Cần xem lại việc kêu gọi “xã hội hóa” xây mới vỏ mộ liệt sĩ
Pháp luật - Bạn đọc 16/05/2023 08:52
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Người cao tuổi ông Nguyễn Văn V (xin giấu tên), 60 tuổi, người đang trông nom phần mộ và thờ cúng người chú ruột là liệt sĩ Nguyễn Văn H, hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Quảng Trị cho biết: Năm 1985, ông và gia đình đã đi tìm được phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn H (chú ruột ông V) và xin di chuyển hài cốt về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu. Cuối tháng 4/2023, gia đình ông được Tổ trưởng tổ dân phố chuyển cho một phong thư do Ủy ban MTTQ TP Hạ Long gửi.
Trong phong bì là một tờ in Thư kêu gọi của MTTQ TP Hạ Long, một tờ in mẫu, kích thước, hình dáng, màu sắc, đơn giá, chất liệu, đơn vị sản xuất, xưởng chế tác phần vỏ mộ, tờ thứ 3 là phiếu xin ý kiến thân nhân liệt sĩ “đồng thuận hay không đồng thuận”. Cầm trên tay các văn bản, ông V bần thần và không tin vào mắt mình khi đọc đến dòng chữ: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hạ Long trân trọng kêu gọi và bày tỏ sự mong muốn thân nhân liệt sĩ xem xét, nghiên cứu và đồng thuận với chủ trương thực hiện thay mới phần mộ hiện hữu bằng vỏ mộ đá xanh nguyên khối từ nguồn kinh phí của gia đình”.
Thư kêu gọi của Ủy ban MTTQ TP Hạ Long gửi thân nhân có người thân là liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu. Và mẫu vỏ mộ, kích thước, kinh phí, chất liệu, đơn vị sản xuất, xưởng chế tác được gửi đến thân nhân các gia đình có người thân là liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu. |
Ông V chia sẻ: “Chú tôi hi sinh lúc mới ngoài 20 tuổi, khi nhập ngũ chưa có vợ; bố, mẹ tôi nay đã khuất núi, tôi được bố, mẹ khi còn sống giao cho trông nom phần mộ và hương khói cho chú. Gia đình tôi đông con, công việc làm và thu nhập bấp bênh, điều kiện gia đình khó khăn, sao có kinh phí gần 12 triệu đồng để đóng góp, thay mới phần vỏ mộ bằng đá cho chú... Chú tôi hi sinh vì đất nước, gia đình tôi còn may hơn một số gia đình liệt sĩ khác là còn tìm được phần mộ và đưa chú về an táng tại quê hương, việc xây cất mồ mả, xấu, đẹp, nay đều trông chờ vào chính quyền. Vì thế, tôi đã ghi vào phiếu: “không đồng thuận với chủ trương trên” và nộp cho phường. Tôi được biết, đa phần thân nhân các liệt sĩ trên địa bàn phường đều không đồng thuận với Thư kêu gọi của Ủy ban MTTQ TP Hạ Long”.
Tại Nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu, qua trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Tuấn, quản trang cho biết: Hiện Nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu đang táng 487 liệt sĩ qua các thời kì. Trong đó có 19 liệt sĩ hi sinh trong chống Pháp; 326 liệt sĩ hi sinh trong chống Mỹ; 98 liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Nam, phía Bắc. Trong tổng số 487 phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu có 123 liệt sĩ là người tỉnh ngoài, 11 mộ phần liệt sĩ chưa biết tên, 44 phần mộ chỉ có tên, không có thông tin gì khác và có 18 mộ đã di chuyển về các tỉnh. Tổng số có 469 mộ các liệt sĩ có hài cốt hiện được an táng tại đây.
Nhận công tác quản trang đến nay đã hơn 10 năm, ông Phạm Văn Tuấn cho biết thêm: Toàn bộ phần vỏ các mộ phần của các liệt sĩ được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu đều được xây trát kiên cố và ốp đá granite màu ghi. Vừa qua, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh và thành phố, toàn bộ bậc, sân, đường dẫn lên cây hương dưới chân đài Tổ quốc ghi công đã được kè, lát bằng đá xanh.
Được biết, tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 12.500 đối tượng người có công (NCC) với cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, từ nhiều năm qua Quảng Ninh luôn là địa phương đi đầu thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách, chế độ đối với NCC với cách mạng theo quy định của Nhà nước, tỉnh còn ban hành các nghị quyết riêng, với nhiều chính sách đặc thù, hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương để thực hiện hỗ trợ, chăm lo cho NCC trên địa bàn tỉnh. Điển hình là việc thực hiện và hoàn thành vượt kế hoạch chỉ tiêu Đề án hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số: 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sớm nhất cả nước. Theo đó, từ năm 2013 đến năm 2022, Quảng Ninh đã hỗ trợ nhà ở cho gần 10.000 gia đình NCC, tổng kinh phí trên 300 tỉ đồng, trong đó hơn 100 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
TP Hạ Long, thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh, nơi có Kì quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước, những năm gần đây có bước phát triển về kinh tế - xã hội đáng ghi nhận với nhiều công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng phục vụ dân sinh nức tiếng gần, xa, mà gần đây nhất là tuyến đường bao biển nối Hạ Long - Cẩm Phả được khen là tuyến đường đẹp nhất Việt Nam và vừa được tổ chức cắt băng khánh thành.
Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày kỉ niệm 76 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2023). Theo đó, từ trung ương đến các địa phương sẽ có nhiều hoạt động tri ân các gia đình chính sách, người có công với đất nước như tặng nhà, tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình khó khăn. Người viết bài này không bàn gì thêm, chỉ đặt câu hỏi tại sao Ủy ban MTTQ TP Hạ Long lại nỡ “xã hội hóa” đến thân nhân các liệt sĩ, những gia đình đã chịu nhiều những mất mát, hi sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc?