Đa dạng sinh kế của người cao tuổi ở miền Tây Nam Bộ
Xã hội 07/04/2023 14:22
Trong không gian nhỏ hẹp của tiệm, chất đầy hoài niệm về một thời xa xưa, pha trộn với sắc màu hôm nay. Dường như, những đôi guốc bước ra từ quá khứ, khoác lên mình phong cách hiện đại hơn, để tiếp tục tồn tại cùng năm tháng.
Ở xứ sở miền Tây Nam Bộ, áo the giờ khó tìm thấy, guốc mộc cũng vậy. Những món đồ ngày xưa từng thân thuộc như hơi thở, như cảnh quê dần biến mất. Vậy mà, trải qua bao nắng mưa, một cửa tiệm bán guốc mộc ở thị xã Tân Châu vẫn bền bỉ giữ lại nghề. Có lẽ, đây là tiệm chuyên bán guốc mộc duy nhất trong tỉnh.
Bà Hương 70 tuổi đang đóng guốc |
Nằm ở trung tâm thị xã Tân Châu, tồn tại mấy chục năm, nhưng không phải người dân địa phương nào cũng biết đến tiệm, nói gì người ở xa. Khách mua hàng lạc vào thế giới của những đôi guốc mộc đủ màu sắc, kiểu dáng, cao thấp. Nhiều nhất vẫn là guốc dành cho phụ nữ, từ đế bằng đến đế cao cả chục phân; quai guốc được kết thành những đóa hoa. Kế đến là guốc dành cho trẻ em, màu sắc nổi bật, tươi sáng hơn rất nhiều. Trên đế guốc vẽ thêm nhân vật hoạt hình xinh xắn. Mỗi đôi có giá dao động từ 50.000 đến 70.000 đồng. Những đôi guốc này phần lớn được phụ nữ trung niên ưa chuộng, đặc biệt là loại đế cẩn ốc xà cừ.
Guốc được làm từ loại gỗ dùng để đóng tủ, bàn; cách thức cẩn ốc truyền thống, thủ công, nên giá nhỉnh hơn các loại khác. Bù lại, đôi guốc mang 1 - 2 năm vẫn chưa hỏng. Guốc dành cho đàn ông cũng có cả chục kiểu dáng khác nhau, nhưng thường là đế vuông mạnh mẽ, quai guốc đơn sắc, tối giản.
Đôi guốc được người Nhật Bản đem qua Việt Nam làm mẫu, nhờ gia công nhiều sản phẩm tương tự. Các tiệm bán guốc ở TP Hồ Chí Minh nhanh chóng bắt kịp xu hướng mua sắm trong nước, sản xuất theo. Đế cao 7 - 8cm, tuy thô kệch, nhưng lại khá nhẹ, giá bán 200.000 đồng/đôi, được không ít khách hàng chọn mua.
Bà Hương đang trưng bày sản phẩm guốc. |
Muốn có đôi guốc ưng ý, khách hàng phải dành thời gian kha khá dừng chân tại tiệm. Đầu tiên là chọn đế guốc, từ kích thước, kiểu dáng, màu sắc, độ cao, đến các loại hoa văn khắc trên đế. Sau đó, lại phải chọn lựa quai guốc, từ hơn 100 kiểu quai sẵn có. Không thích loại đơn sắc truyền thống, có thể chọn hoa văn sặc sỡ hơn. Ngoài ra, còn có loại quai nhựa trong, quai đính nơ, đá lấp lánh… Chọn xong thì đưa lại chủ tiệm gia công tại chỗ.
Tiệm nhỏ, tất cả công đoạn đều do bà Hương 70 tuổi đảm nhiệm. Chỉ khi nào đông khách quá, bà mới nhờ con ra phụ một tay. Hồi xưa, bà đi giao hàng cho các tiệm gia công guốc mộc. Một thời gian, bà tự mở tiệm, mày mò học hỏi cách thức đóng guốc. Thời vàng son, bà Hương bán được vài trăm đôi mỗi ngày. Giờ, con số đó giảm rất nhiều. Những tiệm cùng thời với bà ở thị xã Tân Châu đã đóng cửa, chỉ còn bà cặm cụi với guốc.
Tất cả nguyên vật liệu đều được bà Hương mua từ TP Hồ Chí Minh. Đinh cũng phải sử dụng 4 loại khác nhau về hình dáng, độ dài, tùy theo đóng đế hay đóng quai. Mỗi chiếc guốc đều được bà Hương nâng niu đóng trên chân. “Đóng kiểu này rất mất sức, nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng đế guốc. Phải biết cách đóng đinh thì guốc mới “ăn đinh”, đinh không bị trợt, nghiêng, xéo. Tôi ngày càng lớn tuổi, độ chính xác cũng giảm theo, đóng một đôi guốc mất gần nửa tiếng” - bà Hương chia sẻ. Điều đặc biệt, bà luôn nhờ khách ướm thử guốc trước khi đóng. Mỗi đôi guốc làm ra phải thật sự vừa với chân của khách, giúp họ đi lại thuận tiện, thoải mái. Chính vì thế, hàng trăm ngàn đôi guốc bà bán ra, chẳng đôi nào giống đôi nào.
Trong kí ức của bà Hương, ngày xưa ai cũng thích mang guốc mộc. Đôi guốc của má nặng trịch, bà ướm thử mà mang không nổi. Guốc làm từ gỗ cây gòn, cây vông, thường bị nứt đế sau một thời gian sử dụng. Bù lại, chúng giúp điều trị bệnh đổ mồ hôi tay chân. Sau này, gỗ làm guốc dần ít đi. Bà lo lắng một ngày nào đó, mặt hàng này khan hiếm, không đủ cung cấp cho thị trường.
Tiệm còn nhận sửa chữa các loại guốc đã qua sử dụng, với giá rất “mềm”: Đóng đế 20.000 đồng, đóng quai tùy theo loại, nhưng tổng cộng chỉ vài chục ngàn. Sau nhiều công đoạn tỉ mẩn, đôi guốc lại trở nên mới tinh. Guốc mộc rất bền, để lâu ngày không sử dụng chỉ xuống màu, chứ không hư hao như giày dép thông thường. Bà Hương vẫn giữ nét riêng của tiệm, chuyên bán guốc mộc, không bán kèm loại nào khác. Phần vì bà không quản lí xuể, phần vì chỉ quen thuộc với guốc mộc.