Tỉnh Sóc Trăng: Khu đất xây Liên Hoa Bảo Tháp được quy hoạch ra sao?
Pháp luật - Bạn đọc 17/09/2019 09:15
5 khu đất được quy hoạch tại KCN An Nghiệp
Theo Quyết định số 43 ngày 9/5/2005 của UBND tỉnh Sóc Trăng, về việc ban hành Điều lệ quản lí xây dựng theo dự án đầu tư xây dựng KCN An Nghiệp, tại điểm 2 của Điều 2, Chương 1 quy định có 5 khu đất: Đất xây dựng nhà máy (178,03ha), đất Ban quản lí dịch vụ (7,16 ha), Công trình đấu mối kĩ thuật (4,15ha), đất cây xanh - mặt nước (40,12ha) và đất giao thông (27,84 ha). Như vậy, trong tổng diện tích 257,3ha của toàn KCN An Nghiệp, ngoài 5 khu đất trên không có khu đất nào dành để phát triển dịch vụ du lịch.
Trong Điều 5, Chương 1 của Điều lệ này, khu xây dựng Trung tâm điều hành có diện tích 7,16ha gồm: Văn phòng điều hành, cơ quan quản lí KCN; nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm... Điểm 2 của Điều 5 quy định các chỉ tiêu, chủ yếu để quản lí xây dựng khu Trung tâm điều hành được quy định cụ thể là: Văn phòng điều hành chiếm diện tích 2,32ha, Trung tâm giao dịch thương mại 1,14ha, Nhà triển lãm và trưng bày sản phẩm 2,56ha và các dịch vụ công 1,14ha.
Ngày 9/5/2018, xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 5886/BKHĐT-QLKKT ngày 23/8/2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kí Công văn số 1153/TTg-CN, về việc điều chỉnh quy hoạch các KCN tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, nhưng hoàn toàn không nhắc gì đến KCN An Nghiệp. Do đó, khu đất 7,16ha gồm Văn phòng điều hành, cơ quan quản lí KCN; nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm... tại KCN An Nghiệp theo Quyết định số 43 ngày 9/5/2005 của UBND tỉnh Sóc Trăng, hoàn toàn không có gì thay đổi.
Thông cáo báo chí của UBND tỉnh Sóc Trăng có sâu sát?
Dù Công văn số 1153/TTg-CN của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng không có chữ nào về điều chỉnh quy hoạch liên quan đến KCN An Nghiệp, nhưng khu đất "dịch vụ" tại KCN này lại được UBND tỉnh Sóc Trăng giao cho Công ty Tân Huê Viên, để thực hiện Dự án đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ Tân Huê Viên. Cụ thể, doanh nghiệp xây Liên Hoa Bảo Tháp, có tổng vốn đầu tư trên 500 tỉ đồng, có hình hoa sen, cao 68m, đường kính 119m. Tầng trên của công trình có tượng Phật Dược sư bằng đồng cao 6,8m, nặng 19 tấn, dát 88 lượng vàng 24K. Lễ đúc tượng thực hiện ngày 14/8/2019.
Ông Thái Tuấn lớn tiếng đe dọa nhà báo D.K. |
Trong một lần trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Trong, Trưởng ban Quản lí các KCN tỉnh Sóc Trăng xác nhận, Dự án do đơn vị này cấp phép xây dựng, vì nơi đây được quy hoạch khu dịch vụ. Theo ông Trong, Công ty Tân Huê Viên xây đài sen, bên trong đặt tượng nhỏ nhằm thu hút khách du lịch, chứ không có mục đích tôn giáo. "Nghị định số 82 của Chính phủ có nói về KCN đô thị. Vì vậy, tỉnh khuyến khích vừa thực hiện KCN, kết hợp phát triển đô thị dịch vụ du lịch" - ông Trong nói.
Ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Sóc Trăng cho rằng, Công ty Tân Huê Viên đặt tượng Phật Dược sư theo phong tục tín ngưỡng dân gian, không phải hoạt động tôn giáo. Theo ông Lý, xây tượng Phật Dược sư giống như một số điểm du lịch xây tượng Phật Di lặc. Điểm dừng chân của Công ty Tân Huê Viên, đã được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.
Thông tin ông Trong và ông Lý đưa ra có vẻ hợp lí, nhưng căn cứ Nghị định số 29 ngày 14/3/2008 của Chính phủ, về quản lí KCN, khu kinh tế, thì KCN An Nghiệp không đủ điều kiện quy hoạch KCN đô thị (từ 500ha trở lên). Trường hợp áp dụng Nghị định số 82 ngày 22/5/2018 về quản lí KCN, khu kinh tế, như giải thích của lãnh đạo Ban Quản lí các KCN tỉnh Sóc Trăng, thì KCN An Nghiệp muốn trở thành KCN Đô thị - Du lịch - Dịch vụ, cần bổ sung hồ sơ để Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, phê duyệt.
Ngày 13/9, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Sóc Trăng, đưa ra Thông cáo báo chí với nội dung: "Dự án đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ Tân Huê Viên, của Công ty Tân Huê Viên, đã được Ban quản lí các KCN tỉnh thẩm định, cấp giấy phép xây dựng theo quy định hiện hành. Theo Thông tư số 01/2018/TT-BVHTTDL ngày 18/1/2018 của Bộ VH-TT&DL, quy định chi tiết thi hành một số điều tại Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 2/10/2013 của Chính phủ, về hoạt động mĩ thuật, thì tượng Phật Dược sư này (của Công ty Tân Huê Viên) thuộc tác phẩm mĩ thuật điêu khắc, không phải là tượng đài, tranh hoành tráng. Việc Công ty Tân Huê Viên dự kiến đặt tượng Phật Dược sư bên trong tòa biểu tượng hình đài sen, đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng thẩm định phần kết cấu, chịu lực khi đặt tượng; đồng thời không phải lập thủ tục xin phép đặt tượng".
Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang, nói ở tỉnh An Giang nếu đặt một tượng Phật có quy mô lớn trong khu vực đã được Nhà nước xếp hạng, thì phải thành lập hội đồng xem xét, đánh giá rồi trình UBND tỉnh (nếu UBND tỉnh xếp hạng) hoặc Bộ VH-TT&DL (nếu Trung ương xếp hạng) cấp phép. Thành phần hội đồng được mời đánh giá là lãnh đạo Sở Xây dựng, Hội Văn học Nghệ thuật và các ngành liên quan.
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn luật sư TP Cần Thơ nói: "Thông cáo báo chí của Văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng, có nội dung không đi thẳng vào trọng tâm dư luận và truyền thông đã và đang đặt vấn đề. Đó là tạc, dựng tượng với quy mô và nội dung được đặt đúng vị trí hay không? Bởi đây là phần đất do Nhà nước quản lí cho thuê, nay một phần được sử dụng trái mục đích đất công nghiệp. Có hay không, sau khi đặt tượng, đơn vị quản lí sẽ sử dụng vào mục đích tâm linh thuộc phần đất công nghiệp? Rất tiếc, không hiểu vì sao, Thông cáo báo chí của Văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng không sâu sát nội dung mà dư luận hoài nghi?".
Cựu Trưởng Ban quản lí các KCN nói gì?
Ông Lâm Hùng Kiện, cựu Trưởng ban Quản lí các KCN tỉnh Sóc Trăng (nghỉ hưu năm 2017) cho biết: "Khu vực ông Thái Tuấn thuê để xây Liên Hoa Bảo Tháp, từng được doanh nghiệp ở Long An thuê xây nhà máy pha chế thuốc trừ sâu, nhưng 4 năm không thực hiện nên thu hồi. Phần đất còn lại được doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh thuê làm dự án trường học và trưng bày sản phẩm, nhưng sau đó trả lại. Ông Tuấn lúc đó có nhu cầu, nên giao luôn với mục đích cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Còn quy hoạch trước đây thì không có khu du lịch, vì khu công nghiệp làm gì có cái đó? Sau này UBND tỉnh có hữu hảo với Thái Tuấn hay không, tôi không biết".
Hơn một tuần trước (6/9), nhà báo D.K. đến gặp ông Thái Tuấn tại trụ sở Công ty. Vừa gặp mặt, ông Thái Tuấn lao vào định hành hung phóng viên, nhưng nhân viên của ông và các phóng viên ngăn lại. Ông Tuấn chỉ tay vào mặt nhà báo D.K nói: "Kinh doanh tâm linh? Mày nói cái gì? Mày nhớ tao không phải Nhà nước, tao là doanh nghiệp, muốn cắt thằng nào tao cắt. Mày đừng giỡn chơi với tao, tụi mày không có cửa đâu. Tao không sợ thằng nào hết. Nhiều người gọi vô đây nè, xin ý kiến tao, tao ừ một cái là mày với vợ con mày không có ở đây đâu".
Trong đơn gửi cơ quan công an, nhà báo D.K viết: "Kể từ thời điểm diễn ra sự việc cho đến nay, vợ con tôi và người thân trong gia đình vô cùng hoang mang, lo lắng. Bản thân tôi hoàn toàn suy sụp về tinh thần, tâm lí bất an, lo cho sức khỏe và tính mạng của bản thân và gia đình đang bị ông Tuấn đe dọa, nên phải liên tục thay đổi chỗ ở, làm xáo trộn đời sống gia đình".