Vụ bé gái 3 tuổi nghi bị bắt cóc ở TP Hải Phòng: Trường hợp nào đối tượng sẽ bị xử lí hình sự?
Pháp luật - Bạn đọc 20/01/2025 11:22
Liên quan đến việc bé gái 3 tuổi ở Trường mầm non Thiên Hương bị người lạ dẫn đi, chiều 14/1/2025, Công an TP Hải Phòng thông tin, quần chúng Nhân dân cùng Công an TP Thủy Nguyên, Công an quận Ngô Quyền đã tạm giữ Đ.T.H.T. (18 tuổi, ở TP Thủy Nguyên) là người đi cùng bé M.
Cháu M. là bé gái nghi bị một phụ nữ bắt cóc tại Trường Mầm non Thiên Hương (ở TP Thủy Nguyên) vào chiều 13/1/2025.
Trước đó, khoảng 16h ngày 13/1/2025, Công an TP Thủy Nguyên nhận trình báo về việc, một cô gái vừa vào lớp, đọc tên bé gái 3 tuổi rồi nói cô giáo cho đón về. Thấy vậy, bé gái chạy theo người này ra tủ lấy đồ cá nhân rồi cùng rời trường.
Gia đình chỉ biết việc này khi 16h30, mẹ bé thuê người đến đón thì được báo con đã về. Lớp học có 25 trẻ với 2 cô giáo. Trước khi xảy ra sự việc một cô đã về sớm vì có con đi cấp cứu.
Sau quá trình xác minh, công an xác định người đưa bé gái ra khỏi trường là T. Dữ liệu camera an ninh ghi nhận, khi đón bé, T. mặc áo khoác tối màu, họa tiết trắng, quần kẻ ca rô, đội mũ kín đầu, đeo khẩu trang đen. Bé gái mặc áo khoác màu hồng, quần tối màu.
T và bé gái 3 tuổi đi trên đường. |
Sau khi đưa bé gái ra khỏi trường, T. bắt taxi đến quận Lê Chân và di chuyển quanh đây cùng bé gái. Camera an ninh cũng ghi nhận T. có mặt tại đường tàu Trần Nguyên Hãn vào khoảng 21h ngày 13/1/2025.
Đến 22h cùng ngày, cô này dẫn bé gái đến ngõ 261 Trần Nguyên mua đồ, ngồi nghỉ vài phút...Ngoài ra, theo thông tin gia đình cung cấp, đối tượng T. có biểu hiện bệnh lý tâm thần.
Dưới góc độ pháp lí, tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, người nào không có quyền quản lí, chăm sóc trẻ em nhưng lại tự ý đưa trẻ em ra khỏi nơi cư trú, nơi học tập mà không có sự đồng ý của người quản lí, người giám hộ và đó là hành vi có thể gây ra nguy hiểm cho trẻ em thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử lí bằng những chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Quá trình làm việc và những thông tin mà gia đình cung cấp cho thấy, cô gái có biểu hiện mắc bệnh tâm thần nên cơ quan chức năng sẽ tiến hành trưng cầu giám định tâm thần để làm rõ khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của người này.
Trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy cô gái này mắc bệnh tâm thần, mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi nên đã đưa cháu ra khỏi trường mầm non, chưa gây hại gì cho cháu bé, cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự vì chủ thể không có năng lực trách nhiệm hình sự.
Trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy cô gái chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức nên đã thực hiện hành vi bắt cóc cháu bé, cơ quan điều tra sẽ xử lí hình sự cô gái này về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.
“Theo quy định của pháp luật, hành vi bắt giữ người trái pháp luật là do người không có thẩm quyền, không có chức năng giữ quản lí con người nhưng đã cố ý thực hiện hành vi, xâm phạm đến quyền tự do thân thể, tự do đi lại, tự do cư trú của công dân.
Người phạm tội thực hiện hành vi này với lỗi cố ý vì họ ý thức được hành vi của mình sẽ xâm phạm đến quyền tự do của người khác và muốn gây ra hậu quả đó.
Còn trường hợp người thực hiện hành vi bắt giữ trẻ em mà không nhận thức được hành vi của mình do mắc bệnh lí sẽ không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Bởi vậy, trong vụ việc này, hành vi của đối tượng có thể được xác định là bắt giữ người trái pháp luật nhưng nếu người này không nhận thức được hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm pháp lí”, luật sư Cường phân tích.
Vị tiến sĩ luật cũng cho rằng, rất may mắn cháu bé đã được phát hiện và đưa về với gia đình một cách an toàn. Nếu không phát hiện kịp thời, kể cả người đưa cháu bé đi là người tâm thần hay là người bình thường, sự nguy hiểm với cháu bé hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Do đó, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục, làm rõ quy trình đưa đón học sinh để truy trách nhiệm. Đồng thời, để thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.