Tỉnh Quảng Bình: “Nỗi niềm” của một người cao tuổi có nguy cơ mất nhà
Pháp luật - Bạn đọc 15/11/2023 09:26
Nội dung vụ việc
Theo đơn của ông Bùi Văn Điệp, năm 2002, ông là 1 trong 4 thành viên góp vốn sáng lập Công ty TNHH Phú Hải (Công ty Phú Hải) ở 299 Trần Hưng Đạo, phường Nam Lý, TP Đồng Hới. Thời điểm đó, ông Điệp đang làm cơ quan Nhà nước cho nên uỷ quyền để ông Bùi Văn Sử (ông Sử là anh trai ông Điệp) đứng tên trong Giấy đăng kí kinh doanh, đại diện pháp luật, kiêm Giám đốc Công ty Phú Hải (Biên bản thoả thuận).
Năm 2006, Công ty Phú Hải mở rộng hoạt động kinh doanh, tiếp tục kêu gọi các thành viên góp vốn. Ngày 1/12/2006, ông Điệp có tham gia kí kết thỏa thuận góp vốn cùng với các ông: Bùi Văn Sử, Đinh Ngọc Sơn (ông Sơn lúc đó là Phó Giám đốc Công ty Phú Hải) và Đinh Xuân Quang, với nội dung: “Thống nhất đầu tư mua sắm 1 sà lan Liên Xô đã qua sử dụng có dung tích 700m3 làm kho nổi đựng dầu Diesel tại cảng cá Sông Gianh. Để có vốn lưu động mua dầu Diesel, ông Điệp góp vốn bằng việc cho Công ty TNHH Phú Hải mượn thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số: X794795 do UBND thị xã Đồng Hới (nay là TP Đồng Hới) cấp ngày 18/2/2004, tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Quảng Bình để vay vốn. Đồng thời các thành viên Công ty Phú Hải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về giá trị tài sản của ông Điệp đã cho Công ty TNHH Phú Hải để thế chấp tại Ngân hàng”.
Ngôi nhà của ông Bùi Văn Điệp ở phường Nam Lý, TP Đồng Hới. |
Trước đó, ngày 29/9/2006, ông Điệp và bà Trần Thị Tuyết (vợ ông Điệp) có kí kết Hợp đồng bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba số: 02/2006 với Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Đồng Hới cho bên được bảo lãnh là Công ty Phú Hải với định giá tài sản vào thời điểm kí kết là: 2.323.000.000 đồng (lần 1).
Đầu năm 2010, dự án đầu tư nêu trên chấm dứt hoạt động do kinh doanh không hiệu quả, Công ty Phú Hải đã bán sà lan và thống nhất chia khoản lỗ của dự án cho từng cá nhân. Ông Điệp phải chịu lỗ là: 271.129.229 đồng.
Mặc dù dự án kinh doanh chấm dứt hoạt động, nhưng Công ty Phú Hải không tất toán khoản vay ngân hàng, trả lại tài sản cho gia đình ông Điệp mà tiếp tục dùng tài sản của vợ chồng ông để vay vốn nhằm phục vụ mục đích kinh doanh xăng dầu. Năm 2011, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Đồng Hới thay đổi mức định giá tài sản bảo lãnh của ông Bùi Văn Điệp lên đến 7.068.000.000 đồng (lần 2).
Ngày 30/4/2018, Công ty Phú Hải tiếp tục dùng GCNQSDĐ số: X794795 của gia đình ông Điệp thế chấp vay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Đồng Hới với số tiền là 24.592.276.900 đồng (lần 3).
Ông Điệp cho biết: “Việc vay vốn và nâng hạn mức bảo lãnh các khoản vay của Công ty Phú Hải tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Đồng Hới (nay là Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Quảng Bình - Phòng giao dịch Đồng Hới) 2 lần đầu đều được thông qua vợ chồng tôi. Tuy nhiên, lần nâng hạn mức bảo lãnh khoản vay lần 3 vào năm 2018, với số tiền 24.592.276.900 đồng, gia đình chúng tôi không hề hay biết”.
Nguyện vọng của người cao tuổi
Trong quá trình góp vốn làm ăn chung, do có nhiều mâu thuẫn, Công ty Phú Hải có đơn khởi kiện ông Điệp ra TAND TP Đồng Hới. Ngày 29/3/2019, TAND TP Đồng Hới đưa vụ án dân sự “Tranh chấp đòi lại tài sản” giữa Công ty Phú Hải và ông Điệp ra xét xử. Tại phiên toà, Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty Phú Hải, buộc ông Điệp phải trả cho Công ty Phú Hải số tiền: 6.894.312.286 đồng, trong đó tiền gốc là 2.876.443.525 đồng, tiền lãi là 4.018.142.601 đồng (Bản án sơ thẩm số: 04/2019/DS-ST).
Quyết định kháng nghị phúc thẩm |
Ngày 18/4/2019, Viện KSND TP Đồng Hới có Quyết định số: 02/QĐKNPT-DS, Kháng nghị phúc thẩm đề nghị TAND tỉnh Quảng Bình xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm số: 04/2019/DS-ST ngày 29/3/2019 của TAND TP Đồng Hới theo hướng áp dụng lãi suất 9% năm đối với nợ gốc là 2.876.443.525 đồng, từ ngày 21/4/2018 tới ngày 29/3/2019.
Ngày 6/11/2019, TAND tỉnh Quảng Bình đưa vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản” giữa Công ty Phú Hải và ông Điệp ra xét xử phúc thẩm. Tại phiên toà phúc thẩm, HĐXX chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty Phú Hải. Buộc ông Điệp phải trả số tiền 4.897.762.676 đồng, trong đó tiền gốc là 2.825.341.833 đồng, tiền lãi là 2.072.420.843 đồng (Bản án phúc thẩm số: 28/219/DS-PT).
Không đồng tình với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Quảng Bình và cho rằng vụ án có tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ việc, ông Điệp có đơn gửi TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị được xem xét vụ án theo thủ tục tái thẩm.
Ông Điệp cho biết: “Do 2 bản án của TAND TP Đồng Hới và TAND tỉnh Quảng Bình chưa khách quan, nhiều nội dung tôi kiến nghị chưa được làm sáng tỏ. Từ năm 2006 - 2014, tôi và Công ty Phú Hải có một số hoạt động hợp tác làm ăn và có vay mượn tiền. Nhưng sau vụ tai nạn khủng khiếp năm 2014, ông Sử bị chết, tôi phải nằm viện và mất 71% sức khoẻ. Lợi dụng hoàn cảnh đó, ông Đinh Ngọc Sơn chuyển một số khoản nợ trong giai đoạn hợp tác kinh doanh cho tôi, nhằm chiếm đoạt phần góp vốn bằng tài sản của gia đình tôi. Đặc biệt trong các khoản nợ mà ông Sơn chuyển từ khoản đầu tư của Công ty Phú Hải cho tôi có khoản đầu tư vào dự án tại Phú Quốc do Công ty CP Dịch vụ-Sản xuất và Đầu tư Việt Nam là chủ đầu tư với số vốn góp 1.263.302.500 đồng do chính ông Sơn là người thực hiện và đại diện cho Công ty Phú Hải góp vốn, tôi chỉ là người đại diện của Công ty Phú Hải tại Dự án và tham gia các buổi làm việc với Công ty CP Dịch vụ-Sản xuất và Đầu tư Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi dự án không thành công, do ông Phạm Văn Tưởng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ - Sản xuất và Đầu tư Việt Nam không có mặt tại địa phương thì khoản đầu tư trên được ông Sơn “gán” nợ cá nhân của tôi và liên tục tính lãi suất từ năm 2009. Đến nay, tôi tìm gặp ông Ngô Nhật Đăng. Ông Đăng là người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án, ông Đăng đồng ý sẽ xác nhận làm chứng công nợ trong dự án trên. Đây là tình tiết mới để tôi đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét lại vụ án theo thủ tục tái thẩm”.
Được biết, ông Điệp cũng có đơn tố giác tội phạm về dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ông Đinh Ngọc Sơn gửi Công an tỉnh Quảng Bình và Bộ Công an.
Luật sư Đặng Thái Hà, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết: Khi các bên không còn hợp tác kinh doanh, thì Công ty TNHH Phú Hải phải trả lại tài sản cho ông Điệp. Nếu Công ty Phú Hải cố tình chiếm dụng tài sản của ông Điệp, bảo đảm cho khoản vay tại ngân hàng cho vào mục đích kinh doanh, đây là hành vi có dấu hiệu “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Bộ luật Hình sự. Ở vụ án này, cần tách rời hai vụ việc. Một là việc ông Điệp góp vốn vào Công ty Phú Hải, hai là việc ông Điệp nợ Công ty Phú Hải. Theo đó, nghĩa vụ nợ của ông Điệp đối với Công ty Phú Hải thì ông Điệp phải thực hiện nếu các khoản nợ được hai bên xác nhận là đúng. Ngoài ra, cần phải làm rõ việc Công ty Phú Hải dùng GCNQSDĐ số: X794795 vay 24.592.276.900 đồng (năm 2018) khi không được sự cho phép của gia đình ông Điệp. |