Nhiều người dân ở thôn Vân Cát cho rằng kết quả khảo sát, nghiên cứu chưa chính xác
Pháp luật - Bạn đọc 29/03/2022 08:02
Theo tìm hiểu của phóng viên, phủ Vân Cát là một trong những phủ chính thuộc khu di tích Phủ Dầy. Phủ nằm phía bắc thôn Vân Cát, xã Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định, cách phủ Tiên Hương chừng 1km. Phủ nằm giữa đền làng Vân Cát và chùa Long Vân nơi thờ Phật, vì thế tạo nên một quần thể thờ Phật-Mẫu-Thần. Cùng với phủ Tiên Hương và lăng Mẫu Liễu Hạnh, phủ Vân Cát đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1975, nhờ những giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh của dân tộc.
Hình ảnh phủ Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định |
Theo nội dung văn bia “Thánh Mẫu cố trạch linh từ bi ký” niên hiệu Thành Thái Tân Sửu (1901), hiện đang lưu giữ tại di tích thì phủ Vân Cát được xây dựng vào niên hiệu Cảnh Trị (1663-1671); Trùng tu, mở rộng vào thời Cảnh Thịnh (1793-1801); Tự Đức Kỷ Mão (1879); Thành Thái 10 (1898); Thành Thái 12 (1900)…
Tổng 29 hiện vật khảo sát, nghiên cứu có 17 hiện vật đã được thống kê trong Bản thống kê hiện vật của Hồ sơ di tích năm 2020, còn 12 hiện vật chưa được thống kê. Trong 12 hiện vật chưa thống kê gồm 4 hiện vật trước khi lập hồ sơ xếp hạng năm 2020, không có tại di tích như: Ngai thờ Vương phụ, Vương mẫu, bài vị thờ Vương phụ, Vương mẫu (cung đệ nhất); 2 hiện vật cơ quan chuyên môn chưa tiếp cận được trong quá trình lập hồ sơ xếp hạng; 1 dấu ấn ngọc, 01 dấu ấn ngà (cung đệ nhất); 6 hiện vật vốn có tại di tích, nhưng chưa thống kê; 1 quả chuông (cung đệ Tứ); 1 kiếm chất liệu đá (cung đệ Tam), 2 chén sứ (cung đệ Tam), 2 bình sứ (cung đệ Tứ).
Người dân thôn Vân Cát bức xúc về kết quả khảo sát, nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Nam Định cùng một số nhà khoa học và việc chính quyền địa phương đề nghị người dân tháo biển phủ Vân Cát đang treo như hiện nay |
Nhiều người dân thôn Vân Cát, xã Kim Thái bức xúc khi Báo cáo số 19/BC-TCT ngày 11/2/2021 của Tổ công tác khảo sát, nghiên cứu hiện vật tại phủ Vân Cát của Bảo tàng tỉnh Nam Định kết luận: “Hiện nay, phủ Vân Cát đang lưu giữ 19 “sắc phong”, trong đó có 01 Sắc phong gốc niên đại Đồng Khánh 2 (1887) cho xã Lệ Thụy, huyện Nam Xương, tỉnh Hà Nội không liên quan đến di tích phủ Vân Cát. Còn lại 18 “sắc phong” chỉ là 18 tờ tư liệu viết chữ Hán, Nôm được bảo quản trong hòm đựng Sắc phong tại di tích phủ Vân Cát. Tất cả 18 tờ tư liệu trên đều không phải là bản gốc mà được ngụy tạo, làm nhái, làm giả sắc phong của triều Hậu Lê và triều Nguyễn vào những thập niên đầu thế kỉ XXI. (chi tiết xem tại Tổng thuật về nhóm tư liệu được bảo quản trong hộp đựng sắc phong tại phủ Vân Cát do TS. Chu Xuân Giao, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện năm 2022). Những tư liệu này được tùy tiện đưa vào di tích, không có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Vì vậy, cơ quan chuyên môn không đưa vào cuốn Lý lịch di tích cũng như Bản thống kê hiện vật khi xây dựng hồ sơ xếp hạng năm 2020”.
Cụ Trần Nhung (93 tuổi) bức xúc về sự việc |
Các cụ cao tuổi cho rằng, “…Việc Tổ khảo sát, nghiên cứu của Bảo tàng Nam Định và TS. Chu Xuân Giao, Viện nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng Tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến, Ủy viên Hội đồng giám định cổ vật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ quan, đánh giá không đúng với giá trị 18 Đạo sắc phong của phủ Vân Cát được Phòng bảo quản, Viện nghiên cứu Hán, Nôm xác nhận ngày 6/10/2021. Ngoài ra, ông Giao, ông Chiến quy chụp tổ tiên chúng tôi trước những năm 1945 và người cao tuổi, cùng Nhân dân hiện đang sống tại thôn Vân Cát là những người ngụy tạo, đánh lừa những người không có chuyên môn về sắc phong trong bản tổng thuật của mình”.
Cụ Trần Văn Chuân (85 tuổi) bức xúc về kết quả khảo sát, nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Nam Định cùng một số nhà khoa học và việc chính quyền địa phương đề nghị người dân tháo biển phủ Vân Cát |
Ngoài ra, cũng theo phản ánh của người dân, sau khi có báo cáo về kết quả khảo sát, nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Nam Định, chính quyền địa phương đã đề nghị Ban quản lý phủ tháo dỡ biển đang treo như hiện nay, chính điều này đã gây bức xúc cho người dân trong thôn.
Bà Trần Thị Thụ (bên phải, hàng đầu) và nhiều phụ nữ trong thôn phản đối về kết quả khảo sát, nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Nam Định cùng một số nhà khoa học và việc chính quyền địa phương đề nghị người dân tháo biển phủ Vân Cát |
Nguyện vọng của Nhân dân tại thôn Vân Cát là, để đảm bảo an ninh trật tự địa phương, tránh gây mất đoàn kết trong Nhân dân, mong muốn các cấp có thẩm quyền cho treo biển như hiện nay đối với phủ Vân Cát và phủ Tiên Hương, nếu không được thì cần đặt tên đúng theo hồ sơ tài liệu gốc, không có việc phủ Tiên Hương treo biển phủ chính, mà phủ Vân Cát lại không được. Đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định vào cuộc, xác minh lại toàn bộ sắc phong cùng các di vật, con dấu, hiện vật...của phủ Vân Cát và phủ Thiên Hương.
Để có thông tin khách quan, đa chiều và chính xác về phản ánh của Nhân dân, phóng viên đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND xã Kim Thái, UBND huyện Vụ Bản, Bảo tàng tỉnh Nam định, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Đinh. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ các cơ quan nêu trên.
Ngày Mới Online (Tạp chí Người cao tuổi) sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.