Đồng đội
Truyện ngắn 10/09/2022 15:53
- Ôi khủng khiếp quá! Lần sau có lên chơi với hai bác em chỉ dám đi bộ thôi, chứ xe ôm kiểu này em xin vái cả nón! Lột chiếc mũ tai bèo trên đầu xuống quạt lấy quạt để. Bà Thúy bưng ra một cốc nước mát đưa cho chú em chồng.
- Có chuyện gì mà chú bức xúc vậy? Con Yến nó có nhà thì đã không để chú phải đi xe ôm như vậy đâu.
Nhận cốc nước tu một hơi cạn, khuôn mặt giãn ra nghe chừng bớt căng thẳng Quyết mới chậm rãi kể: “Em vừa xuống xe, nhìn quanh quẩn chẳng có chiếc xe ôm nào, mà trời thì sập tối đến nơi rồi. May quá tầm 5 phút sau có một chiếc xe tới”.
- Chú đi đâu? Lên xe! Em còn đang ngập ngừng… Người xe ôm già quá, đầu đội mũ bảo hiểm không nhìn rõ mặt nhưng dáng vẻ hơi ốm, bước đi hơi cà nhắc nghiêng nghiêng, chậm chạp, vậy mà vẫn làm nghề xe ôm sao? Hay thôi… Thì lại nghe tiếng nói giờ còn to hơn lúc trước.
- Ơ kìa!… Thế chú có định đi không? Tối rồi, tôi cũng chỉ đi chuyến chót ngày.
Em vội vàng trèo lên ngồi đằng sau mà hơi run, chưa kịp chắc chỗ, bỗng “khực” một cái, chiếc xe giật cục rồi phóng vèo đi. Ông lão xe ôm hét to trong làn gió thổi ù ù bên tai: “Bám chắc vào, tôi tăng ga kẻo tối”. “Ấy, bác đi chầm chậm thôi, tôi bị yếu tim”. “Không sao, chú cứ ôm chặt lưng tôi, ngã đã có tôi làm đệm cho chú”. Nghe sởn gai ốc. Đi được một lúc gặp một bầy em nhỏ chắc vừa ra khỏi lớp học thêm, bác xe ôm lạng lách rất điệu nghệ, em ngồi đằng sau mà thót tim. Lo cho mình thì ít mà lo cho mấy đứa nhỏ, lỡ cái… Rồi cũng vượt qua được chỗ đông người. Xe đang chạy bon bon bỗng lại “khựng” phát nữa… Gì nữa đây? Ôi chao chiếc xe bị chết máy, bác xe ôm nói như phân bua: “Nó lại giở chứng rồi đây, phiền chú xuống đẩy một chút để tôi lấy đà…”. Em đành bất đắc dĩ nhảy xuống đẩy xe, chạy hai quãng thở ra đằng tai thì chiếc xe cũng nổ được máy, hú vía vừa nhảy phốc lên xe vừa cầu cho về đến nhà đừng xảy ra sự cố nào nữa. Cả nhà cùng cười.
Minh họa Trần Nhương |
- Ôi dào, chuyện thường ngày ở huyện chú ơi! Chắc chú gặp ông Lân xe ôm ở cuối làng Đục rồi!
- Thế hả chị, trông có vẻ nhiều tuổi rồi… Đến khổ!
- Chú nói đúng đấy, gia cảnh ông ấy hoàn cảnh lắm.
Rồi bà Thúy kể câu chuyện của bác xe ôm ấy như một sự thông cảm và chia sẻ. Ông Lân ấy cũng gọi là già rồi nhưng vẫn phải lăn lộn kiếm tiền nuôi thằng con bị bại não ngồi nhà, cả cái làng này ai cũng thương cảm cho hoàn cảnh của hai cha con. Nhà neo, vợ mới mất cách đây 5 năm, nhà còn cô con gái lấy chồng xa tận mạn ngược nên cũng ít về nhà thăm bố và em. Ông Lân ngày xưa là bộ đội tận chiến trường Tây Nguyên, lúc nhập ngũ đã có vợ và cô con gái. Sau này phục viên về, hình như bị nhiễm chất độc da cam nên sinh thằng cu Bi là bị bại não như vậy. Mấy chục năm nay cứ trông nom chăm bẵm mà nó không biết gì, không biết sau này ông Lân gần đất xa trời thì ai chăm sóc cho nó… Bà Thúy chép miệng, xót xa. Quyết ngồi ngây ra chả nói câu nào, lúc nãy bức xúc bao nhiêu xả cho bằng hết thì giờ lại ngồi đăm chiêu suy nghĩ mông lung. Anh cả bận đi họp tổ khu phố chưa về, mình Quyết cứ ra ra vào vào, đứng ngồi không yên. Không lẽ… anh ấy là tiểu đội trưởng Lân của mình ngày xưa, chết thật mắt mình kém quá, mới nhập nhoạng tối mà nhìn đã không rõ ư, vả lại đã mấy chục năm bặt tin tức của nhau rồi. Đợi anh trai về, Quyết rủ anh đi đến nhà người lái xe ôm lúc chiều để giải tỏa những khúc mắc trong lòng mình. “Đường vào xóm dưới làng Đục tối khó đi lắm, anh em ta để sáng mai hãy đi chú ạ”. Cả đêm trằn trọc, sáng hôm sau Quyết dậy thật sớm, tập thể dục nhẹ nhàng trên sân thượng rồi xuống ăn sáng, chị dâu đã nấu phở bò cho hai anh em. Vừa ăn, Quyết vừa bảo: “Em linh cảm đúng bác Lân ấy là tiểu đội trưởng của em hồi ở chiến trường B rồi anh ạ, dẫu đã 40 năm xa cách chưa một lần gặp lại, nhưng em nhớ là quê anh ấy ở Thái Bình chứ sao bây giờ lại… Hay quê chị ấy nhỉ?”. Ăn xong hai anh em đi luôn, kẻo lỡ ông Lân có cuốc xe nào sớm lại không gặp được.
Đường vào làng Đục rất khó đi, chừng ba cây số mà đi vòng vèo mãi. Tới đầu làng ghé quán nước hỏi thăm, ai cũng biết và sốt sắng chỉ cho hai anh em ngôi nhà nhỏ ở cuối xóm. Dừng xe trước ngõ một ngôi nhà không có cổng, con chó vàng sủa lên inh ỏi, mãi sau mới thấy một người ló ra từ sau cánh cửa nhỏ.
- Ai đấy, ai kiếm tôi sớm thế. Hôm nay tôi không chạy xe đâu. Quyết chạy lại nắm lấy hai vai người đối diện, nhìn vào khuôn mặt già nua nhăn nheo không giấu nổi xúc động.
- Anh Lân phải không? Anh có nhận ra em không, Quyết tiểu đoàn 2, sư đoàn 306 đây anh ơi!
- Quyết hả, trời ơi! Phải thằng Quyết “nháy” đấy không? Ôi! Đúng là quả đất tròn nên hai anh em mình vẫn được gặp nhau.
Hai người ôm nhau mừng mừng, tủi tủi. Ông Sinh cũng đỏ hoe đôi mắt khi chứng kiến anh em đồng đội cũ gặp nhau. “Thôi ta vào nhà đi chứ, sao lại đứng đây mãi thế này, mời bác vào nhà, chúng ta nhâm nhi chút gì để ăn mừng ngày hội ngộ không ngờ này chứ nhỉ?”. Cả ba bước vào ngôi nhà lợp ngói cũ kĩ, rêu đã mọc lên dưới chân bức tường lốm đốm. Đập vào mắt Quyết là chiếc giường ngay gian bàn nước. Một thân hình gầy gò còng queo, đôi mắt mở to nhưng không hề biểu lộ cảm xúc gì đang nằm trên đó, trên người đắp hờ một chiếc chăn đơn được gấp làm tư. Quyết bước tới bên giường, nắm lấy bàn tay nóng hôi hổi của người nằm đó nấc lên từng hồi, đôi vai run lên bần bật. Ông ra hiệu cho đứa con trai… “Con ơi! Đây là chú Quyết, người cùng chiến đấu với bố hồi xưa đấy!”. Thằng Bi nay đã gần 30 tuổi nhưng trông nhỏ thó như một đứa bé lên 10, miệng ú ớ, tay hua hua lên khoảng trống trước mặt những vòng tròn… Ông Lân liền giải thích, đôi lúc nó cũng như hiểu được những lời bố nói, ánh mắt chợt có biểu cảm… Còn phần lớn là không biểu lộ gì. Lúc mẹ nó mất, nó cũng biết khóc và đêm đêm ú ớ như muốn hỏi mẹ đâu rồi? Khổ thân, còn mẹ thì nó đỡ khổ hơn. “Sao lại đến nông nỗi này hở anh, hồi đó biết là bãi bom na pan mà máy bay địch mới rải, anh vẫn một mình tới để đưa thi thể của Toan về chôn cất, còn ngăn không cho đứa nào theo. Xong xuôi mới cho bọn em tới viếng đắp mộ cho Toan… Thì ra anh đã biết trước. Anh nhận những khó khăn và cả sự hi sinh về mình”. Cơn xúc động đi qua, cả ba trở lại bàn nước ai cũng trầm ngâm. Như đọc được những thắc mắc trong ánh mắt Quyết, ông Lân tiếp: “Sau lần bị thương đó, tôi được điều về tuyến sau, rồi ra quân về nhà làm một anh nông dân chính hiệu ở quê, được gần chục năm thì nhà tôi sinh cháu Bi đây. Ông bà nội cháu già cả cũng lần lượt về với tiên tổ, bên đây nhà vợ tôi còn bà cụ không ai chăm sóc, nên tôi bàn với vợ chuyển cả nhà sang đây để tiện chăm sóc cụ. Ít lâu sau cụ mất, vợ chồng tôi cũng không trở lại quê nữa, ở lại đây luôn”.
- Vậy cuộc sống của anh và cháu thế nào?
- À, tôi cũng có sổ bệnh binh, có lương hằng tháng. Cháu cũng có phụ cấp của người tàn tật. Khổ nỗi cháu nó đau ốm liên miên, nên những lúc rảnh rỗi tôi thường chạy vài cuốc xe kiếm thêm đồng ra, đồng vào, phòng khi trái gió trở trời, cuộc sống cũng tạm ổn, chú đừng có lo.
Nhìn căn nhà tuềnh toàng, gương mặt khắc khổ già hơn tuổi 68 của anh, và thằng con ngu ngơ nằm đó, Quyết thấy ngậm ngùi xót xa. Bao năm lăn lộn nơi chiến trường gan dạ anh dũng là thế… Ngụm nước chè trong miệng chợt đắng ngắt. Bỗng trên giường thằng Bi ú ớ kêu lên như muốn gọi bố, ông Lân liền chạy lại. Trên gương mặt đỏ bừng của Bi lấm tấm những giọt mồ hôi rịn ra, ông sờ tay lên trán con: “Vẫn còn hâm hấp đây, vừa cho uống hạ sốt rồi mà”. Ông đi lấy chiếc khăn dấp nước chườm lên trán con, rồi kể: “Từ ngày mẹ nó bỏ bố con tôi mà đi tới giờ cũng ngót 5 năm rồi, thằng Bi ngày một yếu hơn nhưng được bà con lối xóm tắt lửa tối đèn có nhau nên tôi cũng đỡ… Chỉ sợ… Sức tôi ngày một già yếu thì không biết nó trông cậy vào đâu, chị nó ở xa quá cả năm mới về được một lần vào ngày giỗ mẹ.
- Vậy anh em đồng ngũ còn ai vẫn liên lạc với anh?
- Ngày đó ra quân về bên Thái Bình còn thằng Tình, thằng Đạt, về bên này xa xôi quá. Ngày còn nhà tôi, mỗi năm tôi về quê giỗ các cụ thì anh em vẫn gặp nhau, mấy năm nay không ai trông nom nó nên tôi chả về thường xuyên được. Trầm ngâm hồi lâu bỗng anh như nhớ ra.
- Hôm nay hai anh em chú ở lại ăn bữa cơm với bố con tôi nhé!
- Hôm nay em về chỗ anh trai để ngày mai cùng ra quê tảo mộ cho các cụ. Run rủi sao ông trời lại cho em tìm được anh thế này thật mừng quá. Em hứa xong việc các cụ trên quê, em sẽ quay lại ở chơi với bố con anh vài ngày, để anh em ta cùng tâm sự hết những nỗi niềm bao năm xa cách. Ngập ngừng một lát Quyết tiếp.
- Trước lúc về quê, em có một việc này giúp cháu, mong anh đừng từ chối. Cả đêm qua em đã thức và suy nghĩ về chiếc xe của anh, nếu như không có nó chắc anh em mình cũng không nhận ra nhau. Thật là duyên may, nhưng em muốn mua tặng anh một chiếc xe khác, để anh không phải lo chết máy giữa đường nữa, đi lại nhanh hơn, để cháu Bi đỡ phải ngóng anh hơn…
- Ôi chú Quyết, bố con tôi không sao đâu. Gặp lại nhau thế này là tôi mừng lắm rồi, còn món quà tôi không nhận đâu, tấm lòng của chú tôi hiểu.
- Anh mà không nhận là em giận không đến chơi nữa đâu đấy. Quyết quay đi giấu đôi mắt đang đỏ hoe, cay xè.
Tiễn hai anh em Quyết ra về, thấy ông Lân lóng ngóng cầm chiếc phong bì mà Quyết đã chuẩn bị sẵn đêm qua, rơm rớm nước mắt.
- Bố con tôi cám ơn hai anh em chú, thằng bé Bi mà hiểu được chắc nó sẽ vui mừng lắm. Nhớ quay lại chơi với bố con tôi nhé, chú Quyết.
Hai anh em Quyết lên xe nổ máy rồi mà ông Lân vẫn bịn rịn nắm lấy tay Quyết lắc lắc: “Nhớ quay lại nhé, bố con tôi ngày nào cũng ngóng chú đấy!”
Xe đi được một đoạn. Quyết ngoái nhìn lại ngôi nhà cuối xóm. Cây cau lẻ loi trước ngõ cành lá đong đưa như bàn tay đang vẫy, quanh ngọn những bẹ lá ôm buồng quả căng tròn, hình như quá sức chịu đựng sắp bung chiếc mo xuống đất, nhưng vẫn gắng gượng, cần mẫn ngày đêm hút mạch sống từ đất nuôi cây, dưỡng quả. Bất giác tôi liên tưởng tới cây cau hiên ngang giữa giông gió cuộc đời luôn kiêu hãnh ấy chính là anh, người bộ đội Cụ Hồ năm xưa mà tôi hằng ngưỡng mộ. Chúc cho anh chân cứng đá mềm, dẻo dai vững chãi như một bức thành đồng không gì khuất phục nổi.