con của bà Háy đã phá dỡ ngồi nhà xây từ năm 1984 để xây dựng nhà 2 tầng như hiện nay. Ranh giới lúc làm nhà và rãnh nước cũ từ năm 1984 vẫn được giữ nguyên. Năm 2016, các đầu rãnh nước trên bị sụt lún nên gia đình bà Háy đã sửa chữa lại thì bị hộ ông Chung đạp đổ.
Đánh người gây thương tích?Trong các ngày 23/1/2017, 18/4/2017, 2/11/2017, 1/3/2018, UBND xã Tiến Thịnh có biên bản hòa giải giữa hộ bà Hoàng Thị Háy và ông Đặng Văn Chung nhưng không thành.
Ngày 27/2/2018, UBND huyện Mê Linh đã có Công văn số 775/UBND-VP gửi UBND xã Tiến Thịnh về việc giải quyết đơn của bà Háy. Ngày 30/3/2018, UBND xã Tiến Thịnh có văn bản số 64/UBND-HC về việc hòa giải tranh chấp đất đai giữa hộ bà Háy và ông Chung gửi UBND huyện Mê Linh. Tiếp đó, ngày 1/3/2018, UBND xã tiếp tục tổ chức buổi hòa giải, hai hộ nhất trí thuê Công ty Cổ phần khảo sát tư vấn và Xây dựng Hà Nội để đo đạc, kết quả đo đạc có chiều dài 13m, một đầu lấn chiếm về phần đất nhà bà Háy là 0,33m (nghĩa bà hộ Bà Háy đang bị thiếu 0,33m chiều rộng, chính là phần rãnh nước trên). Sau đó, UBND xã có Công văn số 63/UBND-HC về việc yêu cầu hộ bà Háy tháo dỡ một phần diện tích xây dựng đang tranh chấp trên. Nếu một trong hai hộ không đồng ý với ý kiến của UBND xã thì có quyền khiếu nại đến cấp có thẩm quyền, theo khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013.
Tiếp đó, ngày 1/4/2018, hộ nhà bà Háy và hộ nhà Chung có xảy ra cãi vã, hai con gái bà Háy dùng điện thoại quay lại cảnh trên, liền bị vợ con ông Chung dùng gậy đánh, làm bà Háy và hai con gái bà phải đi cấp cứu bệnh viện. Bà Háy đã có đơn gửi Công an huyện Mê Linh để làm rõ hành vi đánh người trên của vợ con gia đình hộ ông Chung. Ngày 25/5/2018, bà Háy có đơn khởi kiện hộ ông Đặng Văn Chung ra TAND huyện Mê Linh.
.jpg)
Các lực lượng chức năng của UBND xã Tiến thịnh “giải tỏa” rãnh thoát nước ngày 26/6/2018
Theo ông Đoàn Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Tiến Thịnh: “Sự việc trên rất nhỏ, chỉ có cái rãnh nước đi qua thôi, các hộ trên còn có quan hệ họ hàng. Chúng tôi đã giải quyết tranh chấp rất nhiều lần rồi, thậm chí mời cho họ đơn vị đo đạc về, một đầu thì hộ bà Háy đủ, còn 1 đầu thì thiếu một tí. Bà Háy chỉ cần ông Chung xin lỗi thì bà Háy cho sử dụng nhờ rãnh nước, nhưng ông Chung không đồng ý. Ngày 26/6, chúng tôi chỉ phá dỡ một phần để có cái rãnh nước chảy qua, chứ không là ô nhiễm môi trường”.
Theo Luật sư Hoàng Văn Tùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Tại Khoản 3, Điều 8 của Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về việc hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: "a- Đối với tranh chấp ai có quyền sử dụng đất (tức là bên nào cũng cho rằng quyền sử dụng đất là của mình), tranh chấp đất bị lấn chiếm, chiếm dụng, tranh chấp đất lối đi, thì bắt buộc phải tiến hành hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi đất có tranh chấp theo quy định tại điều 135 Luật đất đai… Trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì UBND cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo". Như vậy, UBND xã phải hướng dẫn các bên gửi đơn đến Tòa án để giải quyết tranh chấp khi đã lập biên bản hòa giải không thành, theo quy định tại khoản 2 Điều 88 Nghị định số 43/NĐ-CP/2014.
Bà Háy cho biết: “Ngày 26/6/2018, UBND xã huy động vài chục người đến cưỡng chế chứ phá dỡ gì(!?). Phần đất đó của gia đình tôi. Đo đạc cũng khẳng định đất nhà tôi bị thiếu. Trước đó, tôi có sửa chữa lại vì bị sụt lún phần giáp ranh tường nhà. Nếu không sửa chữa, nước mưa từ trên đổ xuống sẽ tiếp tục gây sụt lún, cùng với nước thải ngấm vào tường và chân móng nhà của gia đình tôi. Việc xã huy động vài chục người đứng chật cả con ngõ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thậm chí còn có dấu hiệu “lách luật”, thay vì ra văn bản “cưỡng chế” xã lại ra “thông báo giải tỏa”!?”.
Báo Người cao tuổi, Báo điện tử Ngày mới đề nghị các cơ quan chức năng huyện Mê Linh giải quyết dứt điểm vụ việc, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật và đảm bảo an ninh trật tự địa phương.
Báo Người cao tuổi, Báo điện tử Ngày mới tiếp tục thông tin.
Nguyễn Hải