Hủy bản án sơ thẩm tuyên chung thân đối với Phạm Thanh Hải, vì thiếu căn cứ trong điều tra.
Pháp luật - Bạn đọc 11/05/2019 09:27
Người làm đơn tố cáo khai rung động phiên tòa
Trong 2 ngày 9 và 10/5/2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa bị cáo Phạm Thanh Hải, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế - IDT, chủ trang mạng “học làm giàu”) ra xét xử phúc thẩm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Phóng viên Báo Người cao tuổi, Báo Ngày mới online đã tham dự và ghi nhận được những diễn biến tại phiên tòa.
Quyết định khởi tố vụ án số 36 và Quyết định khởi tố bị can số 63 đối với ông Hải về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, căn cứ vào đơn của bà Lê Thị Hằng, nguyên Tổng Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ người nghèo đã bị Cơ quan An ninh khởi tố bắt tạm giam ngày 28/3/2017, vì đã tổ chức Chương trình “Trái tim Việt Nam” chiếm đoạt 8,8 tỉ đồng tiền của những người tham gia, là người có 8 tỉ đồng ủy thác cho ông Hải đầu tư vào dự án của Công ty IDT (hợp đồng chưa đến thời hạn thanh toán). Nhưng hồ sơ án sơ thẩm lại không có đơn tố cáo của bà Hằng, do đó bị cáo và những người bị hại đề nghị tòa phúc thẩm triệu tập bà Hằng đến đối chất tại tòa.
Được dẫn giải đến tòa, bà Hằng đã làm rung động phiên tòa bởi lời khai “Do bà Hằng có mối quan hệ với bà Loan (vợ cũ của một Bộ trưởng), bà Loan chắp mối cho bà Hằng gặp cán bộ cơ quan điều tra là ông Việt Anh. Ngay lần gặp đầu tiên ông Việt Anh đã đọc nội dung cho bà Hằng viết đơn tố cáo ông Hải. Bà Hằng thỏa thuận với nhóm bà Loan nếu đòi được số tiền đầu tư cho ông Hải (chưa đến hạn) thì sẽ ăn chia 50%.”.
HĐXX đã công bố đơn của bà Hằng. Trước tòa, bà Hằng công nhận đây là đơn của bà, nhưng không có nội dung tố cáo ông Hải lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà, mà bà chỉ đề nghị cơ quan điều tra thu hồi hộ số tiền bà đã đầu tư.
Sau khi khai, bà Hằng được dẫn giải về trại giam. Bà Hằng chưa được đối chất với ông Hải. Lời khai của bà Hằng tại tòa chưa được điều tra làm rõ mối quan hệ của bà Hằng với bà Loan và ông Việt Anh và có đúng ông Việt Anh đọc nội dung đơn cho bà Hằng viết hay không?
Không có người bị lừa, không ai bị chiếm đoạt tài sản, không có ai viết đơn tố cáo.
Căn cứ để khởi tố ông Hải tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo đơn tố cáo của bà Hằng đã có lời khai và tình tiết mới, không phải do bà Hằng tự viết đơn tố cáo.
Theo Chủ tọa phiên tòa, không cần có đơn của bà Hằng, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì cơ quan điều tra vẫn có thể có căn cứ khởi tố. Tuy nhiên sau đơn của bà Hằng 1 ngày, cơ quan điều tra và Viện KSND Hà Nội có Quyết định khởi tố vụ án số 36 và Quyết định khởi tố bị can số 63 đối với ông Hải về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các luật sư tranh tụng tại tòa cho rằng, cơ quan điều tra đã vội vã khởi tố khi chưa có thời gian điều tra xác minh theo khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, theo quy định trong thời hạn 20 ngày cơ quan điều tra phải điều tra xác minh…” là chưa đúng quy định của pháp luật.
Ông Hải bị kết tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, các luật sư bào chữa đề nghị làm rõ hành vi lừa đảo của bị cáo, các nhà đầu tư có bị lừa đảo khi kí hợp đồng ủy thác đầu tư hay không? Tất cả các nhà đầu tư tham dự phiên tòa cũng như những người được tòa cho phép có ý kiến tại tòa, đều khẳng định họ không bị ông Hải lừa , họ tự nguyện hợp đồng ủy quyền dân sự cho ông Hải thay mặt sử dụng vốn góp của họ, để đầu tư các dự án mà ông Hải tham gia hợp tác . Đến trước khi bị bắt, ông Hải trả tiền cho các nhà đầu tư đầy đủ, không chiếm đoạt tài sản của ai, 508 người được cơ quan điều tra và Viện KS gọi là “người bị hại” đều không ai đồng ý để các cơ quan trên liệt họ vào danh sách người bị hại. Luật sư cũng đưa ra một số nhà đầu tư ở huyện Hoài Đức, trong danh sách người bị hại của cơ quan điều tra, nhưng khi luật sư về địa phương xác minh lại không có những người này, phải chẳng đây là những người bị hại theo danh sách “ma”?.
Không bị lừa đảo, không bị chiếm đoạt tài sản, không ai tố cáo ông Hải, không có căn cứ này thì không thể kết tội ông Hải là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và không thể khởi tố vụ án? Những người “bị hại” là nhà đầu tư, người có quyền lợi liên quan (một số công ty) có mặt tại tòa và các luật sư bảo vệ bị cáo Phạm Thanh Hải, đồng quan điểm đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm, trả lại hồ sơ để điều tra làm rõ chứng cứ pháp luật khởi tố vụ án này.
Bị cáo Phạm Thanh Hải tại phiên tòa phúc thẩm ngày 10/5/2019 |
Những ý kiến thẩm vấn của HĐXX, tranh tụng của luật sư , ý kiến của các nhà đầu tư (được coi là người bị hại ), người có quyền lợi liên quan, diễn ra công khai tại tòa trong 2 ngày xét xử, đều khẳng định khởi tố vụ án chưa đủ căn cứ pháp luật. Trong quá trình xét xử bản án sơ thẩm chưa làm rõ những căn cứ phạm tội của bị cáo, chưa xác định rõ những ai là bị hại, bị chiếm đoạt tài sản có đơn tố cáo trước ngày ông Hải bị khởi tố? Việc điều tra đánh giá năng lực tài chính của ông Hải vào các dự án đơn thuần ở trình độ không chuyên của cơ quan điều tra, minh chứng ở những dự án bất động sản, những dự án đầu tư sản xuất thì không thể ngay năm đầu đã có lợi nhuận, không tính gía trị tích lũy của ông Hải từ năm 2007 đến nay, để có vốn ngắn nuôi dài cho rất nhiều dự án…. Chính cơ quan điều tra và Viện KS cũng mâu thuẫn với số liệu điều tra khi đưa ra con số điều tra. Theo Cáo trạng số 83/CT-VKS(P3) ghi nhận số tiền ông Hải huy động là 2.725 tỷ đồng đã chi cả gốc và lãi cho các hợp đồng là 2.905.tỉ đồng, còn cơ quan điều tra Công an Hà Nội trước khởi tố vụ án 1 ngày, đã có Công văn số 6380/PC46-Đ10 ngày 28/10/2015 ghi nhận: “Sau khi huy động vốn của nhiều người, Hải dùng tiền để đầu tư nhiều dự án, đến kì hạn trả đầy đủ tiền cho khách theo hợp đồng, chưa có khách hàng nào thắc mắc hay khiếu kiện”. Đó là những minh chứng, những căn cứ pháp luật từ Viện KS và cơ quan điều tra cho thấy bị cáo không chiếm đoạt tài sản của ai và không có ai tố cáo bị cáo. Ý kiến tranh tụng tại tòa rõ ràng, hồ sơ vụ án cũng rõ ràng theo những bút lục thể hiện những bất cập, đuối lí khi khởi tố vụ án. Thế nhưng vị đại diện của Viện KS người giữ quyền công tố tại tòa lại cho mình cái quyền không cần lắng nghe ghi nhận ý kiến tranh tụng tại tòa, để khăng khăng giữ nguyên quan điểm án sơ thẩm và có căn cứ tuyên phạt án chung thân với bị cáo Phạm Thanh Hải tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Điều này cho thấy, với đại diện của Viện KS thì việc tranh tụng chỉ là hình thức. Sau ý kiến của đại diện Viện KS, không khí phòng xử căng lên, nhiều người dự phiên tòa bất bình phản đối.
HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm tra lại hồ sơ điều tra lại vụ án
Trái ngược với quan điểm của vị đại diện Viện KS giữ quyền công tố, HĐXX đã xét xử công minh, dựa vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, luật sư bào chữa, bị cáo, các nhà đầu tư, người có quyền lợi liên quan … để ra bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục đúng tinh thần Nghị quyết 08/2002/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 2/1/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp, có tiếng nói đồng thuận với những người tham gia phiên tòa.
HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm, trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra, điều tra lại chứng cứ vụ án. Sau lời tuyên án của HĐXX, những tràng vỗ tay vang lên. Các nhà đầu tư và bị cáo lại mong chờ phiên tòa sơ thẩm sẽ xét xử lại đúng người, đúng tội, công lý sẽ đem lại niềm tin cho Nhân dân.
Nghiêm Thị Hằng