Kháng cáo cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng trả lại tiền, liệu có khả thi?
Pháp luật - Bạn đọc 15/12/2023 08:57
Trong số các bị cáo có đơn kháng cáo, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và đề nghị Tòa buộc cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng trả lại số tiền hơn 18 tỉ đồng. Chuyên gia pháp lí có nhận định gì đối với trường hợp này?...
Theo đó, từ tháng 1 - 15/9/2022, bị cáo Hoàng Văn Hưng là Trưởng phòng Điều tra Cục An ninh điều tra, Bộ Công an, đồng thời là điều tra viên thụ lí chính vụ án “Chuyến bay giải cứu”. Ông Hưng đã nhiều lần trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội) về việc điều tra bà Hằng và ông Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky; hướng dẫn bà Hằng, thông qua bà Hằng hướng dẫn ông Sơn cách thức khai báo khi làm việc với Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.
Ông Tuấn khai đã đưa cho ông Hưng hơn 1,2 triệu USD, nhưng Cơ quan điều tra kết luận không có cơ sở xác định bị cáo Hưng nhận số tiền trên của ông Tuấn ở giai đoạn này.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng tại phiên toà sơ thẩm. |
Giai đoạn sau ngày 16/9/2022, khi ông Hưng bị điều chuyển công tác, dù không còn nhiệm vụ, quyền hạn trong việc điều tra vụ án, nhưng cựu điều tra viên vẫn tiếp tục liên hệ, hứa hẹn với ông Tuấn, bà Hằng về việc giúp bà Hằng, ông Sơn không bị xử lí hình sự.
Kết quả điều tra xác định, bị cáo Hưng 2 lần nhận từ ông Tuấn tổng số tiền 800.000 USD (tương đương hơn 18 tỉ đồng).
Đối chất tại phiên tòa sơ thẩm, ông Tuấn khai, đã nhiều lần đưa tổng số tiền hơn 2 triệu USD cho bị cáo Hưng. Hai lần đầu là do bà Hằng tự nguyện, những lần sau đều do ông Hưng yêu cầu.
Đối chất tại Tòa, bị cáo Hưng phủ nhận lời khai của ông Tuấn về việc nhận tiền, yêu cầu đưa tiền của bị cáo. “Bị cáo không yêu cầu Hằng đưa tiền để không bị xử lí hình sự… Bị cáo chưa bao giờ nhận khoản tiền nào mà anh Tuấn gửi cho bị cáo”, bị cáo Hưng khai.
Trả lời thẩm vấn tại phiên tòa sơ thẩm, với tư cách là bị hại trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn mong được nhận lại số tiền đã bị lừa đảo chiếm đoạt.
Dưới góc độ pháp lí, TS. luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Kết quả điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm, các cơ quan tiến hành tố tụng xác định, bị cáo Hưng có nhận của ông Tuấn số tiền là 800.000 USD, tương đương hơn 18 tỉ đồng nên kết tội bị cáo này về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tuyên phạt mức án là tù chung thân.
Tuy nhiên, bị cáo Hưng không nhận tội và kháng cáo kêu oan, còn bị cáo bị kết tội về tội đưa hối lộ và đồng thời cũng được xác định là người bị hại trong vụ án lừa đảo bà Hằng kháng cáo yêu cầu Hưng phải hoàn trả số tiền này.
Do có kháng cáo của bị cáo nên phần bản án này chưa có hiệu lực pháp luật. Tòa án phúc thẩm sẽ xem xét lại toàn bộ nội dung trên.
Trường hợp kết quả xét xử phúc thẩm tới đây, HĐXX nhận định đánh giá của Tòa án cấp sơ thẩm là có việc giao nhận tiền giữa Tuấn và Hưng thì sẽ bác kháng cáo của Hưng, kết tội Hưng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đồng thời sẽ giải quyết vấn đề dân sự liên quan đến số tiền hơn 18 tỉ đồng nêu trên. Đây là số tiền sử dụng vào mục đích bất hợp pháp (chạy án) nên rất có thể tòa án cấp phúc thẩm vẫn giữ nguyên nội dung này trong bản án sơ thẩm là tịch thu và xung vào công quỹ Nhà nước, buộc bị cáo Hưng phải nộp lại số tiền.
Theo luật sư Đặng Văn Cường: Nguyên tắc giải quyết xử lí về vật chứng trong vụ án hình sự được thực hiện theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy; Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước...
Nếu là vụ án lừa đảo thông thường, tài sản do phạm tội mà có, là vật chứng của vụ án sẽ bị tịch thu và trả lại cho người bị hại. Tuy nhiên trong vụ án này, việc đưa nhận tiền giữa các bị cáo không chỉ là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đơn thuần mà còn có hành vi đưa hối lộ.
Kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng xác định số tiền mà bị cáo bị lừa đảo là tiền có mục đích để đưa hối lộ, bởi vậy Tòa án sẽ xem xét để cân nhắc xác định có tịch thu sung công qũyNhà nước hay trả lại cho người bị hại số tiền này.
Nếu Tòa án cấp phúc thẩm vẫn xác định số tiền trên là sử dụng vào mục đích bất hợp pháp hoặc xác định số tiền bị cáo chiếm đoạt là do phạm tội mà có, nguồn gốc mục đích sử dụng là bất hợp pháp thì vẫn có quyền giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm về giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, về vấn đề xử lí vật chứng theo quy định của pháp luật.
Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết và cho rằng không đủ cơ sở để xác định số tiền hơn 18 tỉ sử dụng vào mục đích bất hợp pháp, đồng thời vẫn kết tội bị cáo Hưng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, khi đó bị cáo Hằng mới có cơ hội nhận lại số tiền.
Ngoài ra, trường hợp tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hưng, xác định bị cáo không phạm tội, không đủ căn cứ để kết tội đối với bị cáo, lúc này sẽ không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hằng về việc đòi số tiền hơn 18 tỉ đồng và sẽ không đòi lại được số tiền này từ bị cáo Hưng.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: “Đây là vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều bị cáo, nhiều mối quan hệ cá nhân giữa các bị cáo với nhau trước đó, nhiều bị cáo là người hiểu biết và đang kêu oan nên tòa án cấp phúc thẩm sẽ thận trọng trong việc xem xét đánh giá chứng cứ. Việc quyết định có chấp nhận kháng cáo của các bị cáo hay không sẽ căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa tới đây”.