Yêu cầu rà soát, kiểm tra 14 công ty nước sạch thu tiền của dân
Pháp luật - Bạn đọc 14/05/2024 10:15
Quyết định hợp lòng dân
Trước tình trạng thu tiền trên, ngày 15/3/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Văn bản số: 3497/UBND-KTTC, yêu cầu rà soát, kiểm tra việc đầu tư của 14 dự án cấp nước trên địa bàn tỉnh bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu đơn vị cung cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ các hạng mục của hệ thống cấp nước theo quy hoạch (bao gồm cả đồng hồ đo nước) đến điểm đấu mối cho khách hàng sử dụng nước trong vùng phục vụ đã được cấp có thẩm quyền xác định tại thời điểm nhà đầu tư được lựa chọn. Trong đó, điểm đấu mối phải đặt ngay sát chỉ giới sử dụng đất hoặc chân tường rào công trình của khách hàng sử dụng nước; trường hợp khách hàng sử dụng nước ở quá xa đường ống phân phối và nằm ngoài vùng phục vụ (thuộc quy hoạch cấp nước) của đơn vị cấp nước thì phải có sự thỏa thuận giữa 2 bên.
Toàn bộ chi phí đầu tư các hạng mục của hệ thống cấp nước của doanh nghiệp sẽ được tính vào giá nước sinh hoạt, theo quy định tại Thông tư số: 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính, quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt; người dân không phải nộp bất cứ chi phí nào liên quan đến việc đầu tư hệ thống cấp nước của doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc. Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện kiểm tra, rà soát về việc chấp hành các quy định nêu trên của các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư các dự án cấp nước sạch sinh hoạt trên địa bàn quản lí (bao gồm cả việc lấy ý kiến Nhân dân vùng dự án nếu thấy cần thiết); trường hợp phát hiện vi phạm, chủ động xử lí theo thẩm quyền hoặc tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật và đề xuất biện pháp khắc phục.
Bên cạnh tăng cường tuyên truyền vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của việc sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt hằng ngày của người dân. Văn bản nêu rõ, không vì thực hiện mục tiêu sớm hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà yêu cầu người dân nộp tiền trái quy định cho doanh nghiệp để đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra vi phạm trên.
Đồng thời, Văn bản 3497/UBND-KTTC của UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu 14 doanh nghiệp cấp nước khẩn trương chuẩn bị các loại hồ sơ, tài liệu và gửi về Sở Tài chính trước ngày 22/3/2024; gồm: Toàn bộ hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án cấp nước; văn bản cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật (do người đại diện pháp luật của doanh nghiệp kí) về tính hợp pháp, chính xác, trung thực, sự phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật đối với các văn bản, hồ sơ gửi cơ quan Nhà nước; đặc biệt là các nội dung, số liệu quyết toán dự án, vốn đầu tư của doanh nghiệp và vay của các tổ chức tín dụng, tài chính theo quy định; nội dung, số liệu trong phương án giá nước sạch sinh hoạt do doanh nghiệp đã lập, đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt...
Đối với các dự án mới, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, rà soát, kiểm tra các điều kiện, năng lực của doanh nghiệp trước khi tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư; trong đó bảo đảm doanh nghiệp có đầy đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để thực hiện dự án.
“Cắn răng” chi tiền triệu dùng nước sạch
Theo phản ánh của nhiều người dân ở tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là người dân sinh sống tại vùng nông thôn đang khan hiếm nguồn nước sạch tại các huyện Hà Trung, Thiệu Hóa, Nông Cống, Nga Sơn, Quảng Xương,... muốn đấu nối dùng nước sạch phải đóng khoản phí cho doanh nghiệp cấp nước từ 4 - 6,5 triệu đồng/hộ dân. Vì “khát” nước sạch nên người dân đành “cắn răng” chi tiền để có nước dùng.
Bà Lê Thị Huê, ở xã Trường Minh, huyện Nông Cống cho biết: “Năm 2023, gia đình tôi lắp đường nước sạch phải chi trả trước cho Công ty cấp nước 5.200.000 đồng (chưa tính khoản thu thêm vật tư về sau gồm đường ống, đồng hồ đo nước). Họ thu bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản nhưng không có biên lai, chứng từ. Trong hợp đồng kí kết dùng nước cũng không có bất cứ điều khoản nào liên quan đến góp vốn, huy động vốn hoặc khấu trừ tiền đã thu vào khối lượng nước dùng hằng tháng của khách hàng”.
Tương tự như bà Huê, hàng nghìn hộ gia đình khác tại xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa, ông Nguyễn Văn Việt, 65 tuổi, cho rằng, việc đơn vị cấp nước thu 4 triệu đồng/hộ không tuân theo quy định nào của pháp luật, nhưng cũng đành chấp nhận chi tiền lắp đặt nước sạch vì dùng nước giếng khoan không bảo đảm sức khỏe. Ông Việt đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra, thanh tra làm rõ khoản thu này do cơ quan chức năng nào quy định hay là doanh nghiệp “bắt chẹt” người dân vùng khan hiếm nước sạch để tùy tiện thu phí.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Người cao tuổi, ông Thông, phụ trách một nhà máy nước trên địa bàn 8 xã phía Tây Nam của huyện Thiệu Hóa giải thích, Công ty thu 4 triệu đồng/hộ dân là thu theo tình hình chung như tất cả các nhà máy cấp nước khác trên địa bàn. Việc thu tiền không phải do chính quyền quy định, mà đây là thu thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp theo một số quy định của Chính phủ để chi phí cho vật tư lắp đặt đến hộ tiêu dùng.
Liên hệ theo số điện thoại 0888.190... (có trong hợp đồng cung cấp nước của người dân với Nhà máy nước Núi Go, ở 10 xã phía Đông Nam huyện Thiệu Hóa), phóng viên được ông Thịnh giới thiệu là người cầm máy của Nhà máy nước Núi Go cho hay, hiện nhà máy đang thu tiền là 4.500.000 đồng/hộ dân có đơn đăng kí mới lắp nước sạch. Trước đây khi lắp đặt đại trà, nhà máy chỉ thu 3.000.000 đồng/hộ dân, nay lắp riêng lẻ giá tăng thêm 1.500.000 đồng/hộ dân.