Xác định sai nguồn gốc đất, cắt xén tiền đền bù hỗ trợ?
Tại khoản 2, Điều 12, Nghị định số 188/2004 NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất, quy định: “Khu vực đất giáp ranh giữa các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Ngày 27/7/2016, Thanh tra Chính phủ có Văn bản số 1976/TTCP-C1 nêu rõ:“Xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm là xã giáp ranh nội thành, được công nhận tại Quyết định số 199/2004/QĐ-UB ngày 29/12/2004”. Theo bản đồ hành chính năm 2004 của xã Cổ Nhuế (tỉ lệ 1/2500), thì phần lớn diện tích đất trên địa bàn được quy định là đất quy hoạch, đất dân cư và đất chuyên dùng. Hàng năm, UBND TP Hà Nội ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khi Nhà nước thu hồi đất.
Đó là căn cứ pháp luật do Nhà nước và UBND TP Hà Nội ban hành, khẳng định các dự án thu hồi đất trên địa bàn xã Cổ Nhuế từ năm 2005 đến nay, phải được xác định là đất chuyên dùng, đất xen kẹt khu dân cư, đất ven các tuyến đường lớn Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, đường Trần Cung… để áp các giá đền bù đúng quy định. Thu hồi đất tại thời điểm nào, áp giá bồi thường hỗ trợ tại thời điểm đó.
Theo Báo cáo số 33/BC-BTNMT ngày 16/3/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Cổ Nhuế có 11/20 dự án đang triển khai bị khiếu kiện, trong đó có 4 dự án khiếu kiện đông người, gồm khu đô thị Thành phố Giao lưu, Khu đô thị mới Cổ Nhuế, Tổ hợp trung tâm xúc tiến và Văn phòng cho thuê, Dự án đầu tư tổ chức triển khai phát triển thương mại… Không chỉ khiếu nại về đền bù, hỗ trợ, tái định cư có liên quan đến các dự án, các công dân xã Cổ Nhuế còn phản ánh có dấu hiệu sai phạm thu hồi quản lí đất đai, quản lí kinh tế của UBND xã Cổ Nhuế trong nhiều thập kỉ qua. Song thực tế báo cáo của chính quyền giải quyết khiếu nại của công dân chưa giải quyết hết các nội dung khiếu nại, chỉ đi sâu về nội dung khiếu nại quyền lợi của công dân khi bị thu hồi đất, còn liên quan đến dấu hiệu sai phạm quản lí đất đai, kinh tế của địa phương chưa có cuộc thanh tra chuyên ngành, do đó còn để sót sai phạm, không ít cán bộ có sai phạm vẫn được thăng cấp lên làm cán bộ UBND huyện Từ Liêm, nay là quận Bắc Từ Liêm.

Khu CT2 đất xây dựng nhà để bố trí tái định cư tại chỗ cho các hộ bị thu hồi đất.
Công trình xây xong và bán hết căn hộ, các hộ mất đất vẫn chưa được tái định cư
Trong các báo cáo giải quyết khiếu nại của công dân Cổ Nhuế, các văn bản của UBND huyện Từ Liêm, UBND TP Hà Nội đều không xác định rõ các căn cứ pháp luật nguồn gốc đất của người dân bị thu hồi như đã viện dẫn ở trên, do đó không thể giải quyết rõ nguồn gốc, nguyên nhân của khiếu kiện. Các văn bản pháp luật của Nhà nước và thành phố ban hành về bồi thường hỗ trợ và các khoản bồi thường khác, như chi phí vận chuyển, hỗ trợ công trình xây dựng, bồi thường đối với công trình hạ tầng cơ sở, di chuyển mồ mả, vật nuôi cây trồng, các chính sách hỗ trợ khác vẫn chỉ là trên giấy. UBND huyện Từ Liêm vẫn áp giá đất nông nghiệp để đền bù cho dân, gây thiệt hại lớn cho người bị mất đất.
Những góc khuất trong dự án thu hồi đất trên địa bàn xã Cổ Nhuế từ năm 2005 đến nayTrong phạm vi bài viết này không thể đề cấp tới 11 dự án đang bị khiếu kiện ở Cổ Nhuế và những dấu hiệu sai phạm quản lí của UBND xã, mà chỉ đề cập tới một số dự án điển hình liên quan đến việc bồi thường hỗ trợ, GPMB với người dân bị thu hồi đất.
Điển hình là Dự án Thành phố Giao lưu, thực hiện theo Quyết định số 5994/QĐ-UB ngày 28/8/2002 của UBND TP thu hồi 1.064.735m2 đất tại xã Cổ Nhuế. Ngày 18/6/2004 UBND TP kí Quyết định số 3823/QĐ-UB về việc thu hồi diện tích 973.977m2 tại thị trấn Cầu Diễn, phường Mai Dịch và xã Cổ Nhuế, đây là quyết định có giá trị pháp lí làm cơ sở xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư GPMB. Ngày 11/4/2007, UBND TP Hà Nội lại có Quyết định số 1354/QĐ-UBND điều chỉnh dự án còn 911,540m2. Góc khuất của dự án này về phía chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Quốc tế Vigeba được thành lập ngày 2/7/2001, vốn của 3 cổ đông 90 tỉ đồng, tổng mức đầu tư Dự án Thành phố Giao lưu phê duyệt 500 triệu USD. Hiện dự án này có nhiều chủ đầu tư mới tham gia và được tách ra làm nhiều dự án riêng. Liên quan đến dự án này, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo số 2923 thông báo kết luận thanh tra số 1203/KL-TTCP ngày 16/5/2017 của Thanh tra Chính phủ, chỉ ra hàng loạt sai phạm của khu đô thị Thành phố Giao lưu do Công ty CP đầu tư xây dựng quốc tế Vigeba làm chủ đầu tư.
Theo kết quả rà soát của Thanh tra Chính phủ số 1976/TTCP-C1 ngày 27/7/2016, chỉ ra Quyết định số 2227/QĐ-UB ngày 27/8/2003 của UBND huyện Từ Liêm, do Chủ tịch Nguyễn Cao Trí, kí phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ 365 hộ dân, giai đoạn1 Dự án Thành phố Giao lưu tại xã Cổ Nhuế. Đơn giá bồi thường đất nông nghiệp hạng 1 là 112.110 đồng/m2. Ngày 3/11/2004, tại Quyết định số 3378/QĐ-UB, UBND huyện Từ Liêm nâng mức bồi thường đợt 1 của 365 hộ từ 112.110 đồng/m2 lên 130.000 đồng/m2. Cùng ngày UBND huyện Từ Liêm có Quyết định số 3379/QĐ-UB phê duyệt phương án bồi thường đợt 2 cho 454 hộ mức bồi thường 130.000 đồng/m2, theo quy định tại Văn bản số 1912/UB-NNĐC ngày 4/6/2004. Chỉ tính riêng 2, có 819 hộ dân theo quy định được bồi thường 130.000 đồng/m2.
Nhưng thực tế người dân có đơn khiếu nại theo Quyết định số 99/2003 ngày 21/8/2003, UBND TP điều chỉnh một số quy định bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn, người mất đất được hỗ trợ 25.000 đồng/m2 để đào tạo để chuyển đổi nghề, hỗ trợ đặc biệt 35.000 đồng/m2, tổng 3 khoản bồi thường hỗ trợ theo quy định người dân sẽ được 190.000 đồng/m2, thế nhưng Hội đồng GPMB của huyện Từ Liêm chỉ trả cho người dân 130.000đồng/m2, có dấu hiệu ăn chặn bớt rút 60.000 đồng/m2. Đề nghị Thanh tra làm rõ 819 hộ dân bị thu hồi tổng diện tích là bao nhiêu, mỗi mét vuông bị ăn chặn 60.000 đồng, số tiền ăn chặn của dân là bao nhiêu tỉ đồng? Đối với phương án bồi thường 4 đợt sau (đợt 3,4,5 và 6) trong các năm 2008, 2009 và 2012 đất của Dự án Thành phố Giao lưu xã Cổ Nhuế phải được chuyển đổi là đất chuyên dùng theo bản đồ hành chính năm 2004, là đất giáp ranh đô thị và đất ven đường Phạm Văn Đồng, để phê duyệt phương án bồi thường cho bao nhiêu hộ diện tích bao nhiêu? Không thấy UBND huyện, UBND TP và Thanh tra Chính phủ đề cập theo khiếu kiện của dân, mà chỉ nêu tại thời điểm này giá bồi thường mỗi mét vuông là 201.600 đồng/m2, như giá đất của các vùng ngoại thành xa thành phố. Khoản tiền bớt xén bồi thường không đúng nguồn gốc đất của 4 đợt bồi thường từ năm 2008, 2009 và 2012 là bao nhiêu tỉ đồng chưa được thanh tra làm rõ. (Còn nữa)
Trần Thị Thực