Cần xét xử khách quan, minh bạch, đúng pháp luật

Pháp luật - Bạn đọc 02/08/2019 12:03
“Ban đầu ở đợ, sau dỡ cả nhà”
Đó là câu thành ngữ chỉ trích những kẻ “vong ơn bội nghĩa”, những kẻ lúc đầu thì năn nỉ, ỉ ôi xin được ở nhờ, yên ổn rồi thì tìm cách chiếm nhà gia chủ. Câu chuyện chúng tôi kể dưới đây cũng có phần nào giống thế.
Hai ông Hà Văn Lợt, sinh năm 1955 và Nguyễn Văn Bảy, sinh năm 1954 là anh em con cô, con cậu. Năm 1963, sau khi ông của 2 người này chết, cả gia tộc cùng đứng ra chia di sản thừa kế. Mỗi kỉ phần vài ngàn mét vuông đất, tất cả đều vui vẻ, không có tranh chấp.
Trong thời gian chia di sản, để tạo điều kiện đi lại, sinh hoạt thuận lợi, gần gũi nhau cho 2 người em gái là Hà Thị Thiệp và Hà Thị Dần, cụ Hà Văn Cẩm (bố của ông Lợt) đồng ý cho mỗi người mượn một khoảnh đất khoảng 50m2 trong phần đất mình được chia để làm nhà ở, với điều kiện: Trả lại ngay sau khi 2 bà “quy tiên”. Việc cho ở nhờ này tuy không làm giấy tờ, nhưng được cả gia tộc và bà con lối xóm (xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung) ai cũng biết.
![]() |
Vợ chồng ông Hà Văn Lợt |
Hơn 30 năm sau, năm 1995, thực hiện cam kết, ngay sau khi cụ Hà Thị Thiệp mất, con bà Thiệp trả lại đất cho ông Hà Văn Lợt, người đại diện thừa kế của cụ Hà Văn Cẩm. Riêng ông Nguyễn Văn Bảy không chịu trả đất như mẹ mình, cụ Hà Thị Dần đã hứa (cụ Dần mất năm 2007). Không những vậy, từ khoảng 50m2 mượn ban đầu, theo chiến thuật “tằm ăn dâu”, ông Bảy ngang nhiên lấn dần ra thành 234m2.
Thói thường, khi thấy người ở nhờ “tự nhiên” như vậy, mọi gia chủ đều phản ứng. Tuy nhiên, có lẽ nghĩ tình anh em, cô cháu, hơn nữa, diện tích đất này Nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình đầy đủ (năm 1994 và đổi lại vào năm 2010) nên ông Lợt mặc kệ, bởi “trước sau gì nó cũng phải trả lại cho mình” - Ông Lợt tin thế.
Năm 2012, trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người, ông Bảy chính thức đề nghị với ông Lợt cho gia đình mình tiếp tục sử dụng nhà và 234m2 đất kể trên. Đổi lại, ông sẽ trả cho ông Lợt 75.000 đồng tiền đất cho mỗi mét vuông. Vẫn là nghĩ tình anh em con cô, con cậu, trước sự chứng kiến của Ban Nhân dân ấp, ông Lợt đồng ý cho gia đình ông Bảy tiếp tục sử dụng, nhưng chỉ là 50m2 như ban đầu. Phần còn lại phải trả về hiện trạng như hơn 50 năm về trước. Riêng giá đất vẫn chưa bàn đến. Ông Bảy không đồng ý điều này và việc thương lượng coi như chấm dứt.
![]() |
Khung cảnh lô đất nơi đang tranh chấp |
Năm 2016, ông Bảy chính thức gửi đơn ra tòa khởi kiện ông Lợt, yêu cầu tòa án giải quyết cho ông được quyền sử dụng diện tích 234m2 trong phần đất mà ông Lợt đang đứng quyền sở hữu. Thậm chí trong đơn khởi kiện này, gia đình ông Bảy cũng không chấp nhận trả một đồng tiền sử dụng đất nào, mặc dù ai cũng biết, bao nhiêu năm qua, người đứng tên sổ đỏ đất này là ông Hà Văn Lợt, hàng năm vẫn phải đóng thuế cho Nhà nước.
Cho ở lâu rồi thì không được đòi lại!?
Khởi kiện là quyền của mọi công dân và xét xử thế nào là quyền của Tòa án, trên cơ sở các quy định của pháp luật. Trong vụ kiện này, phần đầu tiên là sử dụng quyền mình, Tòa làm được, đó là ban hành phán quyết rõ ràng: Buộc ông Lợt phải bán cho ông Bảy 234m2 đất mà ông Bảy đang sử dụng; ông Bảy phải trả cho ông Lợt số tiền 46.780.000 đồng giá trị tiền đất...
Ở phần sau, “trên cơ sở các quy định của pháp luật”, hai cấp tòa bỏ quên nhiều tình tiết quan trọng.
Thứ nhất, như trên đã đề cập, tính đến thời điểm vụ kiện được đưa ra xét xử, toàn bộ phần đất 234m2 mà hộ ông Bảy đang sử dụng thuộc quyền định đoạt của ông Lợt. Dẫu trong quá trình tố tụng, hai bên không có chứng cứ “giấy trắng mực đen” về việc “cho” hay “cho ở nhờ” thì về mặt pháp lí, quyền định đoạt lô đất này hoàn toàn thuộc về ông Lợt. Bởi vậy, nếu không bị chế tài bởi các quy định khác của pháp luật (như trả nợ), thì không ai được quyền thay mặt ông Lợt định đoạt tài sản, kể cả tòa án.
Thứ hai, nếu quyết định của Tòa án buộc ông Lợt phải bán đất cho ông Bảy là hợp pháp, thì Tòa cũng không có quyền định giá. Công việc này thuộc về một tổ chức định giá độc lập hoặc qua đấu giá. Quyết định trên của Tòa án có là lạm quyền và trái luật?
Trước đó, Viện KSND huyện Lai Vung có văn bản ghi rõ: “… Hồ sơ vụ án chưa đủ cơ sở để giải quyết”. Ông Lợt đã làm đơn phản tố theo quy định và nộp tiền án phí đầy đủ nhưng không hiểu vì sao việc này bị cả 2 cấp Tòa bỏ qua(!?).
Để tạm kết thúc bài viết, chúng tôi xin dẫn lại một đoạn án văn phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Tháp để thấy sự “nguy hiểm chết người” trong lí lẽ của Tòa án này: “Xét yêu cầu kháng cáo của ông Hà Văn Lợt… là không có căn cứ, bởi vì phần đất đang tranh chấp diện tích 234m2 bà Dần và ông Bảy cất nhà và xây dựng các công trình phụ… đã ổn định… đến nay hơn 50 năm…”.
Cho người ta ở nhờ đã lâu, họ sống ổn định rồi nên đòi lại là không có căn cứ xem xét? Vậy, rồi đây, người dân Việt sẽ không ai dám cho người khác ở nhờ, vay mượn, thuê mướn quá lâu nữa.