Từ vụ án “chuyến bay giải cứu”, khi nào Toà xử dưới khung hình phạt?
Pháp luật - Bạn đọc 08/08/2023 09:58
Dưới góc độ pháp lí, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết: Áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ án hình sự là một hoạt động phức tạp trong việc thực hiện quyền tư pháp, bao gồm nhiều cơ quan tố tụng tham gia, trong đó tòa án là trung tâm và hoạt động xét xử là trọng tâm. Khi xét xử vụ án hình sự mà xác định bị cáo có tội thì Tòa án sẽ áp dụng hình phạt phù hợp đối với hành vi phạm tội của bị cáo. Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định: Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.
Hình phạt trong BLHS thì có hình phạt chính, hình phạt bổ sung, trong đó có 7 hình phạt chính bao gồm: Cảnh cáo, Phạt tiền, Cải tạo không giam giữ, Trục xuất, Tù có thời hạn, Tù chung than, Tử hình.
Ngoài các hình phạt chính thì người phạm tội còn có thể bị áp dụng một trong các hình phạt bổ sung như sau: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; Cấm cư trú; Quản chế; Tước một số quyền công dân; Tịch thu tài sản; Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính; Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.
54 bị cáo trong đại án "chuyến bay giải cứu". |
Về nguyên tắc thì đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
Theo quy định tại Điều 50 BLHS thì việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào 5 yếu tố là căn cứ vào quy định của BLHS; căn cứ vào tính chất mức độ hành vi phạm tội; căn cứ vào nhân thân người phạm tội; căn cứ vào tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và căn cứ vào tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, BLHS còn quy định trong trường hợp người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 1, Điều 51 BLHS năm 2015 thì Tòa án có thể xét xử bị cáo dưới khung hình phạt. Điều 54 BLHS năm 2015 quy định: Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 1 Điều 51 của BLHS.
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
Quy định tại Điều 54 BLHS năm 2015 về xét xử dưới khung hình phạt là một quy định có tính chất nhân đạo, mở rộng quyền để HĐXX xem xét trong việc quyết định hình phạt. Việc quyết định hình phạt dưới khung là chính sách, pháp luật tạo cơ hội để cho người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra trong việc phát hiện xử lí tội phạm, ngăn chặn giảm bớt thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, thể hiện ý thức chấp hành pháp luật, khả năng tự cải tạo.
Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự, việc áp dụng quy định về chuyển khung hình phạt theo điều 54 BLHS là khá phổ biến trong tố tụng hình sự Việt Nam. Mặc dù BLHS không quy định “mặc nhiên” có hai tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Khoản 1, Điều 51 BLHS là sẽ áp dụng Điều 54 BLHS năm 2015 để chuyển khung hình phạt mà quy định “trao quyền” cho HĐXX tuyên án phù hợp đối với từng bị cáo, từng vụ án, trong từng trường hợp cụ thể trên cơ sở các nguyên tắc và theo chính sách xét xử hình sự ở Việt Nam.
Qua tổng hợp thực tiễn xét xử của các cấp TAND đối với các vụ án hình sự cho thấy, tỉ lệ xét xử án treo, xét xử dưới khung hình phạt của tòa án là cao, được kiểm soát theo các nguyên tắc về cơ bản là xét xử đúng quy định pháp luật, thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật, có tính chất giáo dục, răn đe phòng ngừa chung cho xã hội, đạt hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy vẫn có những trường hợp áp dụng pháp luật không đúng, không phù hợp dẫn đến việc giải quyết vụ án chưa đúng nguyên tắc, mất công bằng, không bình đẳng, không thể hiện được mục đích răn đe phòng ngừa giáo dục trong giải quyết vụ án hình sự. Không ít bản án hình sự đã bị hủy, sửa bởi việc áp dụng pháp luật tùy tiện, sai nguyên tắc.
BLHS hiện nay quy định “tùy nghi” cho HĐXX trong việc có xét xử dưới khung hình phạt hay không khi bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định của BLHS. Tuy nhiên cho đến nay, không có văn bản hướng dẫn cụ thể là trường hợp nào sẽ áp dụng xét xử dưới khung hình phạt, trường hợp nào thì không áp dụng. Thực tiễn có những vụ án mặc dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tuy nhiên xét tính chất nghiêm trọng của vụ án, HĐXX vẫn áp dụng mức hình phạt cao nhất trong khung hình phạt (Ví dụ: Với những vụ án mua bán trái phép chất ma túy với khối lượng lớn. Bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục hậu quả nộp lại số tiền thu lợi bất chính, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong việc phát hiện xử lí tội phạm nhưng tòa án vẫn tuyên phạt ở mức hình phạt cao nhất, để phù hợp với tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy đang diễn biến phức tạp).
Việc quyết định hình phạt nào, mức hình phạt đến đâu thì không thể chỉ dựa vào khung hình phạt, nguyên tắc chuyển khung hình phạt mà còn phụ thuộc vào tính chất mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Từ đó có thể thấy, áp dụng pháp luật nói chung và áp dụng pháp luật hình sự nói riêng cần phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, những nguyên tắc đặc thù, thể hiện sự linh hoạt, mềm dẻo, khoa học sao cho bản án được tuyên ra phải thấu tình, đạt lí, có tác dụng cao trong việc giáo dục, răn đe, phòng ngừa cho xã hội.