Huyện Thanh Oai, TP Hà Nội: Cần thanh tra những nội dung công dân phản ánh
Pháp luật - Bạn đọc 16/12/2020 09:34
Bởi, diện tích đất xã Bích Hòa không nằm trong quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Hà Tây (cũ), để thực hiện dự án Khu đô thị (KĐT) Thanh Hà A, B. Ngoài ra, khu vực Xứ Sau Đồng nằm ngoài dự án cũng bị lấy một phần, dẫn đến phần đất còn lại của Nhân dân bị ngập, úng không canh tác được. Thêm vào đó là dấu hiệu chi khống, gây thất thoát tiền ngân sách gần 5 tỉ đồng, trong việc bồi thường, hỗ trợ tài sản, cây cối hoa màu di chuyển mộ và mở rộng nghĩa trang của dự án. Lãnh đạo thôn Thượng không họp dân, tự ý kí hợp đồng xây dựng nghĩa trang, giả mạo chữ kí để quyết toán công trình...
Dấu hiệu chi khống
Dự án KĐT Thanh Hà A và B đến nay đã về Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh (Công ty Mường Thanh). Năm 2016, Công ty Mường Thanh do ông Lê Thanh Thản đứng đầu đã mua lại 95% cổ phần của Công ty CP Phát triển Địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land), qua đó giành quyền chi phối Dự án KĐT Thanh Hà.
Như thông tin trước đó, ngày 13/2/2010, UBND huyện Thanh Oai có Quyết định số 184/QĐ-UBND về phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án KĐT Thanh Hà - Cienco 5 tại địa bàn thôn Thượng, xã Cự Khê. Trong phần kinh khí bồi thường, hỗ trợ tài sản, cây cối hoa màu và di chuyển mộ với số tiền 5.605.159.930 đồng, có phần bồi thường di chuyển mộ có chủ và chưa có chủ 5 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Sâm chỉ cho PV biết khu vực bị Công ty Mường Thanh xây dựng chiếm 300m2 đất quy hoạch ma tươi. |
Căn cứ biên bản họp dân ngày 20/8/2012, ông Hoàng Bách Thảo, Bí thư Chi bộ thông báo đến Nhân dân biết hai nghĩa trang quy hoạch và mở rộng khu vực ma khô và ma tươi là 7.000m2 (ma khô 5.700m2, ma tươi 1.300m2) và 1.700m2 đất khu vực Man Sỏi để ma tươi được bỏ ra. Như vậy, tổng diện tích khoảng 8.700m2. Trước đó, Cienco 5 trồng cây xanh bao quanh khu nghĩa trang của Nhân dân. Nhưng đến năm 2016, bà Sâm phát hiện, Công ty Mường Thanh đã tiến hành xây dựng tường bao góc phía Tây Bắc, khu quy hoạch ma tươi xây dựng thành 2 bức tường vuông góc (phía Tây và phía Bắc), dẫn đến việc đất nghĩa trang bị mất khoảng 300m2. Năm 2016, một số ngôi mộ lâu đời của Nhân dân cũng bị Công ty Mường Thanh xây dựng bờ bao xung quanh, khu vực Sau Lăng và Sau Đống lấn chiếm khoảng hơn 2.000m2, vượt qua hàng cây Cienco 5 trước đó đã trồng ngăn cách đất dự án với đất nghĩa trang của Nhân dân.
Trong bản đồ của Công ty Cienco 5, nghĩa trang Sau Lăng đã ghi và vẽ nhiều mả giả để hưởng đền bù trong số tiền 5 tỉ đồng. Trong khi biên bản ngày 10/2/2010, Công ty địa ốc Cienco5 bàn giao mốc giới nghĩa trang khu vực ma tươi cho Nhân dân thôn Thượng là 3.000m2 khu vực Man Sỏi, Sau Lăng giao cho cán bộ thôn Thượng quản lí.
Khu vực Xứ Sau Đồng, không nằm trong khu vực thu hồi Dự án KĐT Thanh Hà A,B nhưng cũng bị Công ty Mường Thanh và Cienco 5 thu hồi một phần. |
Nhưng người dân cho rằng là phương án chi khống, khi chỉ có 5 ngôi mộ vô danh không chủ và 2 ngôi mộ của gia đình bà Sâm. Bà Sâm là người dân sống từ nhỏ tại địa phương, nên nắm rõ khu vực nghĩa trang. Trong khi phản ánh, chính quyền không kịp thời ngăn chặn, dẫn đến cán bộ thôn cho họ hàng đắp mộ giả, dựng lăng vào khu vực để được đền bù tiền di chuyển (nằm trong số tiền 5 tỉ đồng).
Đến năm 2015, ông Hoàng Bách Thảo (Bí thư chi bộ) và ông Nguyễn Hữu Tuất (Trưởng thôn) tự ý đứng ra lấy đất, chia đất nghĩa trang khu vực ma tươi Sau Lăng cho Nhân dân 6 họ với diện tích khoảng 1.300m2. Họ Hoàng do ông Thảo đứng ra nhận,… còn diện tích đất khu vực nghĩa trang ma khô Sau Đống, cán bộ thôn cùng với Công ty Mường Thanh xây dựng tường bao quanh cắt khoảng 2.000m2 đất để chia và bán ra thị trường.
Bà Sâm cũng cho rằng, có “nhóm lợi ích” tại cơ sở thôn Thượng và thôn Mỹ, xã Cự Khê tự ý kí hợp đồng để doanh nghiệp xây dựng các hạng mục nghĩa trang thôn Thượng trong khi dân không được họp, không biết. Cụ thể, trong Biên bản họp dân ngày 20/8/2012, Nhân dân bàn và quyết không xây dựng gì trên khu vực nghĩa trang thôn Thượng. Nhưng cán bộ, lãnh đạo thôn Thượng gồm các ông: Hoàng Bách Thảo, Bí thư Chi bộ; Nguyễn Hữu Tuất, Trưởng thôn; ông Lê Đức Phát; bà Lê Thị Thanh, ông Nguyễn Hữu Hùng, ông Nguyễn Tín Sâm,… trước đó đã tự ý kí Hợp đồng thi công xây dựng số 02/2012/HĐ-XDCB ngày 2/2/2012, với Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Xây dựng Thắng Lợi để xây dựng nhà đòn, san lấp mặt bằng khu nghĩa trang Đổ và chôn cọc bê tông, xây dựng bể đốt ván San nền, đổ bê tông nhà tang lễ, xây bể nước nhà văn hóa, với giá trị 407.727.000 đồng.
Khu đất Chéo Áo xã Bích Hòa. |
Tổng các hạng mục công trình là 407.727.000 đồng đã được ông Lê Việt Hùng, Phó thôn chi trả, kí thanh quyết toán. Trong khi hạng mục đắp bờ, đổ đất san nền chỉ hết số tiền 7 triệu đồng (cháu bà Sâm là người trực tiếp chở đất để san nền, trong tổng số tiền đắp bờ, san nền công trình là 129.647.212 đồng), nhưng ông Hùng lại kí để quyết toán với số tiền hơn 100 triệu đồng, gây thiệt hại cho Nhân dân. Còn theo ông Nguyễn Hữu Hùng và bà Lê Thị Thanh giải trình, ông Hùng và bà Thanh không kí trong biên bản nghiệm thu, thanh lí Hợp đồng số 02/HĐ/XD ngày 31/12/2012, giữa chủ đầu tư gồm ông: Nguyễn Hữu Tuất, Trưởng thôn; Lê Việt Hùng, Phó thôn, ông Hoàng Bách Thảo, Bí thư Chi bộ chứng kiến, ông Nguyễn Hữu Hùng, giám sát… mà do ông Lê Việt Hùng, Phó thôn Thượng tự ý giả mạo chữ kí.
Được biết, theo hạng mục thi công xây dựng theo hợp đồng trên thì: Nhà đòn để xe tang 133.417.866 đồng; Bể đốt ván 13.125.229 đồng; Sân nhà tang lễ 30.602.436 đồng; cung cấp và chôn cọc bê tông 41.234.866 đồng; đắp bờ đất san nền công trình 129.647.212 đồng; bể nước, sân nhà văn hóa 59.699.643 đồng. Nhưng biên bản họp kiểm kê tài chính, tài liệu, tài sản thôn Thượng nhiệm kì 2011-2013 ngày 18/4/2014, lãnh đạo thôn Thượng lại bắt Nhân dân phải trả số tiền 404.272.000 đồng tiền xây dựng riêng nhà đòn khu ma tươi, nếu hết ngày 31/3/2013 không thanh toán được thì phải chịu lãi suất ngân hàng. Do vậy, Nhân dân không nhất trí và bà Sâm đứng ra viết đơn tố cáo. Sau khi bà Sâm tố cáo thì gia đình bà nhận được phong bì (vô danh) chuyển phát nhanh đến, trong đó ghi “Sâm, mày là con chó dại, sẽ cho mày biết, đợi đấy”.
Khu vực không bị thu hồi cũng bị đưa vào diện thu hồi
Khu vực Chéo Áo là đất nông nghiệp của xã Bích Hòa, với diện tích khoảng 8,3ha. Ngày 30/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây có Quyết định số 3219/QĐ-UBND về việc thu hồi 2.789.912,8m2 đất trên địa bàn xã Cự Khê, chuyển mục đích thành đất phi nông nghiệp thực hiện dự án Đầu tư xây dựng KĐT Thanh Hà A,B do Công ty Mường Thanh (95%) và Công ty CP Phát triển Địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) là chủ đầu tư. Tuy nhiên không hiểu sao, diện tích 8,3ha đất khu vực Chéo Áo của xã Bích Hòa lại được chủ đầu tư đưa vào diện thu hồi? Sau khi các hộ dân bị tỉnh Hà Tây (cũ) và UBND huyện Thanh Oai đưa khu đất trên vào phần diện tích đất bị thu hồi, thì các hộ dân phản ánh. Hiện nay, diện tích đất khu vực Chéo Áo trên thể hiện đất cá thể hộ ông Mạnh Thảo là 0,108ha; đất giao theo Nghị định 64 cho hộ ông Khanh Nhận là 0,024ha; đất công ích là 5,8716ha; UBND xã Bích Hòa đã giao thầu cho 93 hộ từ năm 1992 là 4,4613ha, số diện tích còn lại là rãnh, mương và diện tích khó giao. Sau khi Nhân dân phản ánh, thì diện tích đất khu vực Chéo Áo, chủ đầu tư chưa sử dụng và bỏ hoang nhiều diện tích đất từ đó đến nay.
Đồng thời, khu vực Xứ Sau Đồng, không nằm trong khu vực thu hồi Dự án KĐT Thanh Hà A,B, nhưng cũng bị Công ty Mường Thanh và Cienco 5 thu hồi một phần. Phần đất còn lại một bên giáp dự án KĐT Thanh Hà A, B; một bên giáp khu dân cư dẫn đến toàn bộ khu vực trên bị ứ, đọng nước tạo thành ao, Nhân dân không canh tác, nay bị bỏ hoang? Những cũng không có bất kì động thái nào từ phía chính quyền hay chủ đầu tư.
Trước đó, phóng viên đặt lịch với UBND huyện Thanh Oai để làm rõ thêm thông tin phản ánh của bà Sâm, nhưng đến nay UBND huyện Thanh Oai chưa phản hồi thông tin theo đúng Luật Báo chí. Tạp chí Người cao tuổi đề nghị UBND huyện Thanh Oai làm rõ thông tin phản ánh của người cao tuổi, bảo đảm quyền và lợi ích cho công dân.