Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước xem xét, giải quyết nguyện vọng của cụ Nguyễn Thị Tần!
Pháp luật - Bạn đọc 11/05/2020 08:21
Đất thu hồi để phân lô bán nền
Đất thu hồi giao cho điện lực
Nguồn gốc đất tranh chấp
Diện tích đất tranh chấp, thực đo là 7.006m2, trước năm 1975 là khu vực quân sự do chế độ Sài Gòn chiếm đóng (đồi Lam Sơn). Sau giải phóng, ngày 30/4/1975, toàn bộ khu vực đất đồi Lam Sơn bị bỏ hoang hóa, không ai sử dụng. Đến năm 1986, Công ty cao su Bình Long được UBND tỉnh Sông Bé giao và cấp cũng không sử dụng, vẫn để hoang hóa. Như vậy, khu đất nêu trên bị bỏ hoang từ năm 1975 đến năm 1987 gia đình bà Tần, anh Duẩn khai phá.
7.006m2 đất trên, nằm trong khu đất được giới hạn bởi các mốc 1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,12,13,15,15,1 thuộc tờ bản đồ số 59 phường Hưng Chiến, TX Bình Long, tỉnh Bình Phước, do Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường, TX Bình Long, trích đo bản đồ địa chính ngày 14/10/2011; do bà Tần, anh Duẩn xác định và chỉ ranh giới tại thực địa. Và diện tích đất này, gia đình cụ Tần, ông Duẩn có nhờ công binh của Công ty cao su Bình Long, rà phá bom mìn, để khai hoang và trồng mới cao su.
Cụ Tần cho biết: “Năm 1987, gia đình tôi cùng 4 hộ dân: ông Tám Lên, ông Lê Quốc Hưởng và bà Nguyễn Thị Tành đến khu vực đồi Lam Sơn khai hoang, phục hóa. Năm 1986, con trai tôi là Trần Quốc Duẩn là công nhân Công ty cao su Bình Long, gia đình thuộc diện chính sách, bố chồng tôi là liệt sĩ chống Pháp, chồng tôi là liệt sĩ chống Mỹ nên đã được đội công binh của Công ty giúp đỡ rà phá bom mìn (theo xác nhận ngày 17/5/1999 của ông Đinh Thế Cẩn, nguyên Chánh Văn phòng Giám đốc Công ty cao su Bình Long). Gia đình khai phá được diện tích là 7.006m2. Trong quá trình năm hộ khai phá, làm nhà ở và sản xuất (trong đó có gia đình tôi) vào thời kỳ đó, Công ty cao su Bình Long và chính quyền địa phương ủng hộ. Ngày 29/06/1987, gia đình tôi làm đơn xin nhập 5 nhân khẩu vào căn nhà được xây dựng trên phần đất do gia đình tôi khai hoang phục hóa và đã được chính quyền địa phương cấp sổ đăng ký gia đình (hộ khẩu)".
Biến động về quản lí, sử dụng đất của gia đình cụ Tần
Gia đình cụ Tần tiếp tục sử dụng toàn bộ diện tích đất nêu trên từ năm 1987 đến ngày 17/12/1992,UBND huyện Bình Long, nay là UBND TX Bình Long có Quyết định số 1380/QĐ-UB về việc giao và thu hồi đất với nội dung: Thu hồi đất có diện tích 2.400m2 đất tại ấp Khu Đồi Lam Sơn, xã An Lộc, duyệt giao cho văn phòng quản lý điện Sông Bé để xây dựng trạm quản lý và hạ thế điện. Quyết định nêu trên không được triển khai và thực hiện, do đó diện tích 2.400m2 nêu trên vẫn được gia đình bà Tần trực tiếp sử dụng.
Ngày 6/12/1993, UBND huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé có Quyết định số 2518/QĐ-UB về việc giao và thu hồi đất với nội dung: Nay thu hồi khu đất có diện tích 4.000m2 của ấp Phú Bình, xã An Lộc duyệt giao cho Văn phòng Sở Điện lực Sông Bé. Cùng ngày, UBND huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé có Quyết định số 2517/QĐ-UB về việc: Thu hồi khu đất có diện tích 1.500m2 của ấp Phú Bình, xã An Lộc để giao cho Văn phòng Sở Điện lực Sông Bé xây dựng nhà tập thể để ở. Căn cứ 2 Quyết định 2518 và 2517, UBND huyện Bình Long đã thu hồi của gia đình bà Nguyễn Thị Tành diện tích 2.063m2 đất, thu hồi của gia đình cụ Nguyễn Thị Tần 3.776m2 đất đang sử dụng. Sau khi bị thu hồi đất, gia đình cụ Tần chỉ còn lại 3.230m2 đất và tiếp tục sử dụng. Gia đình cụ Tần đã chuyển nhà ra khu vực hành lang giao thông Quốc Lộ 13, ngay mặt tiền khu đất còn lại của gia đình cụ Tần. Ngày 10/03/1994, UBND huyện Bình Long có Kế hoạch số 01/KH-UB về việc giải tỏa khu vực từ huyện Đội đến ngã ba của Quốc Lộ 13, đường Nguyễn Du, cạnh sân bóng của Công ty cao su. Trong danh sách giải tỏa có gia đình cụ Tần, vì cho rằng gia đình cụ Tần đã xây dựng nhà trên khu vực hành lang giao thông Quốc lộ 13.
Sau khi giải tỏa, gia đình cụ Tần được xét cấp một lô đất ở. Ngày 4/6/1994, UBND huyện Bình Long có Quyết định số 574/QĐ-UB về việc giao và thu hồi đất với nội dung: Thu hồi diện tích 90m2 đất tại ấp Phú Bình, xã An Lộc, thuộc mặt tiền đường Nguyên Du, duyệt giao cho gia đình cụ Tần để xây dựng nhà ở, nhưng cụ Tần không nhận (lô đất hiện nay vẫn để trống, chính quyền chưa cấp cho ai). Gia đình cụ Tần chuyển nhà vào phần diện tích 3.230m2 đã nêu trên. Gia đình cụ Tần tiếp tục sử dụng phần diện tích đất nêu trên. Ngày 22/06/1996, gia đình cụ Tần làm đơn xin xác nhận nguồn gốc nhà và quyền sử dụng đất để thế chấp vay ngân hàng. Ngày 13/09/1996, cán bộ địa chính thị trấn An Lộc đo vẽ và xác nhận diện tích nhà ở là 21m2 và diện tích đất ở và sản xuất 1.953m2, nằm trong tổng diện tích 3.230m2 đất thuộc gia đình cụ Tần đang sử dụng, và đã được UBND thị trấn An Lộc xác nhận cùng ngày.
Năm 1998, UBND huyện Bình Long tiếp tục lấy 2.597m2 đất của gia đình cụ Tần đang trực tiếp sử dụng để phân lô làm khu dân cư (căn cứ Biên bản kiểm kê tài sản và giá trị đền bù tài sản trên đất giải tỏa ngày 19/11/1997). Khi lấy đất của gia đình cụ Tần không có quyết định thu hồi đất.
Toàn bộ khu đất tranh chấp UBND huyện Bình Long không thực hiện đo đạc (tài liệu 299/CP và chỉnh lý biến động), do đó không có tài liệu bản đồ và sổ mục kê, sổ đăng ký.
Hiện nay gia đình cụ Tần có 4 nhân khẩu, đang sử dụng 633m2 đất. Phần diện tích đất này vẫn được gia đình cụ Tần đóng thuế hằng năm và chưa được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất. Sau khi UBND huyện lấy đất, gia đình cụ Tần đã được nhận một lô đất giáp Chi nhánh điện Bình Long và đã làm nhà ở (đất có nguồn gốc của gia đình cụ Tần khai phá năm 1987).
Đầu năm 2005, cụ Tần phát sinh tranh chấp hai lô đất của ông Đường Văn Bổng và bà Trần Thị Phương Oanh (có nguồn gốc là của gia đình cụ Tần hiện nay đang tranh chấp). Hai lô đất này đã được gia đình bà Oanh và ông Bổng mua lại của các hộ được xét duyệt cấp trong dự án phân lô của UBND huyện Bình Long, và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Quá trình quy hoạch và phân lô khu dân cư trên phần đất trang chấp
Ngày 10/02/1989, UBND tỉnh Sông Bé có Quyết định số 01/QĐ-UB với nội dung: Phê chuẩn đồ án thiết kế quy hoạch chung cải tạo và xây dựng thị trấn huyện lỵ Bình Long và quy hoạch chi tiết trung tâm thị trấn (trong đó có một phần diện tích đất của gia đình cụ Tần đang khiếu nại).
Ngày 31/12/1994, UBND huyện Bình Long có Quyết định số 1668/QĐ-UB với nội dung: Nay thuận quy hoạch thiết kế mặt bằng lô dân cư khu vực trạm điện nội ô thị trấn An Lộc với diện tích 6.435m2 đất được thiết kế 71 lô (trong đó có một phần diện tích đất gia đình cụ Tần đang khiếu nại).
Ngày 9/1/1999, UBND huyện Bình Long có Quyết định số 53/QĐ-UB với nội dung: Thu hồi 1.862m2 đất thuộc Chi nhánh điện Bình Long quản lý, trong đó thu hồi 1.500m2 đất quy hoạch nhà tập thể nhưng không xây dựng, và thu hồi 362m2 đất thuộc khu vực Chinh nhánh điện để thực hiện dự án phân lô (một phần đất trong dự án có nguồn gốc là của gia đình cụ Tần đang tranh chấp).
Ngoài diện tích đất bị thu hồi, theo Quyết định nêu trên, hiện nay Chi nhánh Điện Bình Long còn đang sử dụng 4.255,23m2 đất và đã được Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) tỉnh Bình Phước ký hợp đồng cho thuê ngày 28/11/2001, được UBND tỉnh Bình Phước cấp GCNQSDĐ ngày 3/4/2002 với tổng diện tích là 4.255,23m2 đất.
Ngày 15/01/1999, UBND huyện Bình Long có Quyết định só 56/QĐ-UB với nội dung: Thuận quy hoạch thiết kế mặt bằng lô dân cư giáp Chi nhánh điện Bình Long thuộc thị trấn An Lộc (sơ đồ quy hoạch đính kèm), trong đó có một phần diện tích đất của gia đình cụ Tần đang khiếu nại.
Ngày 7/12/2004, UBND huyện Bình Long có Quyết định số 3366/QĐ-UB với nội dung: Thuận điều chỉnh quy hoạch thiết kế mặt bằng lô dân cư giáp Chi nhánh Điện Bình Long thuộc thị trấn An Lộc (sơ đồ quy hoạch đính kèm), trong đó có một phần diện tích đất của gia đình bà Tần đang khiếu nại.
Quá trình giải quyết của chính quyền địa phương
Năm 1993, UBND huyện Bình Long thu hồi đất của gia đình cụ Tần đang sử dụng để giao cho Chi nhánh Điện Bình Long làm trạm hạ thế điện và khu nhà tập thể, với tổng diện tích là 3.776m2 đất. Khi thu hồi UBND huyện không có quyết định thu hồi đất của gia đình cụ Tần, không tính toán đền bù về đất đai và tài sản trên đất.
Diện tích còn lại 3.230m2, gia đình cụ Tần tiếp tục sử dụng đến năm 1998 thì UBND huyện Bình Long tiếp tục cưỡng chế thu hồi thêm 2.597m2 đất; khi thu hồi vẫn không có quyết định thu hồi. Từ đó gia đình cụ Tần tiếp tục khiếu nại lên các cấp chính quyền địa phương và Trung ương.
Ngày 25/2/1998, UBND huyện Bình Long có Thông báo số 09/TB-UB với nội dung: Chấp thuận giải quyết cấp cho gia đình cụ Tần một lô đất giáp Chi nhánh Điện lực Bình Long, không thu tiền sử dụng đất, giải quyết thêm cho cụ Tần một lô đất ở phía sau và có thu tiền sử dụng đất, giải quyết công khai phá và toàn bộ hoa màu theo Biên bản ngày 19/11/1997, với tổng số tiền là 6 triệu đồng.
Ngày 22/9/1998, tại Phòng Công nghiệp, Giao thông – Xây dựng có Biên bản số 08/BB-CN với nội dung: Mời gia đình cụ Tần đến để truyền đạt Thông báo số 09/TB-UB ngày 25/2/1998 của UBND huyện Bình Long. Sau khi nghe Thông báo nêu trên, cụ Tần không đồng ý và không ký vào biên bản và bỏ ra về.
Ngày 6/11/1998, UBND huyện Bình Long mời cụ Tần đến giải quyết đền bù hoa mùa với tổng số tiền là 8 triệu đồng, trong đó có 2 triệu đồng đền bù thêm ở diện tích đất đã lấy năm 1993 đã giao cho Chi nhánh Điện lực Bình Long. Đất nền nhà vẫn thực hiện theo Thông báo số 09 nêu trên. Gia đình cụ Tần có ý kiến và tự ghi vào biên bản: “Đề nghị ý kiến của gia đình xin cấp một lô và mua một lô mặt tiền, nếu lô ở sau thì xin không nộp tiền sử dụng đất để có điều kiện (Nguyễn Thị Tần)”.
Ngày 24/4/1998, UBND huyện mời cụ Tần đến giải quyết cùng các ngành chức năng. Khi ấy cụ Tần có nguyện vọng xin được cấp 3 lô đất mặt tiền, không thu tiền sử dụng đất, ngoài ra không đòi hỏi gì thêm (Biên bản số 15/BB-UB ngày 24/4/1998).
Ngày 23/11/1998, UBND huyện Bình Long có Quyết định số 2378/QĐ-UB với nội dung: Nay cưỡng chế, giải tỏa đối với hộ gia đình cụ Tần (thị trấn An Lộc), vì cho rằng đã vi phạm lấn chiếm trái phép đất quy hoạch của huyện.
Ngày 15/4/1999, UBND tỉnh Bình Phước có Quyết định số 469/QĐ-UB với nội dung: Bác đơn khiếu nại của cụ Nguyễn Thị Tần ngụ ấp Phú Bình, thị trấn An Lộc, huyện Bình Long. Giao cho UBND huyện Bình Long thu hồi Quyết định 574/QĐ-UB ngày 04/06/1994 về việc cấp đất cho gia đình cụ Nguyễn Thị Tần với diện tích 90m2 ở đường Nguyễn Du lô 20H. Đến nay, UBND huyện (nay là thị xã Bình Long) vẫn chưa có quyết định thu hồi lô đất nêu trên, do đó vẫn để trống, hiện nay không có người sử dụng.
Ngày 15/6/2005, UBND huyện Bình Long có Quyết định số 1657/QĐ-UB về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cụ Nguyễn Thị Tần, vì cho rằng có hành vi: Ngăn cản cán bộ, công chức của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành xác định mốc giới, bàn giao đất trên thực địa cho người có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với số tiền là 350.000 đồng.
Ngày 14/5/2007, UBND tỉnh Bình Phước có Quyết định số 08/QĐ-THA với nội dung: Cưỡng chế buộc cụ Nguyễn Thị Tần giao trả hai lô đất lấn chiếm của ông Bổng và bà Oanh (căn cứ và thực hiện theo Bản án số 07/DSST ngày 11/1/2006 của TAND tỉnh Bình Phước). Đến nay quyết định này đã được thi hành án.
Ngày 19/3/2009, UBND tỉnh Bình Phước có Quyết định số 674/QĐ-UBND với nội dung: bác toàn bộ đơn tố cáo của cụ Nguyễn Thị Tần, tố cáo sai sự thật, không giải quyết lại các nội dung khiếu nại, với lý do đã được UBND Tỉnh giải quyết tại Quyết định số 469/QĐ-UB ngày 15/04/1999 nêu trên.
Kiến nghị của người cao tuổi
Trong đơn cụ Tần phản ánh: “Diện tích 6.373m2 đất mà gia đình tôi đang khiếu nại có nguồn gốc khai hoang phục hóa vào năm 1987, gia đình chúng tôi cùng 4 hộ khác đến khai phá lập vườn và nhà ở, thời kỳ đó chính quyền địa phương khuyến khích và được Công ty cao su Bình Long giúp đỡ cử đội công binh rà pháp bom mìn giúp dân. Sau khi khai phá, gia đình tôi sử dụng ổn định, được chính quyền địa phương cho phép nhập nhân khẩu vào căn nhà có diện tích đất nêu trên. Năm 1998, UBND huyện Bình Long, nay là UBND thị xã Bình Long, và UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, đất gia đình tôi đang khiếu nại là lấn chiếm đất công và vi phạm lấn chiếm trái phép đất quy hoạch của Huyện.
Chúng tôi xét thấy, những Quyết định nêu trên không có cơ sở pháp lý, vì cùng một thời gian khai phá với gia đình tôi, năm 1987, hiện nay bốn hộ khác vẫn đang sử dụng và có hộ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời trong 11 năm (từ năm 1987 đến 1998) gia đình bà trực tiếp khai hoang, sử dụng và trực tiếp quản lý diện tích đất nêu trên, không có tranh chấp, chính quyền địa phương và Công ty cao su Bình Long có văn bản xác nhận đã cử đội công binh rà phá bom mìn để giúp đỡ gia đình tôi khai hoang đất.
Ngày 6/12/1993, UBND huyện Bình Long có hai Quyết định số 2517 và 2518 giao đất cho Sở Điện lực Sông Bé, cả hai Quyết định đều ghi: Thu hồi đất của xã An Lộc giao cho văn phòng Sở Điện lực Sông Bé. Tuy nhiên xã An Lộc không phải là người trực tiếp sử dụng đất vào thời điểm đó, người trực tiếp sử dụng đất là gia đình của tôi. Do đó căn cứ Điều 11,12,13 và 15 của Luật Đất đai năm 1987; Điều 19,21,23,25,28 của Luật Đất đai năm 1993, việc thu hồi đất, giao đất nêu trên của UBND huyện Bình Long là không đúng với quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện dự án phân lô khu dân cư liên quan đến khu đất của gia đình của tôi đang khiếu nại, UBND huyện Bình Long, nay là UBND thị xã Bình Long đã không thực hiện các bước cần thiết khi thực hiện một dự án. Căn cứ điều 19, 21, 23, 25, 28 của Luật Đất đai năm 1993, UBND huyện Bình Long đã làm trái với các quy định pháp luật khi thực hiện dự án phân lô nêu trên.
Khi thực hiện dự án phân lô để giao đất thổ cư, UBND huyện Bình Long đã xét duyệt giao đất ở cho một số đối tượng không có nhu cầu sử dụng. Các đối tượng được giao đất đã thực hiện các thủ tục giao đất theo quy định của pháp luật nhưng không xây dựng nhà ở mà đã sang bán cho người khác.
Năm 1998, UBND huyện Bình Long cưỡng chế thu hồi 2.597m2 đất nêu trên để UBND huyện thực hiện dự án phân lô. Vào thời điểm đó, gia đình tôi đang trực tiếp sử dụng diện tích đất nêu trên. Căn cứ Điều 21 của Luật Đất đai năm 1993, việc ban hành quyết định cưỡng chế của UBND Huyện để lấy phần đất nêu trên của gia đình của tôi là trái với quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 27 của Luật Đất đai năm 1993, Điều 6 của Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phần đất UBND huyện Bình Long đã lấy của gia đình của tôi để thực hiện các dự án giao đất, phân lô (diện tích đất đã lấy để giao cho Chi nhánh Điện lực Bình Long năm 1993 và diện tích đất phân lô khu dân cư năm 1998) phải thực hiện đền bù cho gia đình tôi theo đúng quy định.
Từ những cơ sơ nêu trên, nay tôi tiếp tục chứng minh về nguồn gốc đất là của gia đình tôi khai hoang phục hóa sử dụng từ năm 1987, có các giấy tờ xác nhận tại UBND phường/xã được quy định tại điểm b, g, Khoản 1, Điều 100 Luật Đất đai năm 2013, hướng dẫn tại Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 16 và 17, Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP.
Căn cứ Điều 5 Luật Đất đai năm 1993 và Khoản 2, Điều 12 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Nhà nước khuyến khích người sử dụng đất khai hoang, vỡ hóa, lấn biển, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, đất cồn cát ven biển, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng”. Căn cứ thời điểm tôi sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 (Ngày Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực pháp luật) và cho đến trước thời điểm Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lức ngày 1/7/2004.
Quyết định số 327-CT ngày 15/9/1992 về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước; Quyết định số: 556/Ttg ngày 12/9/1995 về điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 327/CT ngày 15/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Như vậy, trường hợp của tôi đủ điền kiện để cấp Giấy CNQSDĐ theo quy định tại Khoản 4, Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 và hướng dẫn tại Điều 3 của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ.
Do đó, khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất của tôi phải căn cứ áp dụng tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 47 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất đối với diện tích thu nhồi thực tế, giải quyết thỏa đáng quyền và lợi ích hợp pháp của tôi.
Từ những cơ sở pháp lý được dẫn chiếu và viện dẫn nêu trên. Nay tôi kính đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước căn cứ Khoản 1, 2, Điều 2; Khoản 13, Điều 4; Điều 152; Khoản 1, 2, 3 Điều 167 Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. HĐND và UBND kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật; Căn cứ Khoản 5, Điều 22 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND tỉnh, kính đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước căn cứ vào chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch UBND tỉnh được quy định: "Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản trái pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và văn bản trái pháp luật của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện. Đình chỉ việc thi hành văn bản trái pháp luật của HĐND cấp huyện, báo cáo UBND tỉnh để đề nghị HĐND tỉnh bãi bỏ";
Căn cứ Luật Khiếu nại năm 2011; Nghị định số: 75/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 hướng dẫn Luật Khiếu nại; Căn cứ Thông tư số: 01/VBHN-TTCP, ngày 9/10/2017 của Thanh tra Chính phủ Quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính. Quyết định số 55/2013/QĐ-UBND ngày 16/12/2013 của UBND tỉnh Bình Phước ban hành quy định về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND ngày 15/01/2016 của UBND tỉnh Bình Phước Ban hành quy chế phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 1/8/2016 của UBND tỉnh Bình Phước tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với những vụ việc khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Thực hiện chính sách đền bù giá trị đất khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật, bao gồm diện tích đất đã giao cho Chi nhánh Điện lực năm 1993 và diện tích đất lấy năm 1998 được dùng để phân lô khu dân cư, căn cứ vào các cơ sở pháp lý sau đây: Gia đình tôi sử dụng đất khai hoang phục hóa theo chủ trương chính sách của nhà nước từ năm 1987, nhưng bị UBND huyện Bình Long thu hồi đất không bồi thường về đất, không xem xét chính sách pháp luật về đất đai được quy định tại Điều 5 Luật Đất đai năm 1993 và Khoản 2 Điều 12 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Nhà nước khuyến khích người sử dụng đất khai hoang, vỡ hóa, lấn biển, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, đất cồn cát ven biển, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng”. Căn cứ thời điểm tôi sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 (ngày Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực pháp luật) và cho đến trước thời điểm Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực ngày 1/7/2004 và Quyết định số: 327-CT ngày 15/9/1992 về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước; Quyết định số 556/Ttg ngày 12/9/1995 về điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 327/CT ngày 15/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Gia đình tôi kính đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước thụ lý giải quyết đơn đề nghị xét lại quyết định trái pháp luật đã có hiệu lực pháp luật, đồng thời ban hành quyết định hủy bỏ các quyết định trái pháp luật sau đây: Quyết định số 2518/QĐ-UB ngày 6/12/1993, UBND huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé về việc giao và thu hồi đất với nội dung: Nay thu hồi khu đất có diện tích 4.000m2 của ấp Phú Bình, xã An Lộc duyệt giao cho Văn phòng Sở Điện lực Sông Bé. Quyết định số 2517/QĐ-UB ngày 6/12/1993, UBND huyện Bình Lông, tỉnh Sông Bé về việc: Thu hồi khu đất có diện tích 1.500m2 của ấp Phú Bình, xã An Lộc để giao cho Văn phòng Sở Điện lực Sông Bé xây dựng nhà tập thể để ở. Quyết định số 53/QĐ-UB ngày 9/1/1999, UBND huyện Bình Long với nội dung: Thu hồi 1.862m2 đất thuộc Chi nhánh Điện lực Bình Long quản lý, trong đó thu hồi 1.500m2 đất quy hoạch nhà tập thể nhưng không xây dựng, và thu hồi 362m2 đất thuộc khu vực Chi nhánh điện lực để thực hiện dự án phân lô (một phần đất trong dự án có nguồn gốc là của gia đình chúng tôi đang tranh chấp). Quyết định số 469/QĐ-UB ngày 15/4/1999 của UBND tỉnh Bình Phước là không phù hợp với quy định của pháp luật.”
Ngày mới Online trân trọng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước xem xét, giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của cụ Nguyễn Thị Tần theo thẩm quyền!