Về sai phạm ở Dự án Khu đô thị Hoàng Long, TP Nha Trang: Cần có cái nhìn toàn diện về các vụ việc (Kì 1)
Pháp luật - Bạn đọc 07/03/2020 09:09
Bài I: Bốn hay một vụ án và những phiên tòa xét xử
Trong quá trình điều tra rồi viết bài phanh phui vụ án, chúng tôi đặt tít cho bài là “Đường dây chạy đất dự án”. Thực tế qua điều tra, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa lần lượt khởi tố thành 4 vụ án, với 4 tội danh và 4 nhóm đối tượng, nhưng tất cả đều đi về một hướng là tạo ra 71 bộ hồ sơ không đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ và cấp đất tái định cư (BTHT&TĐC), hay nói cách khác là giả mạo...
Từ việc khởi tố các vụ án…
Ngày 2/10/2017, Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ án “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”, theo Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999. Ngày 8/10/2017, Cơ quan CSĐT ban hành quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Khánh Hùng, trú tại phường Phước Long, thu một loạt giấy tờ giả mạo, liên quan đến việc BTHT&TĐC ở Dự án Hoàng Long.
Ngày 21/12/2017, Cơ quan CSĐT ban hành quyết định khởi tố vụ án “Giả mạo trong công tác”, theo Điều 284 Bộ luật Hình sự năm 1999 và khởi tố hắt tạm giam 2 bị can: Đỗ Thế Vinh và Nguyễn Ngọc Khánh, đều là nhân viên Dự án Hoàng Long; đồng thời khởi tố cho tại ngoại ông Huy Tôn Hạnh, Tổ trưởng tổ dân phố Phước Tín 3, phường Phước Long.
Trong vụ án này, Cơ quan điều tra còn khởi tố cho tại ngoại Võ Đức Cường, cán bộ địa chính - đô thị - môi trường phường Phước Long. Tuy nhiên, quá trình điều tra phát hiện Cường phạm một tội độc lập khác, là “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, cùng với bà Vũ Thị Mai Hương. Do đó, Cơ quan điều tra đã hủy quyết định khởi tố bị can đối với Võ Đức Cường về tội “Giả mạo trong công tác”.
Ngày 10/10/2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các bị can: Võ Đức Cường, Vũ Thị Mai Hưong về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, quy định tại Điều 230 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hội đồng xét xử phiên tòa ông Tòa và đồng bọn |
Ngày 21/11/2018, Cơ quan CSĐT ban hành quyết định khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, khởi tố bị can đối với các ông: Lê Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, Chủ tịch Hội đồng BTHT&TĐC; Võ Mỹ, chuyên viên Phòng quản lí Đô thị; Lương Như Giáp, chuyên viên Phòng Tài chính - Kế hoạch, thành viên Tổ công tác giúp việc Hội đồng, quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo Cơ quan điều tra, hành vi của các bị cáo trong vụ án “Giả mạo trong công tác” là tạo ra 71 bộ hồ sơ, không đủ điều kiện BTHT&TĐC theo quy định, với nhiều loại tài liệu giả mạo, trong đó có 2 bộ đã nhận bồi thường, hỗ trợ với số tiền gần 280 triệu đồng. Ngày 21/12/2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa ra Kết luận, chuyển hồ sơ vụ án “Giả mạo trong công tác” sang Viện KSND tỉnh Khánh Hòa, đề nghị truy tố 3 bị can: Đỗ Thế Vinh, Nguyễn Ngọc Khánh và Huy Tôn Hạnh về tội danh nói trên, được quy định tại Khoản 2, Điều 284 Bộ luật Hình sự năm 1999, tội có mức phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Viện KSND tỉnh Khánh Hòa ủy quyền cho Viện KSND TP Nha Trang truy tố 3 bị cáo ra TAND TP Nha Trang, để xét xử theo quy định của pháp luật.
Tháng 12/2019, TAND TP Nha Trang đưa vụ án ra xét xử, nhưng trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, đến nay (tháng 3/2020) Cơ quan điều tra chưa nhận được nội dung yêu cầu điều tra bổ sung của HĐXX. Ngày 24/9/2019, Viện KSND tỉnh Khánh Hòa ban hành Cáo trạng số 56/CT-KSKH-P1 và ngày 27/2/2020, TAND tỉnh Khánh Hòa đưa ra xét xử cả 2 vụ: “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, đối với bà Vũ Thị Mai Hương và ông Võ Đức Cường, theo Khoản 1, Điều 230 và vụ “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với các ông: Lê Huy Toàn, Võ Mỹ và Lương Như Giáp, theo Khoản 1, Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Các bị cáo trong giờ tuyên án (ông Toàn đứng giữa) |
… Đến các phiên tòa
Ngoài vụ án “Làm giả hồ sơ tài liệu của cơ quan tổ chức” đã bị đình chỉ, do bị can Nguyễn Khánh Hùng mắc bệnh hiểm nghèo, mất khả năng trí tuệ; vụ “Giả mạo trong công tác” bị TAND TP Nha Trang trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung. Hai vụ còn lại được kết luận chung và Viện KSND tỉnh Khánh Hòa ban hành Cáo trạng truy tố, TAND tỉnh Khánh Hòa đưa ra xét xử vào ngày 27/2/2020. Tại phiên tòa, trong quá trình thẩm vấn, đại diện Viện KSND và HĐXX đánh giá tính chất hành vi sai phạm của các bị cáo là rất nghiêm trọng, kéo dài, đi ngược lại chính sách, pháp luật của Nhà nước về BTHT&TĐC cho người dân có đất bị thu hồi, làm ách tắc sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, làm giảm lòng tin đối với Đảng và Nhà nước trong cán bộ, Nhân dân; gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, khi trình bày bản luận tội, vị đại diện VKS lại đề nghị mức án hết sức khó hiểu: Tất cả các bị cáo của 2 vụ đều nằm trong khung hình phạt từ 9 đến 18 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo!? Đề nghị của VKS gây phản ứng gay gắt trong dư luận của cán bộ, Nhân dân ngay trong chiều 27/2 và suốt buổi sáng ngày 28/2. Chiều 28/2/2020, HĐXX tuyên bán án, các bị cáo: Vũ Thị Mai Hương, Võ Đức Cường 18 tháng tù giam; Lê Huy Toàn 9 tháng tù giam; Võ Mỹ 6 tháng tù giam (chứ không phải án treo) và Lương Như Giáp 6 tháng tù cho hưởng án treo (chứ không phải tù giam). Đính chính, xin lỗi bạn đọc cùng 2 bị cáo Võ Mỹ và Lương Như Giáp.
Vị đại diện VKS tại phiên tòa |
Mức án mà HĐXX tuyên phần nào làm dịu bớt cơn phẫn nộ của dư luận. Nhưng ở một động thái khác, dư luận lại đặt ra nhiều vấn đề, mà theo chúng tôi là hết sức chính đáng. Đó là cần phải xem xét về thủ tục tố tụng ở các cơ quan tố tụng, cũng như tại phiên tòa. Tại sao Công ty UPGC là bị hại của vụ án, nhưng không được tống đạt Kết luận điều tra và Cáo trạng? Tại sao không được tham dự phiên tòa với tư cách bị hại? Cần phải xem xét lại thiệt hại vật chất trong vụ án này. Số tiền Công ty UPGC đã chi cho 4 hộ dân hay 2 hộ dân, trên 600 triệu đồng hay chỉ gần 280 triệu đồng? Khi thực hiện hành vi phạm tội, không ai nói thì dư luận cũng biết, mục đích của các bị cáo là hướng tới yêu cầu vật chất. Vậy tại sao các cơ quan tố tụng không chứng minh được được hành vi tham nhũng của các bị cáo? Đặc biệt, tất cả các bị cáo đều nằm trong đường dây, nhưng tại sao các cơ quan tố tụng không nhập vụ án để truy tố, xét xử, nhằm bảo đảm tính hệ thống và khách quan, mà lại tách ra nhiều phiên tòa? (Còn nữa)