Vùng lụt nông thôn cần nước sạch
Đời sống 01/10/2024 10:42
Thực tế vừa qua, sau trận lũ lụt lớn do ảnh hưởng cùa bão số 3, ở tỉnh Yên Bái, tại các khu vực đô thị hệ thống nước máy đã hoạt động trở lại bảo đảm nguồn nước sạch kịp thời cho người dân, mặc dù nhu cầu sử dụng nước rất cao do phải cọ rửa nhà cửa, đồ đạc, hàng hoá bị ngập.
Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn không có nước máy, người dân chủ yếu sử dụng nước giếng thì việc có nước sạch đang gặp nhiều khó khăn do hầu hết các giếng đều bị ngập và phù sa bồi lấp. Các giếng còn sử dụng được thì mạch nước chủ yếu thẩm thấu từ các sông, suối, ao, hồ có nhiều rác rưởi, xác động vật chết nên không bảo đảm vệ sinh. Nhiều gia đình đã chủ động nạo vét giếng để lấy nước sạch, nhưng cũng còn nhiều gia đình chưa thật sự quan tâm đến việc này do còn có những việc khác cấp bách hơn như san gạt bùn rác, cọ rửa nhà cửa, phơi phóng, sửa chữa đồ dùng thiết yếu...
Ảnh minh hoạ |
Ngoài ra, một vấn đề khác cũng rất đáng lưu tâm là ở nông thôn hiện nay tỉ lệ gia đình người cao tuổi (NCT) khá cao, nhiều hộ chỉ toàn NCT do con cháu đi làm ăn xa hoặc sinh sống ở thành phố. Nếu con cháu có về giúp đỡ thì cũng chỉ được ít ngày nên khan hiếm lao động trẻ khỏe đủ sức thau rửa, vệ sinh giếng ăn, nhất là ở trong tình trạng mất điện kéo dài. Vì vậy, người dân chỉ dùng nước giếng để tắm giặt, rửa ráy... còn ăn uống thì đều sử dụng nước đóng chai được cứu trợ. Nguồn nước này khá dồi dào do được cả nước hỗ trợ nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế bởi khá tốn kém và không phải là vô tận.
Để có nước sạch cho nông thôn vùng lũ lụt, cách tốt nhất là ngoài việc vận động từng hộ dân chủ động tát vét, thau rửa giếng ăn thì chính quyền, ngành y tế các địa phương cần có giải pháp hỗ trợ như: Bảo đảm các loại hoá chất khử trùng giếng và hướng dẫn người dân cách làm sạch nước, tiêu tẩy vệ sinh môi trường. Khi có các lực lượng về giúp địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt sau khi tập trung xử lí các công việc trọng điểm cần kíp, cần chú trọng hỗ trợ người dân làm sạch nguồn nước giếng, sửa chữa thiết bị lọc nước, thu gom tiêu hủy xác động vật trên các ao hồ, vườn ruộng... Đối tượng cần ưu tiên là các gia đình chính sách, NCT, người neo đơn, tàn tật, hoàn cảnh khó khăn… Bên cạnh đó, tích cực vận động người dân sử dụng tiết kiệm nước sạch, tích trữ nước mưa để dùng cho ăn uống và tham gia vệ sinh làm sạch môi trường xung quanh…
Thiết nghĩ, khi nguồn nước sạch được bảo đảm thì nỗi lo dịch bệnh sau lũ lụt sẽ giảm, việc khắc phục hậu quả bão lụt trên các mặt khác cũng vì thế mà đạt hiệu quả cao hơn.