Rộn ràng chuyến biển đầu năm

Đời sống 11/03/2025 09:54
Từ hàng trăm năm trước, các thế hệ lưu dân người Việt, cùng với sự tham gia của người Hoa, người Khmer đã cải tạo mạng lưới sông ngòi tự nhiên và đào mới nhiều kênh rạch để khai phá vùng châu thổ Nam Bộ.
Cố nhà văn Sơn Nam nhận định, không chỉ những dòng kênh đi mở cõi, cách đây chừng vài chục năm, hằng trăm tuyến kênh ở vùng sâu hơn, xa hơn của biên giới Đồng Tháp Mười cũng được đào đắp, hệ thống lại. Chính những dòng kênh này đã góp phần biến cả dải đất hoang vu Đồng Tháp Mười thành vựa lúa lớn nhất cả nước và đó cũng là cột mốc đưa Việt Nam từ nước thường xuyên thiếu gạo, trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới hiện nay.
Để thích nghi với môi trường, tổ tiên người Nam Bộ đã tạo ra nếp sinh sống, tập quán mới, từ đó hình thành đặc trưng của vùng địa sinh thái nhân văn sông nước. Nét nổi bật của đời sống văn minh sông nước là thế giới phong phú các loại phương tiện giao thông thủy, như: Xuồng, ghe, vỏ lãi, tàu và bắc (phà)… Trong mỗi loại lại có những dạng khác nhau để thích nghi với đặc trưng sông rạch của từng vùng.
![]() |
Chiếc ghe đục là phương tiện mưu sinh. |
Trong số các loại ghe xuất hiện muộn ở miền Tây Nam Bộ, có lẽ là ghe đục - loại phương tiện chuyên dùng để vận chuyển thủy sản sống, từ các làng bè nuôi cá đến công ty chế biến, hay chở thủy sản từ nơi khai thác cung cấp cho các chợ, đô thị trong vùng. Ghe đục có cấu tạo đặc biệt với thân ghe chia làm 3 khoang.
Trong đó, khoang đục (khoang giữa), chiếm thể tích lớn nhất nhận nhiệm vụ chứa thủy sản. Hai bên của khoang đục người thợ sẽ tạo hai dãy ô như cửa sổ, lắp lưới kim loại để nước ra vào giúp thủy sản sống trong suốt quá trình vận chuyển. Riêng 2 khoang hai đầu như hai chiếc phao, giúp cho ghe nổi trên mặt nước trong khi khoang đục chứa đầy nước.
Tùy theo tải trọng mà lỗ đục được bố trí nhiều hay ít. Đối với những ghe lớn, dưới đáy ghe được gắn một số lỗ lù, khi cần cho nước vào thì mở van lỗ lù, khi nước đầy thì khóa van. Ghe đục lớn đang hoạt động hiện nay, có tổng tải trọng khoảng 200 tấn, chở được khoảng 35 tấn cá. Khi vận chuyển cá, tốc độ tối đa chỉ khoảng 10km/h.
Thông thường vật liệu đóng ghe là cây sao đen do đặc tính chịu được nước và có độ bền cao. Theo nhiều vị cao niên gắn bó với ghe đục, thì việc đóng ghe bằng cây gỗ, khi vận chuyển cá ít hao hụt, khỏe mạnh đến nơi tiêu thụ.
Như những loại ghe khác, ghe đục cũng được vẽ mắt. Mắt ghe đục nhỏ hơn các loại ghe mũi chài, hay ghe bầu. Bên dưới của mắt ghe có những hoa văn cách điệu. Phần đuôi ghe cũng được vẽ hoa văn như phần mũi, bên trên là biểu tượng âm dương thay vì vẽ mắt như phần mũi ghe.
![]() |
Ghe đục lớn đang hoạt động hiện nay. |
Vào mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động đánh bắt thủy sản trên những cánh đồng ở vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu diễn ra nhộn nhịp. Để tiêu thụ thủy sản của bà con đánh bắt, từ hàng trăm năm trước, chiếc ghe đục đã xuất hiện để những thương lái có thể giữ cho thủy sản sống được lâu trong quá trình vận chuyển.
Ngược dòng thời gian, lịch sử hình thành ghe đục xuất hiện trên trăm năm. Xưa kia ghe đục dùng để chở cá chà, bây giờ là để chở cá linh. Cá nào cũng vậy không có ghe đục là không chở đi được, vì cá phải sống người ta mới mua nên yêu cầu thương lái là phải có ghe đục.
Trên những cánh đồng đầu nguồn, mùa nước nổi, các ghe đục neo đậu đông đúc dưới chân cầu, hay một nơi thuận tiện để thu mua cá. Ngoài cá linh, các tiểu thương thu mua tất cả các loại cá mà người dân đánh bắt được.
Đời sống “trên cơm dưới cá” phản ánh cuộc mưu sinh tuy vất vả nhưng vui vẻ của cư dân mùa nước nổi. Với người dân chủ ghe đục thì chiếc ghe đục không chỉ là phương tiện mà còn là nhà, là cần câu cơm của cả gia đình.
Gắn bó mật thiết với đời sống của người dân là vậy, nhưng nhiều chủ ghe và cả chủ xưởng đóng ghe ở Đồng bằng sông Cửu Long không rõ ai là người sáng tạo ra chiếc ghe đục.
Theo ông Phan Văn Khải ở xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, ông học được nghề đóng ghe từ cha mình, chủ yếu đóng các loại ghe mũi chài, ghe Cần Thơ, hay xuồng cui, xuồng ba lá. Còn ghe đục thì ông học lỏm, xem cấu tạo chiếc ghe rồi mày mò đóng khi khách đặt hàng. Ghe đục ông đóng là dạng ghe nhỏ, loại tải trọng vài chục tấn, chở được vài tấn cá, chủ yếu phục vụ cho hoạt động vận chuyển trên các tuyến sông ngắn.
Ngày nay, dẫu việc đi lại bằng đường bộ đã thông thoáng, thuận tiện, song sông ngòi vẫn là thủy đạo quan trọng trong công tác vận tải, thương mại. Hơn nữa, ghe xuồng trong đó có ghe đục từ lâu đã trở thành phương tiện truyền tải sắc thái văn hóa đặc trưng của miệt sông nước Nam Bộ đi khắp nơi.