Chuyến tàu đêm
Truyện ngắn 25/12/2023 14:17
Không có đèn điện, chỉ có những chiếc đèn bão trong tay những nhân viên nhà ga đi lại làm nhiệm vụ.
Nhà tôi gần ga tàu hỏa nên đã quen nghe những tiếng tàu đêm. Cứ mỗi khi nghe tiếng tàu đêm là tôi lại thấy bâng khuâng, hoài niệm, nhớ nhung. Như đâu đây, tiếng ý ới gọi nhau trên sân ga, tiếng thì thầm nhẹ như hơi thở, tiếng cười khe khẽ, tiếng cười giòn tan…
Đêm ấy, tôi và chị gái lên tàu về Hà Nội. Chị tôi đưa tôi về nhập học ở Trường Đại học Y khoa, ba mẹ tôi không yên tâm để tôi đi một mình vì tôi chưa lên Hà Nội bao giờ.
Đêm Thu, trời se lạnh.
Tàu đêm, những ngày chiến tranh, không có đèn rọi sáng. Chỉ có ánh sáng của những ngôi sao trên trời, trời Thu không một gợn mây. Rồi trăng cuối tháng hiện dần, chúng tôi lên tàu đỡ mò mẫm vì có ánh trăng soi. Trăng Thu vời vợi. Gió Thu mơn man. Trời hơi lành lạnh.
May sao chuyến tàu đêm ấy không đông lắm nên chúng tôi vẫn có chỗ ngồi đàng hoàng. Trước mặt chúng tôi còn hai ghế trống. Mới ngồi được vài phút thì “ào ào như gió thổi”, có hai anh bộ đội vừa nói vừa cười lướt đến chỗ ngồi đối diện với chúng tôi. Tàu chuyển bánh, một anh lấy đèn pin rọi để gác ba lô lên giá để đồ của tàu, nhờ vậy, anh biết chắc, trước mặt hai anh là hai cô gái, còn chúng tôi biết chắc là hai anh bộ đội rất trẻ đang ngồi trước mặt chúng tôi.
Minh họa Lão Trần |
Và rồi, một anh đã làm quen trước: “Chào hai em, các em đi đâu vậy, sao lại đi tàu đêm?”. Bà chị nhanh mồm nhanh miệng của tôi trả lời: “Em đưa em gái về Hà Nội nhập học, nó sẽ làm bác sĩ đấy”.
Hai anh cùng cười vui vẻ. Một anh nói, chúc mừng em gái nhé, em lớn rồi đấy. Từ lúc ấy, chúng tôi thấy thật gần nhau.
Chị tôi và một anh, cũng hay nói như chị. Họ nói chuyện với nhau như quen tự bao giờ. Anh kể, các anh cũng là người Hà Nội, anh vừa tốt nghiệp khoa Ngữ văn của Trường Đại học Tổng hợp, anh muốn làm nhà nghiên cứu văn học nhưng vừa học xong thì có lệnh nhập ngũ và phải lên đường ngay, còn anh này vừa tốt nghiệp bác sĩ, anh chỉ vào người bạn. Các anh được tập trung lên mấy tỉnh trung du để luyện tập chuẩn bị đi B. Chỉ được luyện tập trong một tháng thôi. Lăn, lê, bò toài, đeo ba lô gạch… đủ cả.
Anh bác sĩ chìa tay về phía tôi: “Chào em người bạn đồng nghiệp tương lai của anh! Hi vọng sẽ gặp em ở chiến trường nhé!”. Tôi rụt rè đưa tay nắm nhẹ tay anh.
Anh bạn cử nhân văn khoa kể tiếp, cuối đợt tập, các anh được xuống thị trấn, gần nơi anh đóng quân chơi. Thị trấn yên tĩnh, cây xanh chen cùng những ngôi nhà ngói nâu sẫm. Người qua lại vẫn đông vui mặc dù người dân đã có lệnh đi sơ tán.
Hôm ấy, thị trấn có chợ phiên họp vào lúc tang tảng sáng. Những cô gái Mông, cô gái Tày, Dao… xuống núi, ríu rít vào chợ. Đúng lúc phiên chợ đông nhất thì có tiếng máy bay rít lên, chúng có một tốp, bay rất thấp. Có tiếng súng phòng không, đạn bay chíu chíu. Và rồi, tiếng bục… bục, bom rơi, khói bốc mù mịt. Ít ai ngờ tới, bởi lúc đó quá bất ngờ, hệ thống phòng không chưa kịp phát tín hiệu: “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý… máy bay địch xuất hiện trên bầu trời…”.
Bom đã rơi, máu người đã đổ. Mọi người nháo nhác chạy tìm chỗ trú ẩn.
Phiên chợ tan, thị trấn tan hoang, những ngôi nhà, mái ngói tơi tả.
Bọn anh chạy lại nơi bom đã nổ cùng người dân ở đây thu dọn hậu quả. Mắt anh bỗng hoa lên, chân như khụy xuống, miệng đắng ngắt.
Máu… máu, anh thấy chỗ nào cũng có máu.
Và rồi, anh chợt tỉnh.
Chiến tranh đã gõ cửa thị trấn êm đềm.
Sau ngày đó, anh và đồng đội chuẩn bị lên đường ra mặt trận…
Chúng tôi lặng lẽ ngồi bên nhau. Chiến tranh là có thật.
Thỉnh thoảng ánh trăng thia lia vào toa tàu soi nhanh từng khuôn mặt… Tôi muốn nhìn thấy khuôn mặt các anh. May sao, vừa lúc đó chị nhân viên kiểm soát vé trong bộ quần áo màu ghi đã bạc màu tay cầm một chiếc đèn bão tiến lại phía chúng tôi, nhờ ánh sáng mờ ảo của chiếc đèn, tôi đã nhìn rõ khuôn mặt và ánh mắt của anh cựu sinh viên văn khoa.
Đôi mắt đen lắm, chiếc mũi rất thẳng, và nụ cười, cho đến bây giờ tôi vẫn như ngợp thở khi nghĩ lại, nụ cười rạng rỡ, đôi môi rất nét, răng đều và trắng. Tôi thừa nhận, anh ấy rất đẹp trai. Khi nói chuyện, tay anh hay vung lên hoặc gõ gõ lên mặt bàn nhỏ xen giữa chúng tôi. Tôi nghe tiếng “leng keng” từ cái vòng anh đeo ở tay phát ra. Tôi hỏi anh: “Anh là con trai mà cũng đeo vòng tay à!”. Anh cười: “Chiếc vòng này quý lắm, nó sẽ bảo vệ linh hồn anh đấy”. Tôi muốn xem chiếc vòng đó lắm nhưng xấu hổ không dám nói lên ý muốn này.
Anh lính cử nhân văn chương kể: “Chiếc vòng này là anh được một cô gái người Mông bán rẻ cho hôm các anh xuống chợ ở thị trấn. Sau trận ném bom người chết rất nhiều và thật đau đớn khủng khiếp khi anh nhìn thấy cô gái đã bán cho anh chiếc vòng và chúc phúc cho anh cũng nằm bên vũng máu. Anh lao vào ôm cô gái và khóc như khóc người ruột thịt”.
Đêm như ngắn lại. Anh ấy kể đủ mọi chuyện cho chúng tôi nghe. Anh nói, anh chơi đàn ghi ta cũng khá, thậm chí anh còn sáng tác một bài hát khi chia tay người yêu để nhập ngũ. Bài hát có tên là “Đêm huyền diệu”. Anh hát nhè nhẹ cho chúng tôi nghe, lời bài hát tôi rất thích, tôi nhớ không hết, chỉ đọng lại những ca từ anh luyến láy khi hát và hát đi hát lại cho chúng tôi nghe:
Một đêm mùa Thu/ Ánh trăng mơ màng sáng trên mặt hồ lung linh/ Môi mắt em vương đầy ánh trăng/ Và hương sen hay làn tóc em làm ngất ngây tâm hồn anh/ Vẫn mang theo đôi mắt em ngập tràn ánh trăng/ Và mùi sen ngát hương đêm nào…
Giọng anh trầm và ấm. Nghe anh hát mà tôi như thấy anh đang đi cùng người yêu, lạc vào xứ thần tiên có hồ sen đầy hoa sen nở, hương thơm thoang thoảng bay xa. Gió đêm lay động và tình yêu lay động hai con tim. Những chiếc hôn nồng nàn không rời xa họ, tôi nghĩ thế. Tôi chợt xấu hổ vì tưởng tượng của mình, tôi đã biết yêu là gì đâu. Tôi nghe anh hát, như nuốt từng lời, và tôi buồn, buồn cho một mối tình phải xa xôi, cách trở. Anh bạn của anh chợt nhẹ nắm tay tôi nhưng lại buông ra ngay như sợ lay động điều gì đó trong tôi. Còn chị tôi, vốn hát rất hay, chị “la…la…” theo anh. Rồi, anh dừng lại, những giai điệu ngọt ngào vẫn day dứt, những ca từ nhẹ lướt, bay đi vào đêm xa thẳm.
Tôi chợt tỉnh khi giọng anh thoang thoảng: “Anh yêu cây đàn lắm, nó luôn bên anh. Thỉnh thoảng những buổi ngồi chơi cùng bạn, tiếng đàn của anh cũng lay động khối cô nàng đấy!”. Chị tôi cười: “Anh lại tán tỉnh giỏi nữa ai mà chẳng đổ”. Anh đặt nhẹ tay lên vai chị nói: “Riêng em, chắc gì đã đổ, nghe giọng em, anh biết em không dễ đổ vì một khúc ca!”.
Anh kể tiếp, ngày nhập ngũ anh mang cây đàn đến nhà người yêu hát cho cô nghe rồi anh trao cây đàn cho cô. Anh bảo cô giữ cây đàn giúp anh, nhìn cây đàn cô sẽ như nhìn thấy anh và ngày trở về anh sẽ lại hát cho cô nghe. Cô gái cầm cây đàn treo ngay bên cạnh bàn học của cô và quay đi giấu những giọt nước mắt không sao ngăn nổi từ đôi mắt rất đen của cô.
Tôi nhìn anh, mái tóc bồng bềnh hiển hiện khi ánh trăng lướt qua, dù anh có khoác quân phục thì cái dáng nghệ sĩ ấy vẫn ôm chặt lấy anh…
Tàu cứ lao đi vun vút, đường như ngắn lại. Hai anh chị hát nho nhỏ những bài ca quen thuộc của những năm 60.
Tôi và anh bạn của anh, bác sĩ quân y, người nhỏ, cao và gầy, rất ít lời ngồi nghe hai người nói chuyện. Có lúc anh bác sĩ cũng rủ rỉ với tôi, anh lo lắm, không hiểu mình sẽ chữa bệnh cho bệnh nhân ra sao, anh chưa thực hành nhiều, liệu các bệnh binh có chịu nổi nỗi đau dao kéo…
Tàu băng băng qua vùng đồi núi, qua đồng bằng và tiến dần về thành phố. Qua các ga, tiếng người lao xao, í ới gọi nhau. Và cứ thế, mỗi ga là mỗi cuộc chia li. Cứ mỗi khi qua một ga, tàu dừng là tôi lại nhớ, nhớ những buổi khóa học sinh chúng tôi chia tay những người bạn rời trường phổ thông để nhập ngũ. Khóa học của tôi có 5 lớp 10 (nay là lớp 12) thì số người nhập ngũ bằng quân số của 2 lớp học. Kẻ đi người ở bịn rịn chẳng muốn rời nhau, tàu chuyển bánh, người ở lại chạy theo con tàu, người trên tàu vươn người qua cửa sổ để vẫy người ở lại cho đến khi chẳng còn thấy bóng nhau nữa.
Tàu đã vào thành phố, đến ga Long Biên, anh cử nhân văn khoa bỗng quàng tay lên vai chị tôi và nói: “Mắt em đen quá, em rất khôn đấy!”. Chị cười và mắt như lấp lánh hơn, nhòa nhòa lệ. Còn anh bác sĩ, anh nắm chặt lấy tay tôi thì thầm, em là người đa cảm, em rất hay buồn, nhưng em luôn cảm nhận được nỗi lòng của người khác. Hãy nhớ đến bọn anh nhé...
Tàu đến ga Hàng Cỏ. Trời sắp sáng, ánh đèn ở sân ga đã giúp chúng tôi nhìn rõ mặt nhau. Phải chia tay nhau. Chúng tôi xuống tàu. Chúng tôi nắm lấy tay nhau không muốn rời. Tiếng còi tàu vào Nam rúc lên chói tai. Khi các anh lên tàu thì tàu chuyển bánh, chị tôi cứ chạy theo tàu mà vẫy các anh, rồi nức nở, sao các anh không để lại tên, để lại tên cho chúng em!
Các anh đã đi, đã theo tàu vào Nam. Chúng tôi ở lại. Hai chị em yên lặng đi bên nhau. Chúng tôi ra khỏi sân ga, chờ tàu điện để về nhà một người bác họ. Tự nhiên tôi thấy buồn, buồn mênh mang.
Tôi đi chầm chậm, tôi những tưởng như nhìn thấy và nghe thấy tiếng cười của anh cử nhân văn khoa. Tiếng cười vang vọng xa xa. Anh đang cười và giơ cánh tay lên vẫy chào từ biệt chúng tôi, chiếc vòng bạc nhỏ khắc tên tuổi, quê quán của anh như chiếc lục lạc rung lên leng keng. Giọng anh văng vẳng bên tai tôi khi chia tay:
“Nếu anh có bay lên trời thì chiếc vòng sẽ rơi xuống đất và tên anh sẽ ở lại cùng đất với các em”.
Nước mắt tôi trào ra, tôi âm thầm nhớ họ.
Bao năm đã trôi qua, tôi không biết các anh có may mắn được trở về sau chiến tranh hay đã nằm lại ở một vùng đất nào như bao chàng trai trẻ khác đã vì Tổ quốc mà hi sinh, nhưng có điều chắc chắn họ vẫn sống trong kí ức thời chiến của tôi, họ vẫn đẹp và trẻ như ngày nào, họ gần gũi với tôi, nhiều khi tôi day dứt vì không biết tên họ nhưng tôi vẫn luôn nhớ đến họ, nhớ họ đến nao lòng mỗi khi nghe tiếng tàu đêm rời thành phố.